Thông tin trên được Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) nhấn mạnh trong kết luận họp chiều 10/5 liên quan đến sự việc GS Võ Xuân Vinh là đồng tác giả một bài báo bị Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer gỡ bỏ, gây xôn xao cộng đồng khoa học.
Theo đó, bài báo "Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries" được xuất bản trực tuyến vào ngày 13/4/2021 và bị gỡ bài vào 14/3/2024. Lý do gỡ bài do chứa một số cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases), bao gồm cả trong tiêu đề. Đây là bài báo được bình duyệt bởi biên tập viên khách mời được tạp chí tổng điều tra, rà soát.
GS Võ Xuân Vinh.
Ngay khi có thông tin sự việc, Đại học Kinh tế TP.HCM yêu cầu GS Vinh viết tường trình, họp hội đồng để làm rõ các nội dung.
Theo đó, ngay sau khi phát hiện bị lạm danh, GS Vinh đã liên hệ với Tổng biên tập tạp chí hôm 15/2 - hơn một tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ. Trong nội dung thư gửi, GS Vinh khẳng định, không liên quan đến bài báo. Trong quá trình nhận xét bài báo trước đó, ông từng không đồng ý và không cho phép nhóm tác giả này viết tên mình vào bài. Do đó, ông Vinh đề nghị tạp chí xóa tên ra khỏi bài báo.
Trong thư phản hồi ngày 21/3, Tổng biên tập tạp chí nêu, tác giả chính - Mohammed Musah đã thừa nhận việc tự ý đưa tên GS Võ Xuân Vinh vào bài báo, đồng thời, xin lỗi về sự việc này. Tạp chí cũng đã chuyển tiếp thư này đến bộ phận liêm chính học thuật của nhà xuất bản để xử lý các bước tiếp theo.
Giải trình thêm với nhà trường, trong số tác giả của bài báo này, ông Vinh đã từng làm việc với tác giả thứ nhất Mohammed Musah và tác giả thứ hai Yusheng Kong trong một dự án Nature Fund về phát triển bền vững. Hai tác giả này ở Đại học Giang Tô (Trung Quốc).
Vị GS này khẳng định, không nhận tài trợ, tiền thưởng từ bài báo này và đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh.
Đại học Kinh tế TP HCM cho biết: "Bài báo bị rút liên quan đến quy trình xử lý của biên tập viên khách mời và hoạt động bình duyệt của tạp chí. Đây là trường hợp rút bài báo nghiên cứu có liên quan đến quyền tác giả".
Theo nhà trường, cá nhân GS Vinh không nhận tài trợ, thưởng từ nhà trường cho bài báo này và đã đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh.
Nhà trường đề nghị GS Vinh nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân. Bên cạnh đó, với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, GS Vinh cần có chính sách quản lý và cơ chế kiểm soát chặt chẽ mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu, cộng tác rộng khắp của đơn vị trên cơ sở bộ quy tắc của Hội đồng liêm chính học thuật, tránh xảy ra vụ việc tương tự.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Quân, trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM, việc rút bài báo không xảy ra thường xuyên mà do có sự vi phạm nghiêm trọng nào đó.
Ông cũng cho hay, nguyên nhân rút bài báo được nhà xuất bản Springer đưa ra có chi tiết đáng lưu ý liên quan "quy trình bình duyệt bị lũng đoạn". Với một quy trình xuất bản thông thường, hệ thống thường gửi email thông báo do đó đặt ra câu hỏi về "mức độ nghiên cứu hoặc đóng góp của tác giả là gì".
Ông cũng nhấn mạnh, việc bài báo bị gỡ ảnh hưởng đến uy tín của tác giả. Tuy nhiên hiện nay quy chế phản biện của các tạp chí còn nhiều bất cập.