Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cơ quan nhà nước ngày càng khó tuyển dụng cán bộ trẻ, tài năng?

Cơ quan khối nhà nước của Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng cán bộ trẻ, tài năng và có tinh thần cống hiến cho xã hội.

Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019), nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá Việt Nam có nền tảng kinh tế khá vững chắc nên được nhiều doanh nghiệp nước ngoài xem xét đưa vào trong danh mục ưu tiên lựa chọn đầu tư.

Việt Nam ngày càng gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng cán bộ trẻ, tài năng và có tinh thần cống hiến cho xã hội.

Tuy nhiên trong bối cảnh biên giới kinh tế giữa các quốc gia đang xuất hiện trở lại, căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng. Cùng với đó, thay đổi công nghệ đang diễn ra với một tốc độ chưa từng thấy.

Theo ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức bao gồm dân số già hoá nhanh, hình thành vốn và tỷ lệ sinh lời từ đầu tư thấp, suy thoái vốn tự nhiên, vốn nhân lực yếu, khả năng giảm tốc độ tăng năng suất.

Nhân lực Việt Nam giỏi nhiều nhưng khó giữ

TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng UNDP Việt Nam và Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright đánh giá, Việt Nam huy động năng lực mạnh mẽ so với các quốc gia có thu nhập tương đương và cả trong khu vực. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển con người rất tốt thông qua các con số về tỷ lệ giảm hộ nghèo nhanh chóng và trình độ nhân lực.

TS. Jonathan Pincus, Chủ tịch Quỹ Rajawali, nguyên Chuyên gia kinh tế trưởng UNDP Việt Nam.

Theo ông Jonathan, Việt Nam có ưu thế so với quốc gia khác về lịch sử tuyển chọn người tài, sắp xếp thứ bậc cho thấy năng lực tổ chức tốt. Tuy nhiên, trong tương lai, năng lực tổ chức quản trị sẽ càng trở nên quan trọng, bức thiết hơn khi môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

"Tinh thần thực tài đang bị suy yếu và Chính phủ sẽ gặp nhiều thách thức trong việc tuyển dụng được những cán bộ trẻ tài năng, được đào tạo tốt và có tinh thần cống hiến cho xã hội do cạnh tranh thu hút nhân lực ngày càng gia tăng", ông Jonathan chỉ rõ.

Ông Jonathan kiến nghị Việt Nam cần hợp lý hóa, đảm bảo tính tập trung trong công tác tổ chức nhân sự, đặc biệt là trong việc tuyển dụng, luân chuyển và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ cần có chính sách tốt, hợp lý.

"Chính sách Trung Quốc thực hiện trong nhân sự cũng là một thực tế rất hay Việt Nam có thể tham khảo. Quản lý nhân sự là chất keo dính giúp gắn kết những mảnh rời tại địa phương trở thành một bức tranh thống nhất, dù khá đa dạng về sắc màu", ông Jonathan nêu ý kiến.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

"Cùng với đó, luân chuyển lãnh đạo địa phương, thành lập một cơ quan chủ trì hoạch định và thực hiện chính sách kinh tế và đào tạo chuyên sâu cho cán bộ nắm giữ các vị trí quan trọng, nhạy cảm", ông Jonathan cho biết thêm.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, bộ máy hành chính và đội ngũ công chức của chúng ta đang bị chính trị hóa nặng nề. Thiếu đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, khiến việc vận hành mô hình nhà nước kiến tạo phát triển hiệu quả chưa cao.

"Truyền thống khoa bảng là điều kiện rất thuận lợi để chúng ta tuyển chọn người tài. Ngoài ra, tâm lý thích học để làm quan cũng là động lực quan trọng để thu hút người tài vào bộ máy Nhà nước. Vấn đề là phải học thật và thi thật. Phải kiên quyết áp đặt một chế độ khoa bảng và thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước", ông Dũng nhấn mạnh.

Thanh Giang/VOV

Tin mới