Từ đầu năm 2019, chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam Vn Index đã có mức tăng khoảng 9%; từ mức 913 điểm vào ngày 11/2, VN Index đã có thời điểm vượt mốc 1.000 điểm ngày 7/3 trước khi đóng cửa vùng 994 điểm.
Gây chú ý nhất trong những phiên giao dịch tích cực từ đầu năm là nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp (KCN). Những cái tên nổi bật như VGC của Viglacera đã tăng 25%, NTC của Nam Tân Uyên tăng đến 50%, KBC của Kinh Bắc tăng gần 18%, D2D tăng hơn 40%, LHG của KCN Long Hậu tăng 15%,…Thậm chí, tân binh SZC của Sonadezi Châu Đức cũng vừa có phiên tăng trần lên mức giá 12.400 đồng cuối phiên 7/3.
Thực tế, diễn biến của nhóm cổ phiếu bất động sản KCN phản ánh đúng kỳ vọng của các nhà đầu tư và dự báo của giới phân tích. Đã có nhiều nhận định cổ phiếu nhóm ngành này dự kiến sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ tích cực trong năm nay.
Đặc biệt là xu hướng sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc qua Việt Nam đã tích luỹ từ 2016 – 2018 có chiều hướng gia tăng mạnh trong năm 2019 khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra từ năm ngoái.
Vốn FDI 2 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng mạnh
Báo cáo tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tháng 2 năm 2019 của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, xu hướng FDI đổ bộ vào VN đang tiếp tục gia tăng. Tính đến ngày 20/2, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.
Xu hướng gia tăng đầu tư vào VN cũng được thể hiện qua số dự án cấp mới và đầu tư thêm. Cụ thể, đến 20/2, có 514 dự án được cấp giấy chứng nhận ĐKĐT với tổng vốn đăng ký cấp mới 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018; 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo các chuyên gia, từ năm 2018, cùng với chủ trương của Chính phủ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào Việt Nam, nhiều Hiệp định Thương mại song phương và đa phương (FTA) với những điều khoản mở rộng, tự do thương mại - kinh doanh đi vào đời sống.
Theo đó, đã có rất nhiều công ty từ Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam xây nhà máy sản xuất. Điều này được dự báo sẽ gia tăng nhu cầu về nhà xưởng, kho bãi và logistics, thúc đẩy phân khúc BĐS công nghiệp phát triển.
Theo phân tích của các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC), Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn giữa diễn biến phức tạp của tranh chấp thương mại. Việt Nam sở hữu những lợi thế hấp dẫn, bao gồm vị trí chiến lược tại khu vực châu Á và đường biên giới đất liền với Trung Quốc – thuận lợi cho lưu thông đường bộ.
Hơn nữa, không có KCN nào nằm sâu trong đất liền và các cụm KCN chính được kết nối với cảng biển bởi hệ thống đường lớn, đường cao tốc đang được tăng cường đầu tư. Chi phí lao động trung bình tại Việt Nam ước tính thấp hơn 43% và 10% so với Thái Lan và Indonesia cũng là yếu tố thu hút FDI.
Theo MPI, hiện tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Việt Nam ghi nhận khoảng 73%. Trong khi đó, CBRE cho biết tính đến cuối Q2/2018, hơn 90% đất thương phẩm tại Thái Lan đã đi vào khai thác. Thái Lan là nơi tập trung sản xuất ngành công nghiệp ô tô tại châu Á, trong khi Việt Nam được các tập đoàn công nghệ hàng đầu chọn lựa trong hơn 10 năm qua.
Samsung, LG và một số tập đoàn lớn khác, đã hiện diện hơn 10 năm tại Việt Nam, tạo nên nhu cầu thuê lớn tại phía bắc. Lực lượng lao động đồng bộ và sự thuận lợi tiếp cận các nhà cung ứng đã tạo ra nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất tại khu vực. Điều này khuyến khích nhà cung cấp đặt nhà máy sản xuất gần với khách hàng của họ.
VDSC cho rằng, KCN phía Bắc là điểm đến ưa thích của các tập đoàn, công ty công nghệ. Kinh Bắc và Viglacera sẽ tiếp tục hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt khi tranh chấp thương mại kéo dài và các tập đoàn công nghệ tiếp tục mở rộng sản xuất và mạng lưới nhà cung cấp.
Tại đây, Kinh Bắc đang kỳ vọng cho thuê 843 ha đất thương phẩm còn lại, tập trung tại Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Viglacera hiện đang sở hữu khoảng 911 ha đất thương phẩm ở phía bắc.
Trong khi đó, khách thuê tại miền Nam đa dạng hơn, bao gồm cả ngành công nghiệp nặng và hóa chất. Tranh chấp thương mại gần đây cũng khuyến khích doanh nghiệp từ Đài Loan và Trung Quốc, phần lớn là SMEs, chuyển hoạt động sản xuất sang các KCN phía Nam. KCN Long Hậu và Nam Tân Uyên qua đó có thể hưởng lợi.
Dù vậy, các chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư rằng, rủi ro có thể gặp phải là dòng vốn FDI chững lại khiến nhu cầu thuê KCN giảm. Bên cạnh đó, việc tốc độ tăng giá cổ phiếu quá nhanh so với đà tăng của lợi nhuận sẽ khiến cổ phiếu đứng trước nguy cơ điều chỉnh mạnh sau đó, nhà đầu tư nên lựa chọn mua khi giá cổ phiếu điều chỉnh về những mức giá hỗ trợ thay vì theo đuổi những mức giá cao.