Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Có nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày?

(VTC News) -

Đinh lăng là loại cây quen thuộc và tốt cho sức khoẻ, nhiều người vẫn thường đun nước lá đinh lăng để uống, vậy có nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày?

Cây đinh lăng có tác dụng gì?

Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng - Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, cây đinh lăng có tên gọi khác là cây gỏi cá, nam dương sâm. Tên khoa học của cây đinh lăng là Poliscias fruticosa Harms, thuộc họ Nhân sâm - Araliaceae.

Cây đinh lăng được mọi người dùng để ăn như rau làm gia vị và chữa nhức đầu. Nhiều nơi thường lấy lá đinh lăng để nấu canh với thịt, cá để bồi bổ cho sản phụ, người già hoặc người ốm mới dậy.

Thành phần hóa học và dinh dưỡng: Trong củ chứa 0,3% glucozit, alcaloit, saponin, tanin, 13 loại axit amin và vitamin B1. Đinh lăng một số hoạt chất mang tính năng gần giống như nhân sâm.

Uống nước đinh lăng có tác dụng gì?

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, nước cây đinh lăng có tác dụng bồi bổ, chống mệt mỏi. Lương y Sáng hướng dẫn cách đun nước lá đinh lăng để bồi bổ cơ thể. Theo đó, lá đinh lăng tươi 150-200g, 200ml nước. Đun sôi 200ml nước, cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, bạn cần chắt ra, đổ tiếp thêm khoảng 200ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Đun sôi tiếp, trộn hai nước với nhau, chia 2 lần uống trong ngày.

Nước lá đinh lăng tốt cho sức khoẻ nhưng khi sử dụng cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ và không nên uống trong thời gian dài

Có nên uống nước lá đinh lăng hàng ngày?

Tuy nước lá đinh lăng rất tốt cho sức khoẻ nhưng các chuyên gia khuyến cáo không nên uống loại nước này hàng ngày.

Lương y Sáng cho biết, đinh lăng tuy là vị thuốc quý trong Y học cổ truyền tuy nhiên nếu sử dụng vẫn cần phải tham khảo ý kiến của các thầy thuốc Đông y hoặc các bác sĩ. Bạn cũng không nên tự ý sử dụng hoặc sử dụng quá nhiều vì có thể gây hại cho sức khoẻ.

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, trong lá đinh lăng có nhiều saponin nên nếu lạm dụng sử dụng quá nhiều rất dễ gặp phải một số tác dụng phụ chóng mặt, hoa mắt, khó chịu, mệt mỏi. Vì thế, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc liều lượng sử dụng cho phù hợp, không được uống kéo dài.

Ngoài ra, trẻ em không nên uống nước lá đinh lăng mà chỉ nên dùng ngoài da vì hệ cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nếu lạm dụng uống nước lá đinh lăng có thể ảnh hưởng xấu tới tổng trạng cũng như hệ tim mạch.

Mặc dù đinh lăng dược liệu thiên nhiên ít độc nhưng khi dùng với liều lượng nhiều vẫn có nguy cơ bị ngộ độc, nhất là ở phổi, gan, dạ dày, tim, ruột.

Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu không nên uống lá đinh lăng để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.

Huyền Anh (Tổng hợp)

Tin mới