Có khá nhiều tranh cãi về việc nên ngâm bát đĩa hay rửa luôn sau khi ăn. Trong khi nhiều người luôn rửa bát đĩa ngay sau bữa cơm thì không ít người khác lại tự cho phép mình lười một chút, cứ ngâm bát đĩa trong chậu đợi lúc nào "có hứng" mới rửa, cho rằng như thế cũng không hại gì.
Nên ngâm bát đĩa hay rửa luôn? (Ảnh: Betsey Goldwasser)
Có người còn cho rằng, bát đĩa ngâm trong nước một thời gian sẽ dễ dàng rửa sạch hơn. Vậy đâu mới là cách làm đúng?
Theo một nghiên cứu tại Australia, việc ngâm bát đĩa bị bẩn lâu trong chậu rửa bát thực sự khiến chúng càng bẩn hơn và làm tốn nhiều thời gian hơn để vệ sinh. Bát đĩa để càng lâu thì vi khuẩn sẽ càng có điều kiện để phát triển.
Thông thường, vi khuẩn trong thực phẩm có thể sinh sôi gấp đôi sau mỗi 20 phút, và tốc độ tăng trưởng của chúng sẽ cao hơn sau 2 giờ đồng hồ.
Nếu ngâm bát đĩa lâu trong chậu rửa, vi khuẩn có hại sẽ dễ dàng sinh sôi, tạo ra mùi hôi trong chậu rửa bát. Điều này không chỉ gây khó chịu khi bạn đứng rửa mà còn khiến bát đĩa có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Phó giáo sư Barbara Mullan, Đại học Curtin, Australia, cho biết: "Nếu ngâm bát đĩa bẩn ở bồn rửa trong khi nhà vẫn đang có người hoặc động vật, vi khuẩn có khả năng lây lan ra xung quanh, bám vào các vật chủ đó. Chúng tồn tại trên các loại bề mặt, ngay cả bề mặt sạch sẽ, trong tối đa 4 ngày. Ở môi trường ô nhiễm, chúng có thể sống trong thời gian dài hơn".
Vi khuẩn có hại trong bồn rửa có thể đến từ nhiều nguồn. Bát đĩa, thịt sống hoặc hải sản sống thường có khuẩn E. coli hoặc salmonella sót lại. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rửa bát đũa, dao thớt chế biến đồ sống ngay sau khi sử dụng để tránh lây lan mầm bệnh.
Vi khuẩn cũng có thể bắt nguồn từ trái cây, rau, sữa, thậm chí từ đường ống nước. Trong bồn rửa bát, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh chóng bởi đây là môi trường ấm áp, ẩm ướt, chứa đầy chất dinh dưỡng từ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Nói cách khác, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn.
Nên ngâm bát đĩa hay rửa luôn? Câu trả lời là rửa ngay và luôn. (Ảnh: The Washington Post)
Các vi khuẩn phổ biến khác được tìm thấy trên bát đĩa bẩn là pseudomona, escherichia và acineto. Chúng được gọi là những mầm bệnh cơ hội, không gây hại cho người bình thường nhưng có thể lây nhiễm cho người có hệ miễn dịch và tiêu hóa kém.
Như vậy, đáp án cho câu hỏi "nên ngâm bát đĩa hay rửa luôn?" đã rất rõ ràng. Bạn hãy rửa sạch bát đĩa ngay sau khi ăn xong để các loại vi khuẩn, nấm mốc không có điều kiện sinh sôi nảy nở, gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.
Nhiều người đang mắc những sai lầm khi rửa bát đĩa khiến lượng vi khuẩn sinh sôi gấp nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Cho nước rửa chén trực tiếp vào bát đĩa
Chất tẩy rửa có chức năng khử trùng mạnh, là cánh tay đắc lực trong việc giúp bạn đẩy lùi vi khuẩn, làm sạch bát đĩa. Tuy nhiên, chúng cũng là thành phần gây hại cho cơ thể. Việc cho trực tiếp nước rửa chén vào bát đĩa sẽ khiến bát đĩa sau khi rửa có dư lượng hóa chất trên bề mặt.
Những chất này khi vào cơ thể sẽ làm hỏng niêm mạc dạ dày, cản trở quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể, thậm chí gây bệnh tiêu chảy.
Cách làm khoa học là hòa một lượng nước rửa chén với nước ấm, dùng hỗn hợp đó để rửa bát đĩa. Ngoài ra, sau khi sử dụng chất tẩy rửa, bạn nên rửa lại bát đĩa thật nhiều lần với nước sạch.
Cho bát đĩa bẩn vào chậu không theo trật tự
Sau khi ăn xong, bạn thường có thói quen trút tất cả bát đĩa bẩn vào chậu rửa mà không sắp xếp. Việc này khiến bạn vừa tốn thêm thời gian, công sức, vừa gây nhiễm bẩn chéo, tức là những bát đia nhiều dầu mỡ làm bẩn những chiếc sạch hơn.
Cách làm khoa học nhất là ngay từ khi dọn bàn ăn, bạn phân loại riêng những bát đĩa ít bám dầu mỡ. Những bát đĩa bám nhiều dầu mỡ nên được lau bằng giấy lau hay tráng nước nóng trước khi cho vào chậu. Trong chậu rửa, bạn nên sắp đĩa, bát to trước, cho bát nhỏ vào sau. Trật tự này giúp việc rửa dọn nhanh chóng, gọn gàng hơn.
Việc cho bát đĩa vào chậu không theo thứ tự, không phân loại sẽ khiến bạn vất vả hơn. (Ảnh: Health Digest)
Dùng giẻ rửa bát như "giẻ đa năng"
Nhiều người sử dụng giẻ rửa bát như một cái giẻ đa năng, có thể dùng để lau mọi chỗ. Đây là sai lầm bởi một số khu vực đặc thù cần sử dụng giẻ riêng, việc dùng chung một giẻ sẽ dễ dàng đưa vi khuẩn từ nơi này sang nơi khác, len vào trong bát đĩa của bạn.
Các loại khăn, giẻ dùng trong bếp cũng cần được giữ sạch, khô sau khi sử dụng. Với giẻ rửa bát, sau khi dùng, bạn giặt sạch và để khô; đừng rửa xong rồi tiện tay cho cả nùi còn nguyên xà phòng vào giá đựng.
Khăn lau bát, khăn lau bếp đều cần được giặt sạch và phơi ra nơi thoáng, khô ráo để nhanh khô, sạch cho lần sử dụng sau.
Cất bát đĩa khi còn ướt
Nhiều người rửa xong liền cất bát đĩa vào tủ để tránh bụi, nhưng môi trường kín và ẩm có thể khiến vi khuẩn sinh sôi. Bát đĩa chất chồng lên nhau khi chưa khô cũng có thể gây mùi hôi, kém sạch sẽ.
Nếu bạn không có tủ sấy bát đĩa, khi rửa xong, hãy lau thật khô bằng khăn thấm nước trước khi cất đi, hoặc đặt chúng ở nơi thoáng khí, chờ khô mới cất.