Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có thể cân đối được hơn 7 triệu tấn gạo cho xuất khẩu

Bộ NN&PTNT tính toán, điều hành sản xuất lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng như sẵn sàng đón mọi nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện về cơ hội xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung chia sẻ về điều hành sản xuất lúa gạo để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

- Thứ trưởng có thể cho biết, Bộ NN&PTNT đánh giá thế nào về cơ hội cho ngành lúa gạo Việt Nam khi nhiều nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đã tạm dừng xuất khẩu?

Thời gian qua đã có nhiều biến động liên quan đến điều chỉnh chính sách của một số nước xuất khẩu lúa gạo, như Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, UAE, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Từ thực tế đó, Bộ NN&PTNT đã có những cân nhắc, đánh giá nguyên nhân các nước điều chỉnh chính sách. Chúng tôi cho rằng nguyên nhân do nội tại của họ, một số nước chịu ảnh hưởng bởi El Nino, khiến sản xuất khó khăn, năng suất giảm nên việc điều chỉnh rất bình thường. Tuy nhiên, những điều chỉnh như vậy sẽ có tác động đến thị trường gạo thế giới.

Tôi khẳng định Bộ NN&PTNT nắm chắc tình hình thị trường cũng như sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Đáng mừng là, đến thời điểm này tổng diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng 43 - 43,5 triệu tấn, đạt được sản lượng theo kế hoạch, cân đối tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu. Cụ thể, tiêu thụ trong nước khoảng 30 triệu tấn, trong đó 15 triệu tấn phục vụ 100 triệu dân, 9,5 triệu tấn dành để chế biến, 1 triệu tấn làm giống, 2,5 triệu tấn dự trữ quốc gia.

Sau khi cân đối như vậy thì yên tâm vẫn còn 14 - 15 triệu tấn lúa, tức 7 – 7,5 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.

Từ sản lượng, cách thức sản xuất như vậy, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm ngoài đảm bảo đủ sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước vẫn có thể tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo, tận dụng cơ hội của thị trường.

Với tình hình mới như hiện nay thì phải khẳng định các doanh nghiệp (DN) có nhiều lợi thế trong thương thảo, ký hợp đồng với giá có lợi nhất. Có thông tin các đối tác tìm đến ký hợp đồng, giá đều tăng lên 30 – 40 USD/tấn. Nông dân cũng có cơ hội nâng cao thu nhập nhờ giá lúa tăng thêm. Đồng thời, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần gạo ở thị trường truyền thống và những thị trường mới.

- Trước những diễn biến mới của thị trường như vậy, Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về những chỉ đạo của Bộ NN&PTNT để sản xuất đáp ứng được thị trường?

Bộ NN&PTNT tổ chức sản xuất tốt, có sản lượng nhất định, bởi đây là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu, giúp DN có lợi trên bàn đàm phán. Để làm tốt việc này, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới. Bộ NN&PTNT cũng sẽ bám sát tình hình thực tế, trên cơ sở nắm các thông tin về mưa, hạn mặn… từ đó điều chỉnh khung thời vụ, cơ cấu giống hợp lý nhất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường giám sát, không để xảy ra dịch bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa gạo.

Bộ NN&PTNT cũng đã giao các cục: Trồng trọt, Thủy lợi, Bảo vệ thực vật xem xét tình hình hạn mặn, tính đến khả năng tăng diện tích vụ Thu Đông. Chúng tôi dự tính, nếu tăng thêm 50.000 ha lúa Thu Đông thì Việt Nam có thể thu thêm 100 triệu USD, cung ứng lương thực cho thế giới và mang lại thu nhập cho nông dân.

Đối với vụ Đông Xuân, ngay sau vụ Thu Đông kết thúc, Bộ đã chỉ đạo rõ về kỹ thuật như bám sát diễn biến hạn mặn, khung thời vụ xuống giống từ tháng 10 tới đây, thu hoạch càng sớm càng tốt, kết thúc khung thời vụ là 31/12/2023.

Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chuyên ngành xử lý các rào cản kỹ thuật trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp xuất khẩu càng sớm càng tốt để mở rộng các thị trường mới, đa dạng hóa thị trường.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhìn nhận cơ hội xuất khẩu gạo sẽ được người dân và DN nắm bắt tốt sau cả quá trình chuyển đổi và xây dựng những liên kết sản xuất. (Ảnh: VGP/Đỗ Hương)

- Cơ hội có thể nhìn thấy rất rõ, nhưng để nắm bắt được và có thể phát triển bền vững ngành lúa gạo cũng cần có những thay đổi sản xuất để chuyên nghiệp hơn. Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về điều này?

Rõ ràng chúng ta cần ứng phó linh hoạt với thị trường nhưng cũng cần có những bước chuyển đổi để phát triển bền vững. Nhưng không phải bây giờ mới chuyển đổi mà chúng ta đã có sự chuẩn bị từ trước đó, doanh nghiệp cũng đã có những chuẩn bị kỹ càng để tiếp nhận cơ hội này. Với mô hình liên kết, DN, nông dân chia sẻ lợi ích hài hòa, chủ động về sản lượng, kế hoạch xuất khẩu, có ưu thế trên bàn đàm phán. 

Bên cạnh đó là những giải pháp mang tính tập trung, bám sát tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch hợp lý nhất, đảm bảo 3,5 triệu ha đất trồng lúa, vừa đáp ứng an ninh lương thực phục vụ sản xuất, tiêu dùng, vừa phục vụ xuất khẩu. Bộ cũng đang chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao gắn với giảm phát thải khí nhà kính. Nếu làm tốt thì có thể nhân rộng, bởi đây là xu thế tất yếu giúp sản xuất lúa có giá tốt, hiệu quả hơn, đồng thời chứng minh với thế giới Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết tại COP26.

Bộ cũng linh hoạt trong chỉ đạo sản xuất, hiện tổng diện tích sản xuất lúa đạt 100% theo kế hoạch và tiếp tục duy trì cho các năm tiếp theo, nếu giá tốt, thị trường tốt có thể mở rộng diện tích.

Chúng tôi xác định, ngoài diện tích lúa Thu Đông thì với giá thị trường tốt như vậy, diện tích chuyển đổi sang trồng cây khác có thể quay lại trồng lúa để tăng diện tích lúa. Đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng quy trình sản xuất để giảm chi phí đầu vào mà năng suất và chất lượng vẫn tăng. Tạo liên kết chuỗi, xây dựng vùng nguyên liiệu, gắn kết DN với HTX, tổ hợp tác để đảm bảo DN và nông dân tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, ổn định.

Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu cố gắng nghiên cứu giống lúa thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đảm bảo trong mọi điều kiện chúng ta vẫn duy trì diện tích, sản lượng, đáp ứng nguồn cung xuất khẩu, tạo niềm tin của ngành hàng lúa gạo Việt Nam với thế giới.

Vấn đề thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam cũng đang rất được quan tâm. Chính phủ có đề án xây dựng thương hiệu lúa gạo đến năm 2030, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hiệp hội lúa gạo Việt Nam đang nỗ lực thực hiện để định vị vị trí hạt gạo Việt trên thị trường thế giới. Đến nay, đã có 23 thị trường bảo hộ thương hiệu Vietnam Rice, bảo hộ nhãn hiệu ở 17 nước. Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp để khẳng định thương hiệu gạo Việt trên thị trường, để nhắc đến thương hiệu gạo Việt là nhắc đến chất lượng.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!

Nguồn: Báo Chính phủ

Tin mới