Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cổ phiếu LienVietPostBank giảm mạnh dù báo lãi tăng ‘khủng’

Thu nhập lãi thuần LienVietPostBank tăng 28%, lợi nhuận ròng tăng 76,7% song giá cổ phiếu lại diễn biến ngược chiều.

Thống kê 18 mã ngân hàng từ đầu năm cho thấy, vốn hoá nhóm cổ phiếu ngành này tăng khoảng 14%. Thế nhưng bên cạnh những mã tăng trưởng mạnh (như VCB của VietcomBank) cũng có nhiều mã đi ngược thị trường, vốn hóa giảm so với đầu 2019. Một trong số đó là LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).

Theo đó, khép lại ngày giao dịch cuối tuần, mã LPB đứng mức 7.500 đồng/cổ phiếu, giảm 1,3%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 100 đồng. Với hơn 888,1 triệu cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa LPB “bốc hơi” hơn 88 tỷ chỉ trong ngày giao dịch 6/9.

 Cổ phiếu LienVietPostBank diễn biến tiêu cực từ đầu năm dù ngân hàng báo lãi tăng trưởng ấn tượng. (Ảnh: LienVietPostBank)

Cổ phiếu LienVietPostBank lên sàn tháng 10/2017, giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 14.200 đồng. Tuy nhiên, gần đây, cổ phiếu này luôn giao dịch dưới mệnh giá, thanh khoản cũng không cao.

Theo thống kê của Vietstock, từ đầu năm (1/1/2019 – 6/9/2019) mã LPB trải qua 169 ngày giao dịch, biến động giá giảm 21,05%, tương đương mỗi cổ phiếu mất 2.000 đồng. Vốn hóa thị trường LPB mất tương ứng 1.776,2 tỷ đồng. Hiện ghi nhận mức hơn 6.661 tỷ đồng.

Trong báo cáo mới về LienVietPostBank, mã LPB, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect (VnDirect) cho biết, mã LPB giảm sức hấp dẫn do hoạt động công bố thông tin chưa hiệu quả và mức độ cam kết của ban lãnh đạo đối với việc thực hiện chiến lược chưa cao.

Bên cạnh đó, kế hoạch chuyển sàn sang HoSE (Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM) của LPB kéo dài với tiến độ chậm và đợt phát hành quyền mua năm 2018 không thật sự thành công.

Ngoài ra, quyết định trả cổ tức bằng cổ phiếu 10% cho năm 2018 sau nhiều năm trả cổ tức bằng tiền mặt đã làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu LPB.

Trong khi cổ phiếu diễn biến tiêu cực thì nửa đầu 2019, LienVietPostBank công bố tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của LPB tăng 27,7% so với cùng kỳ nhờ cho vay tăng 12,8%. Thu nhập ngoài lãi tăng gấp ba cùng kỳ nhờ thu nhập phí dịch vụ tăng 151,1% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 16,6% do tốc độ mở rộng mạng lưới chậm và chi phí dự phòng giảm 3,2%, vì vậy lợi nhuận ròng tăng 76,7% so với cùng kỳ lên 898 tỷ đồng.

Lợi nhuận tăng nhưng theo VnDirect, chất lượng tài sản của LPB lại có dấu hiệu suy giảm. Tỷ lệ nợ xấu của LPB tăng 45 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 1,5% vào cuối quý II/2019. Trích lập dự phòng thấp và xóa nợ hạn chế khiến chi phí dự phòng nửa đầu 2019 giảm 3,2% so cùng kỳ.

Dự phòng thấp nhưng nợ xấu tăng khiến tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu giảm mạnh từ 112,0% cuối quý II/2018 xuống 77,9% cuối quý II/2019. Đặc biệt, phần lớn dự phòng trích lập trong nửa đầu 2019 là cho trái phiếu VAMC. Tuy nhiên tỷ lệ dự phòng trên số dư trái phiếu VAMC chỉ đạt 65,6%, vì vậy LPB khó có thể hoàn thành trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong 2019.

Hoàng Hưng

Tin mới