Ngày 4/9, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN tại Jakarta, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy nêu quan điểm về biến động của giá cổ phiếu VFS trên sàn Nasdaq (Mỹ) thời gian qua.
Theo đó, bà Thủy đã gạt bỏ những lo ngại về diễn biến thất thường của giá cổ phiếu VinFast sau khi chào sàn Nasdaq. Đồng thời, CEO VinFast đặt niềm tin vào tiềm năng của công ty, nhất là sau khi xét tới sự mở rộng nhanh chóng của hệ sinh thái xe điện ở Đông Nam Á.
CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy tại Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư và Kinh doanh ASEAN. (Ảnh: Nikkei)
“Bạn có lẽ đã thấy cổ phiếu VinFast biến động mạnh ra sao sau khi lên sàn Nasdaq và tôi nghĩ nhiều người đã cảm thấy bất ngờ. Tuy nhiên, chúng tôi không ngạc nhiên vì chúng tôi tin vào tiềm năng của công ty”, bà Thủy nói.
Nhắc lại những dấu ấn trong hành trình của VinFast, bà Thủy nhấn mạnh, VinFast đã chứng minh điều mà nhiều người cho là không thể kể từ khi bắt đầu công cuộc sản xuất xe điện cách đây 6 năm, đồng thời cho biết thêm công ty hiện đã tung ra 7 mẫu xe tại Việt Nam. “Chúng tôi từng nghĩ không bao giờ có thể làm được, nhưng VinFast đã làm được”, CEO VinFast nhấn mạnh.
Bà Lê Thị Thu Thủy nhận định, hệ sinh thái xe điện ngày càng phát triển ở Đông Nam Á sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng của VinFast. Trong đó, bà đề cập tới Indonesia, đất nước giàu nickel (kim loại quan trọng trong sản xuất pin xe điện) và sở hữu ngành sản xuất pin lớn ở Đông Nam Á, như một lý do để lạc quan về ngành xe điện ở ASEAN.
Bà cũng nhắc tới những liên doanh sản xuất xe điện ở Malaysia và Thái Lan. Từ góc nhìn chuỗi cung ứng, bà Thủy cho rằng VinFast có thể nhập tất cả linh kiện từ khu vực Đông Nam Á.
“Chắc chắn chúng tôi có thể biến ngành xe điện của ASEAN trở nên lớn mạnh và xuất khẩu xe điện đến phần còn lại của thế giới”, CEO Lê Thị Thu Thủy khẳng định mục tiêu.
Ngày 15/8 vừa qua, VinFast đã tạo nên một dấu mốc lịch sử khi là hãng xe điện đầu tiên của Việt Nam và khu vực ASEAN đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ. Cổ phiếu này mở phiên đầu tiên ở mức 22 USD/cổ phiếu và nhanh chóng đạt đỉnh 93 USD/cổ phiếu (tương đương vốn hóa khoảng 210 tỷ USD), trước khi hạ nhiệt trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/9, cổ phiếu VinFast đóng cửa ở mức 29,5 USD/cổ phiếu (tương đương vốn hóa 70 tỷ USD).
Thời điểm cổ phiếu ở đỉnh cao, định giá của VinFast lên tới 210 tỷ USD (hôm 28/8) và xếp hạng thứ 3 trong top nhà sản xuất xe hơi lớn nhất trên thế giới, chỉ sau Tesla của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk và xếp sau chút it so với Toyota (khoảng 223 tỷ USD).