Quán cơm cháy của vợ chồng câm điếc
Nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, căn nhà chừng 15m2 của đôi vợ chồng câm điếc vẫn luôn tất bật mỗi buổi chiều để chuẩn bị cho xe cơm cháy “im lặng nhất” Sài Gòn. Công việc này đã gắn bó với đôi vợ chồng này gần 7 năm nay.
Thực đơn quán cơm cháy của vợ chồng chị Thúy, anh Sơn.
Thời gian đầu, để trang trải cuộc sống, chị Thúy, anh Sơn mở bán các loại thức ăn vặt nhưng buôn bán khó khăn, thu nhập ít ỏi. Suy nghĩ và trăn trở mãi, anh Sơn đã quyết định học làm cơm cháy kho quẹt với hy vọng sẽ có thu nhập tốt.
Có nghề làm cơm cháy kho quẹt trong tay, hai vợ chồng câm điếc này mở quán bán rong, từ đó đến nay đã được gần 7 năm. Quán cơm cháy kho quẹt của chị Thúy, anh Sơn được nhiều người biết đến và ủng hộ, cuộc sống cũng cải thiện nhiều.
Chị Thúy đang chuẩn bị đồ dùng dành cho buổi bán hàng.
Tuy nhiên, khác với những nơi khác, điều đặc biệt ở quán cơm cháy kho quẹt này đó là khách tới quán muốn gọi món phải ghi vào mẩu giấy nhỏ hoặc chỉ vào thực đơn. Khi ăn xong khách cũng phải tự giác tính tiền vì hai vợ chồng đều câm điếc nên không thể phục vụ khách hàng như bình thường.
“Tôi thấy đồ ăn ở đây ngon mà giá cả rất hợp túi tiền, cô chú cũng rất nhiệt tình. Mỗi lần tính tiền tôi đều phải tự tính rồi tự đưa tiền cho cô chú mà không thấy cô chú kiểm tra gì cả”, chị Huỳnh Quế Trân (21 tuổi, sinh viên) là khách hàng thân thiết của quán chia sẻ.
Chị Thúy cùng em trai đẩy xe hàng chuẩn bị cho buổi bán hàng vào 16h chiều.
Ở quán của đôi vợ chồng câm điếc này chuyên bán các món ăn vặt như bánh tráng nướng, bánh trứng cút nướng… Đặc biệt, món cơm cháy được cán mỏng giòn rụm, đi cùng với mỗi phần cơm cháy là thố kho quẹt gồm có tóp mỡ, hành lá, tôm kho mặn. Kho quẹt ở đây có vị ngon đặc trưng vì đó là công thức do chính tay chị Thúy pha chế.
Chính nhờ những "bí kíp" riêng, góc quán nhỏ của đôi vợ chồng câm điếc này vẫn tấp nập khách mua về, khách ăn tại quán, nhiều khách hàng phải đợi khá lâu chỉ để mua được một phần cơm cháy kho quẹt do chỉ có có vợ chồng đứng bán.
“Bắt đầu bán từ 16 giờ chiều nhưng đến giữa đêm vẫn còn khách ủng hộ là chuyện bình thường, chưa kể có những hôm cả nhà đẩy xe về dọn dẹp mãi đến 1h sáng mới được nghỉ ngơi”, chị Thúy ra dấu và được người em trai cũng bị câm điếc viết ra giấy dịch lại.
Nên duyên vợ chồng do được giới thiệu
Tiếp tục bằng những ngôn ngữ hình thể và được người em trai chị dịch lại cho chúng tôi, chị Thúy kể về cuộc sống gia đình bằng những cử động tay nhịp nhàng, thi thoảng ánh mắt chị lại sáng lên.
Hai vợ chồng chị quen biết nhau nhờ một người bạn, cùng hoàn cảnh không may mắn từ nhỏ nên họ dễ đồng cảm và từ đó nên duyên vợ chồng. Thấm thoát đến nay cả hai đã sống với nhau được 11 năm.
Quán cơm cháy kho quẹt của hai vợ chồng câm điếc luôn rất đông khách hàng.
Theo chị Thúy, ban đầu khó khăn lớn nhất mà anh chị phải vượt qua là tìm được một công việc để mưu sinh. Khi đó hai vợ chồng mở quán bán hàng ăn vặt nhưng buôn bán không có lời, vừa phải đóng tiền thuê nhà, vừa phải lo cho các con ăn học, cuộc sống rất khó khăn.
Không đầu hàng, chị Thúy cùng chồng quyết tâm tìm kiếm một nghề khác và từ đó quán cơm cháy kho quẹt ra đời.
Chị Thúy tâm sự, làm nghề này cũng khá vất vả, từ sáng sớm phải đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị đồ đạc đầy đủ để đến chiều bắt đầu dọn ra bán. Gần đến giờ bán, phải chuẩn bị thêm gia vị, rau củ, nấu cơm, chiên tóp mỡ… đầy đủ để phục vụ khách thật chu đáo.
Nhiều khi trong quá trình làm việc cũng gặp sự cố vì phải xoay chảo liên tục, làm việc với lửa trong khoảng thời gian dài đã khiến tay của cả hai vợ chồng hằn nhiều vết bỏng nhiệt. "Những lúc vô tình va chạm như thế, cũng phải cố chịu đau làm tiếp vì không thể để khách đợi lâu, sẽ mất khách", chị Thúy chia sẻ.
Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả khó khăn là vậy, chị Thúy, anh Sơn vẫn luôn lạc quan, mong chờ tương lai tốt đẹp hơn. "Mình tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa, quyết tâm thực hiện được ước mơ mở quán kinh doanh để không phải tảo tần ngược xuôi với xe hàng rong nữa", chị Thúy tâm sự.