BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, thực tế vaccine phòng bệnh đậu mùa có từ lâu và nhiều người đã được tiêm, nhất là người tuổi từ 55 trở lên, người trở về từ vùng dịch hoặc bị bệnh. Theo một nghiên cứu, vaccine đậu mùa cũng có tác dụng hơn 80% với bệnh đậu mùa khỉ.
Ngày nay còn một số hãng nghiên cứu và phát triển vaccine đậu mùa nhưng rất ít. Tuy vậy, BS Khanh cho rằng, hiện người dân chưa cần tiêm vaccine phòng đậu mùa khỉ. Bệnh đậu mùa khỉ trước đây chỉ mang tính chất cục bộ, bùng phát thành từng cụm nhỏ. Bệnh này cũng nhen nhóm từ lâu chứ không phải tới nay mới bùng phát. Do tính đặc thù của bệnh cũng như virus gây bệnh khá nhẹ nên mọi người chưa cần nghĩ tới việc tiêm vaccine đậu mùa khỉ thời điểm hiện tại.
"Theo tôi, ở giai đoạn hiện nay, người dân nên lắng nghe những thông tin chính thống từ Bộ Y tế để biết những biện pháp phòng bệnh từ sớm, tránh nguy cơ lây lan”, BS Khanh nói.
Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia y tế. Mọi người không nên quá hoang mang, lo lắng về những lời đồn đại đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch từ những nguồn tin không chính thống.
Vaccine bệnh đậu mùa hiệu quả lên tới 85% với đậu mùa khỉ. (Ảnh minh họa: Suckhoedoisong.vn)
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định, việc tiêm vaccine đậu mùa khỉ thời điểm này chưa cần thiết. Hiện bệnh chủ yếu lưu hành tại các nước ở châu Phi, châu Âu.
“Chưa cần thiết tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Chúng ta vẫn cần thời gian theo dõi và nghiên cứu. Mọi người không nên quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan. Hãy lắng nghe thông tin cũng như khuyến cáo từ Bộ Y tế để chủ động trong phòng và kiểm soát dịch bệnh”, ông Nga nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức này đang làm việc với nhà sản xuất để nâng cao khả năng tiếp cận với vaccine đậu mùa. Hiện thế giới có một số loại vaccine phòng bệnh đậu mùa cũng có khả năng bảo vệ ở mức độ nhất định chống bệnh đậu mùa khỉ. Mới đây, một loại vaccine mới hơn được phát triển để phòng bệnh đậu mùa (MVA-BN – còn gọi là Imvamune, Imvanex hoặc Jynneos). Vaccine này được phê duyệt vào năm 2019 để sử dụng trong phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ và hiện chưa được phổ biến rộng rãi.
Điều trị đậu mùa khỉ thế nào?
Theo WHO, thông thường, bệnh đậu mùa khỉ lành tính, lây lan hạn chế và có thể tự khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các bác sĩ có thể sử dụng thuốc chống virus để hạn chế sự lây lan và giảm nguy cơ bệnh nặng.
Quá trình theo dõi, bệnh nhân không nên châm hay chọc vỡ các nốt ban trên cơ thể mà để tự khô. Người bệnh có thể băng các vết ban bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng da bị tổn thương nếu cần.
Đặt biệt, bệnh nhân không chạm vào bất cứ vùng da bị tổn thương nào trong mắt và miệng để tránh bệnh nguy hiểm hơn. Nếu thấy khó chịu có thể súc miệng hoặc nhỏ mắt nhưng tránh dùng sản phẩm chứa cortisone.
Ống chứa mẫu phẩm xét nghiệm virus gây bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh: Reuters)
Trong trường hợp bệnh nhân tiến triển nặng, cần báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được trợ giúp. Lúc này, tùy vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau.
Thông thường, các chuyên gia khuyến cáo áp dụng phương pháp Globulin miễn dịch ở người (Vaccinia Immune Globulin – VIG) trong các ca bệnh nặng. Ngoài ra, thuốc kháng virus đậu mùa cũng được xem xét sử dụng trong một vài trường hợp. Hiện có một số loại thuốc kháng virus đã được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa như Tecovirimat (TPOXX). Thuốc này đã được phê duyệt để điều trị bệnh đậu mùa khỉ năm 2022.
Theo chuyên gia, vaccine phòng bệnh đậu mùa hiệu quả lên tới 85% trước đậu mùa khỉ, vì thế người dân nên tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa ngay khi có cơ hội.
Theo WHO, đến nay hơn 20 quốc gia trên thế giới đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có hơn 100 ca nghi mắc xảy ra tại các nước vốn hiếm khi ghi nhận căn bệnh này. Theo các chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ liên quan tới bệnh đậu mùa bị xóa sổ năm 1980 nhưng triệu chứng nhẹ, khó lây và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn.
Các bằng chứng cho thấy, những người nguy cơ cao mắc bệnh có tiền sử tiếp xúc thân thể gần gũi với người bị đậu mùa khỉ khi họ đang có triệu chứng.
Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.