Càng dành nhiều thời gian trên đường, xe của bạn sẽ càng bám nhiều bụi bẩn. Do đó, sau mỗi chuyến đi dài, bạn nên vệ sinh xe (đảm bảo động cơ đã nguội bớt) để loại bỏ bớt các vết bẩn, bùn đất bám trên xe.
Xe máy là phương tiện thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều bụi bẩn, các chất gây ô nhiễm trong không khí khi di chuyển trên đường. Ở tốc độ cao, gió sẽ ma sát với bụi bẩn tạo thành những vệt xước trên vỏ xe.
Khi bạn không thực hiện xịt rửa xe thường xuyên, bụi bẩn bám lâu ngày sẽ làm mất độ bóng, sơn xe nhanh xuống màu. Đồng thời cũng khiến các chi tiết trên xe như động cơ, hệ thống giảm sóc, hệ thống phanh...sẽ hoạt động kém hiệu quả.
Chuyên gia khuyến cáo nên rửa xe máy thường xuyên. (Ảnh minh họa).
Thậm chí bụi bẩn còn làm má phanh nhanh bị mòn, giảm ma sát má phanh, xích nhanh hư hại, không những gây tốn kém chi phí còn dễ gây tay nạn giao thông. Bởi vậy rửa sạch xe không chỉ giúp chiếc xe bóng bẩy mà còn giúp các chi tiết của xe hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn khi lưu thông.
Tuy nhiên, việc rửa xe quá liên tục cũng không phải là điều tốt, gây mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc…đồng thời còn làm giảm tuổi thọ của động cơ.
Theo các chuyên gia, thời gian vệ sinh xe tốt nhất là khoảng 2 - 3 lần/tuần, nhằm giúp xe luôn sạch sẽ, bền bỉ, vận hành êm ái, ổn định hơn.
Mặc dù vậy, tần suất rửa xe thật sự tốt còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: điều kiện thời tiết, môi trường, quãng đường đi xe…
Nếu sống ở các khu vực gần biển, nhiều sương muối, gần khu công nghiệp hay đỗ xe ngoài trời, hay phải lái xe đường dài…thì cần vệ sinh thường xuyên hơn so với việc xe ít sử dụng, đi quãng đừng ngắn, được bảo quản ở những nơi có mái che, ít bụi bẩn.
Để rửa xe đúng cách giúp xe vừa sạch vừa bảo vệ động cơ sau mỗi lần rửa, chủ xe cần tuân theo các nguyên tắc sau:
- Không rửa xe khi động cơ còn đang nóng: Lý do là khi xe đang nóng, nếu bị xịt nước vào sẽ bị giảm nhiệt đột ngột, giãn nở không đều khiến máy có thể bị nứt, vỡ...Ngoài ra, khi nhiệt độ trên xe cao sẽ làm cho nước và xà phòng bay hơi nhanh, khiến cho việc rửa xe khó khăn hơn.
- Rửa xe bằng nước sạch và hóa chất chuyên dụng: Các chất bẩn, bùn đất, nước mưa...có thể gây hư hại vỏ xe, làm phai màu sơn xe, gỉ sét các chi tiết kim loại...Biện pháp tốt nhất để làm sạch chúng là sử dụng nước sạch, hóa chất chuyên dụng.
- Những bộ phận trên xe không được xịt nước trực tiếp: Hạn chế tối đa việc xịt nước vào động cơ, ống pô, phanh xe...để tránh gây hư hại những bộ phận này. Bởi lẽ nước vào ống pô sẽ dễ gây gỉ sét, động cơ khó hoạt động, phanh mất tác dụng.
- Không xịt nước vào bugi hay các linh kiện điện tử bởi áp lực nước lớn dễ gây ảnh hưởng đến khả năng đánh lửa của bugi, khiến xe không chạy được. Vì vậy khi rửa xe xong bạn phát hiện nước chảy vào bugi bạn cần tháo ra, lau khô hoặc dùng máy sấy tóc để sấy khô.
- Khi rửa xe xong cần xì khô ổ khóa, các hốc, khe hở trên xe, lau xe bằng khăn mềm...để tránh việc đọng nước.
- Kiểm tra lại hệ thống phanh nhằm đảm bảo việc di chuyển an toàn.
- Tra dầu tay phanh, xích nếu thấy chúng đã khô để xe luôn vận hành ổn định, êm ái.
- Khi rửa xe cần tránh lốp bị non, bởi có thể khiến nước bị ngấm vào bánh xe, gây hoen gỉ vành xe và hư xăm lốp.