Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tục trước đó. Trước áp lực chốt lời mạnh, VN-Index có thời điểm bị kéo xuống dưới 915 điểm trước khi lực cầu nhập cuộc trong những phút cuối giúp thu hẹp đà tăng.
Đóng cửa phiên 8/10, VN-Index dừng ở 919 điểm, giảm nhẹ 0,1% so với phiên hôm qua. Độ rộng thị trường chuyển sang trạng thái tiêu cực với 253 cổ phiếu giảm giá và 158 mã tăng giá trên sàn HoSE. Trong danh mục VN30, 19 mã giảm và 9 mã tăng giá.
Các cổ phiếu bluechip tác động tiêu cực nhất khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ hôm nay gồm VNM (Vinamilk), TCB (Techcombank), SAB (Sabeco), VCB (Vietcombank), VPB (VPBank) với mức giảm từ 0,2% đến 2%.
Thanh khoản trên thị trường hạ nhiệt so với phiên 7/10 nhưng vẫn giữ ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch trên sàn HoSE gần 7.950 tỷ đồng với hơn 470,3 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Các mã đứng đầu về khối lượng khớp lệnh vẫn là những cái tên quen thuộc như ITA (Tân Tạo), STB (Sacombank), HPG (Hòa Phát), ROS (FLC Faros), FLC với thanh khoản từ 16 triệu đơn vị trở lên.
Tuy nhiên, cổ phiếu đáng chú ý nhất phiên hôm nay là CTD (Coteccons) với hơn 3,5 triệu đơn vị khớp lệnh. Đây là mức thanh khoản cao kỷ lục trong lịch sử 10 năm niêm yết trên sàn chứng khoán của cổ phiếu Coteccons.
Sau khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương thông báo từ chức chủ tịch Coteccons vào ngày 5/10, giao dịch cổ phiếu của công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam bắt đầu tăng vọt. Trong 3 phiên gần nhất, bình quân hơn 3 triệu cổ phiếu CTD đổi chủ. Trong khi nếu tính từ đầu năm đến trước phiên 6/10, thanh khoản trung bình của CTD chỉ là 470.000 đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Thanh khoản CTD tăng vọt sau khi ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch Coteccons. (Ảnh: VNDS)
CTD cũng gây bất ngờ trong phiên hôm nay khi chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tục liền trước, trong đó có 2 phiên giảm mạnh sau thông tin ông Nguyễn Bá Dương rời Coteccons. Đóng cửa phiên 8/10, CTD tăng 1%, dừng ở thị giá 61.100 đồng/cổ phiếu. Mã này thậm chí có thời điểm vọt lên sát mức giá trần khi mở cửa trước khi bị thu hẹp biên độ tăng điểm.
Nhìn chung về thị trường, chuyên gia phân tích của MBS cho rằng chỉ số VN-Index vẫn giữ xu hướng tăng ngắn hạn. Dù vậy, khu vực này đang vướng vào đường xu hướng giảm kể từ năm 2018. Vì vậy, thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn và áp lực bán sẽ tăng lên. Những phiên rung lắc là điều không thể tránh khỏi.
Đại diện MBS cho rằng trong kịch bản tích cực, chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục tích lũy đi ngang với thanh khoản trung bình. Trong quá trình này, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư rằng việc đua giá là không cần thiết và chỉ nên mua dần khi giá giảm, hoặc đợi khi thị trường đột phá thật sự.