Tổng quan về cây xạ đen
Cây xạ đen ngày càng được nhiều người biết đến bởi đây là loại dược liệu tự nhiên nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, xạ đen tên khoa học là Celastrus hindsii Benth, được biết đến với các tên khác như bạch vạn hoa, cây bách giải, cây dây gối.
Đây là loại cây dây leo thân gỗ, bám vào các cây lớn để leo khi mọc hoang nhưng khi được trồng thì cành sẽ bám đan xen với nhau tạo thành từng búi để mọc. Thân xạ đen tròn, dài 3 - 10m, khi còn non màu xám nhạt và không lông nhưng khi lớn lên sẽ chuyển sang màu nâu và có lông rồi dần dần chuyển sang màu xanh.
Ở nước ta, cây xạ đen mọc hoang nhiều ở khu rừng của vùng đồi núi phía Bắc như Ninh Bình, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế. Thành phần hóa học của loài cây này gồm:
- Polyphenol: kaempferol 3-rutinoside, rutin, axit lithospermic, axit rosmarinic, axit lithospermic B.
- Triterpene và Sesquiterpene: 1b, 6a, estar agarofuran sesquiterpene, axit glucosyringic, loranthol, emarginatine E, lupenone,...
- Một số nhóm hợp chất khác: axit amin, tanin, flavonoid,…
Đến nay, tác dụng dược lý chủ yếu được nghiên cứu và ghi nhận của cây xạ đen gồm:
- Chống lại khối u: Hợp chất polyphenol, flavonoid, quinone trong xạ đen có khả năng chống lại sự hình thành khối u đồng thời ức chế ngăn cản trở tế bào ung thư phát triển, và làm cho chúng hóa lỏng nên dễ bị tiêu hủy từ đó hạn chế khả năng di căn của khối u.
- Chống oxy hóa: Mọi hoạt chất trong loại cây này đều có thể chống lại gốc tự do và khiến cho tác hại của nó đến tế bào bị giảm xuống.
- Duy trì huyết áp ổn định: Dùng xạ đen mỗi ngày có thể ổn định huyết áp, nhất là với những người cao huyết áp. Riêng với người huyết áp thấp, muốn ổn định thì khi dùng xạ đen nên cho thêm vài lát gừng vào.
- Cải thiện chức năng và giải độc cho gan: Hoạt chất trong cây xạ đen có thể hỗ trợ điều trị xơ gan, viêm gan, men gan cao, chống lại các bệnh gan thứ phát.
- Cải thiện giấc ngủ và cảm giác ngon miệng: Xạ đen tương đối tốt với người bị suy nhược cơ thể, mất ngủ thường xuyên, bị thiếu máu. Không những thế, loại cây này còn cải thiện tuần hoàn máu, giúp hỗ trợ chữa trị chứng chóng mặt hoa mắt.
Nước xạ đen tốt cho sức khoẻ nhưng cần dùng đúng cách.
Có nên uống nước xạ đen hàng ngày?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, xạ đen có thể được hãm dưới dạng trà, uống hàng ngày.
Tuy nhiên cũng như các loại dược liệu khác, khi dùng xạ đen uống hàng ngày cũng cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để việc dùng xạ đen được an toàn và hiệu quả.
Theo lương y Phùng Tuấn Giang, thông thường xạ đen dùng sẽ tương ứng từ 10 – 15g dược liệu khô, tối đa chỉ nên dùng xạ đen khoảng 70g/ngày. Không nên dùng xạ đen vượt quá liều lượng cho phép, vì quá liều có thể làm tụt huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
Thuốc hoặc trà từ xạ đen nên nấu hoặc hãm đúng liều lượng và dùng hết trong ngày, tránh để qua đêm, bởi khi sử dụng qua đêm có thể gây đầy bụng, đau bụng, thậm chí tiêu chảy.
Không được tự ý tăng giảm liều lượng hoặc phối hợp xạ đen với các loại dược liệu khác, để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn.
Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con cho bú không nên dùng xạ đen. Ngoài ra, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh nhân suy gan, suy thận là những người không nên sử dụng. Trường hợp muốn dùng xạ đen để hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
Xạ đen có tác dụng an thần nên có thể gây buồn ngủ, ngủ gà, vì thế bạn cần lưu ý khi lái xe, vận hành máy móc và làm những công việc cần sự tỉnh táo.
Khi uống xạ đen không nên sử dụng thức uống có cồn (rượu, bia), các loại thực phẩm như cà pháo, đậu xanh, măng chua, rau muống, vì có thể làm giảm tác dụng của xạ đen.
Đối với người đang dùng thuốc tây y để điều trị các bệnh khác, nên uống thuốc tây và các bài thuốc từ cây xạ đen cách nhau tối thiểu 30 phút, để đạt hiệu quả và tránh tương tác thuốc bất lợi.
Trên đây là những thông tin giải đáp về băn khoăn "Có nên uống nước xạ đen hàng ngày?". Hãy sử dụng nước xạ đen đúng cách và đúng liều lượng để đạt được hiệu quả tốt nhất.