Cô giáo Nguyễn Thị Mến (Hà Đông, Hà Nội) năm nay 52 tuổi, chỉ vài năm nữa là đến tuổi nghỉ hưu. Ở tuổi này, không rành công nghệ như giới trẻ nên cô rất lo lắng dạy học trực tuyến. Với cô phương pháp này khá mới mẻ. Trường cũng đã tập huấn cho giáo viên về phương pháp này, buổi tập huấn 2,5 tiếng, một số hoạt động mẫu cơ bản được giới thiệu qua để giáo viên tập làm quen. Các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận, nhưng với giáo viên lớn tuổi như cô thì phải ghi từng chữ ra giấy để thao tác vào mỗi lần dạy học.
Trong quá trình dạy học, cô Mến gặp nhiều sự cố phát sinh như mic của học sinh không tắt, đường truyền mạng Internet chập chờn. Do đó, cô luôn phải cố gắng gấp 3, gấp 4 lần các đồng nghiệp trẻ.
“Tôi vẫn nhớ tiết dạy đầu tiên với các em khối 9 với phần mềm MS Teams. Học sinh tham gia đông và chưa cài đặt phần 'chỉ mình tôi điều khiển tổ chức lớp học' nên em nào lỡ chạm vào màn hình là cô giáo 'đơ' không nói được gì.
Buổi thứ hai, học sinh đăng nhập đông, một số em tám chuyện với nhau mà quên tắt mic. Tôi cố gắng điều chỉnh để tiết học diễn ra hiệu quả. Phải mất một tuần đầu tôi mới làm quen và phần nào thuần thục hơn các thao tác điều hành lớp học", cô Mến chia sẻ.
Cô Mến nhớ thời gian đầu lúng túng, vừa điểm danh sĩ số lớp cô vừa gõ bàn phìm mổ còn để nhắc nhở phụ huynh tắt míc và bật cam giúp con tương tác lớp học.
Dù bắt đầu khá khó khăn, nhưng đến giờ cô Mến khá tự tin hơn vì đã vượt qua được rào cản công nghệ, bắt kịp việc dạy online.
Với lợi thế nền tảng kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm dạy học, cô Mến luôn chủ động trong việc soạn các bài giảng điện tử, giảm tải kiến thức trùng lặp và tóm lược vấn đề ngắn gọn nhất, cho học sinh dễ hiểu.
Sau hai tuần học, cô Mến đúc rút bài học, với những giáo viên lớn tuổi, công nghệ với họ là cả vấn đề lớn, nhưng mỗi người nên nỗ lực một chút thì phương pháp dạy online trở nên dễ dàng hơn. "Chúng ta có thể học từ các đồng nghiệp, học trò và tự học trên mạng, chỉ cần cố gắng là đáp ứng việc dạy học online hiệu quả", cô nói.
Giáo viên dạy học trực tuyến. (Ảnh minh hoạ)
Trần Hương Lan ở Lâm Đồng có hai con lớp 9 và lớp 5 cùng học online, gia đình phải sắp xếp lại thời gian biểu, ưu tiên tối đa cho việc học của con. Thế nhưng, buổi học online đầu tiên diễn ra tệ hơn những gì các con chờ đợi. "20h55, cô giáo loay hoay tìm cách đăng nhập ra vào lớp học zoom. Cô phải nhờ đến sự trợ giúp của một phụ huynh trong lớp. Đến khi cô vào được lớp thì đã hết giờ học. Ngồi đợi cô gần hai tiếng, phụ huynh, học sinh đều ngao ngán rời tiết học", chị nói.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của con trai chị nay 55 tuổi. Cô không rành về công nghệ. Cô đeo chiếc kính lão trễ xuống ngang mũi và nhìn sát vào màn hình, gõ bàn phím mổ cò.
Cậu con út rất háo hức vì được gặp bạn bè, cô giáo. Bé ngồi vào bàn học từ sớm để đợi đến giờ mở máy tính, nhưng khi tiết học vừa bắt đầu, đường truyền mạnh chập chờ khiến cô giáo, học sinh ra vào liên tục, chỉ kịp chào một hai câu lại bị đẩy ra ngoài.
Thời điểm lớp đông nhất là khoảng 23/45 học sinh. Thi thoảng con lại hét toáng lên "mất mạng rồi mẹ ơi, cứu con", cả nhà chị Lan ngao ngán trợ giúp con.
Chị Lan lo lắng, cô giáo cao tuổi, không bắt kịp với công nghệ như vậy khiến việc dạy học online không đạt được hiệu quả, vừa mệt cô, mệt luôn cả trò và phụ huynh.
Theo Tiến sĩ Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thực hiện bài giảng online, giáo viên cần bộ công cụ thiết kế học liệu số tính tương tác cao, đồng thời cần nắm vững các kỹ năng sử dụng công cụ họp trực tuyến. Giáo viên cần thuần thục bộ công cụ kiểm tra, đánh giá trực tuyến và một số công cụ hỗ trợ khác (làm bài tập, tìm kiếm thông tin, làm video…).
Thực tế, giáo viên có thể tìm và sử dụng một số hệ thống giải pháp có sẵn để đưa các bài giảng lên, hỗ trợ học sinh tiếp cận và thực hiện nhiệm vụ học tập theo nhu cầu và tiến độ cá nhân như: các nền tảng học tập và quản lý lớp học quy mô nhỏ; một số công cụ hỗ trợ để thực hiện giao tiếp, kết nối với cha mẹ học sinh nhằm giúp quản lý thời gian, tiến độ và chất lượng học tập của học sinh.