Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cơ quan chức năng giải thích nguyên nhân hacker chiếm quyền điều khiển bảng LED

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đang diễn ra hiện trạng hacker xâm nhập và chiếm quyền điều khiển thông tin bảng LED trên cả nước.

Vừa qua, trên cả nước xuất hiện hiện tượng các bảng LED ở cổng chào, cửa hàng, trường học... bất ngờ bị hacker chiếm quyền điều khiển và thay đổi nội dung hiển thị. Chẳng hạn như việc cổng chào xã An Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) xuất hiện dòng chữ “Nhà cái đến từ châu Phi” chạy qua chạy lại, diễn ra vào ngày 20/11.

Trước đó, nhiều người dùng Internet cũng chia sẻ các hình ảnh về bảng điện tử chạy LED của một số trường học, cửa hàng bị thay đổi nội dung và hiển thị các dòng chữ khác nhau như "Fi Fai" hay "Chế độ sinh tồn chiến đấu"...

Cổng chào xã An Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) xuất hiện dòng chữ “Nhà cái đến từ châu Phi”.

Trước thực trạng này, đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra cảnh báo. Qua phân tích, điều tra các thông tin liên quan, Cục An toàn thông tin ghi nhận một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Đầu tiên là do các bảng điện tử LED bị thay đổi nội dung thường là các bảng LED cũ hoặc bảng LED không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Các bảng LED này có chung đặc điểm là cho phép quản lý thông qua Wifi và thường sử dụng các mật khẩu Wifi mặc định dễ đoán như: 88888888, 11111111, 12345678…

Theo đại diện Cục An toàn thông tin, hiện nay có rất nhiều ứng dụng trên điện thoại cho phép chỉnh sửa nội dung bảng điện tử LED ngay trên thiết bị di động, phổ biến nhất là “Led Art”. Chỉ cần kết nối vào Wifi của bảng LED, sau đó truy cập vào ứng dụng là có thể chỉnh sửa được nội dung trên bảng điện tử LED.

Ngoài ra, trên các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook cũng chia sẻ rộng rãi cách thức thực hiện hành vi này. Nhiều đối tượng coi đây là chiến tích để khoe khoang nên đã làm theo, gây ra tình trạng nhiều nơi trên cả nước đều xuất hiện việc bảng LED bị thay đổi nội dung hiển thị.

Trước thực trạng đó, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các cơ quan, tổ chức kiểm tra lại mật khẩu wifi của bảng điện tử mình đang sử dụng, thay đổi thành mật khẩu khác phức tạp và khó đoán hơn (mật khẩu cần có nhiều hơn 8 ký tự bao gồm cả chữ, số và ký tự đặc biệt). Đồng thời, thực hiện tắt wifi trên thiết bị nếu chỉ quản trị qua kết nối có dây.

Võ Nam (VOV.VN)

Tin mới