Nhiều loại rau cần được thái, cắt trước khi nấu; và một số người thực hiện bước này trước khi rửa, cho rằng làm vậy sẽ đảm bảo vệ sinh hơn vì rau có thể nhiễm bẩn trong quá trình thái. Thực tế, có nên cắt nhỏ rau trước khi rửa là vấn đề khiến nhiều người tranh cãi, vậy làm thế nào mới đúng?
Có nên cắt nhỏ rau trước khi rửa như cách một số người từng làm hay rửa xong mới cắt? (Ảnh: Alamy Stock Photo)
Câu trả lời của các chuyên gia dinh dưỡng là không nên. Cách làm đúng là rửa rau xong rồi mới cắt.
Nếu cắt rau xong mới rửa, bạn sẽ làm mất một lượng vitamin. Rau đã cắt nếu bị ngâm vào nước sẽ bị tổn thất nặng về giá trị dinh dưỡng. Nếu ngâm trong một đêm thì lượng vitamin C gần như thất thoát hoàn toàn. Hàm lượng các chất khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein tan trong nước cũng giảm mạnh.
Theo Healthline, việc cắt nhỏ rau trước khi rửa sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc giữa rau và nước. Đây là nguyên nhân gây mất các vitamin hòa tan trong nước như vitamin B, vitamin C và một số khoáng chất, từ đó làm mất khả năng chống oxy hóa của rau.
Ngoài ra, thói quen sai lầm này còn vô tình làm những chất bẩn bên ngoài thấm vào bên trong rau lúc rửa.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng quá trình rửa rau thông thường làm hao hụt 1% vitamin; nhưng việc cắt nhỏ rau trước khi rửa có thể làm mất đi 14%-23% giá trị dinh dưỡng.
Cách rửa rau đúng được khuyến nghị là rửa dưới vòi nước sạch, hoặc rửa xoay theo chiều kim đồng hồ để tạp chất, bụi bẩn, đất, vi khuẩn... bị loại bỏ. Sau khi rửa xong, không nên vẩy rau, không để rau dưới ánh nắng mà nên nấu ngay bởi càng để lâu, thực phẩm này càng mất nhiều dinh dưỡng, nhất là vitamin C.
Khi nấu, nên cho rau vào lúc nước đã sôi vì việc cho nước lạnh sẽ khiến vitamin bị hao hụt do rau khi ngâm lâu hơn trong nồi.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, loại trừ tối đa vi khuẩn, hóa chất độc hại mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng trong rau củ quả, bạn cần phải loại bỏ ngay những thói quen rửa rau sai lầm dưới đây.
Ngâm rau lâu không có tác dụng loại bỏ hóa chất ngấm sâu mà còn làm mất rất nhiều dinh dưỡng. Tai hại hơn, các chất bảo quản thực vật có thẩm thấu ngược lại vào rau, gây nguy hiểm.
Thay vì ngâm, bạn nên rửa rau dưới vòi nước cho đến khi sạch hẳn. Đây là cách giúp loại bỏ chất bẩn và dư lượng thuốc trừ sâu, hạn chế mất chất. Với những loại rau trồng dưới nước có nhiều ký sinh trùng bám vào, đây là cách hiệu quả để loại bỏ chúng.
Rửa rau dưới vòi nước chảy là cách loại bỏ chất độc hại còn lưu lại. (Ảnh: Dailymail)
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), việc ngâm rau bằng nước muối trước khi nấu hoặc ăn sống không có tác dụng diệt ký sinh trùng hay loại bỏ hóa chất độc hại.
Nước muối chỉ có tác dụng gây ức chế hoặc diệt vi khuẩn ở chừng mực nào đó.
Việc ngâm rau với nước muối quá lâu hoặc nước quá mặn có thể gây mất chất, rau bị dập nát, mất độ ngon. Hàm lượng vitamin và khoáng chất trong rau củ được ngâm rửa kiểu này sẽ bị hao hụt đáng kể.
Để sử dụng nước muối rửa rau củ quả, bạn nên pha loãng ở nồng độ khoảng 5%.
Nhiều người cho rằng, rau chỉ cần rửa 2 - 3 nước là sạch, khi nấu lên các vi khuẩn và ký sinh trùng sẽ chết hết. Tuy nhiên, để rau thực sự "sạch", cách rửa phải cầu kỳ hơn thế rất nhiều. Thực tế, việc rửa 2-3 nước khó loại bỏ hết chất bẩn như đất, rác, ký sinh trùng hay vi sinh vật, các hợp chất hoá học như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật...