Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cô giáo kể chuyện ngày Tết canh thời tiết để liên lạc với chồng là lính đảo

“Chúng tôi phải canh giờ và canh thời tiết để hai vợ chồng có thể liên lạc nói chuyện với nhau, bố nói chuyện với con”, cô Tỉnh, vợ chiến sỹ đảo Thuyền Chài, kể.

Cô Trần Thị Ngọc Tỉnh (giáo viên Trường THCS Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có chồng là chiến sỹ Hoàng Duy Hưng, đang công tác tại đảo Thuyền Chài (quần đảo Trường Sa) chia sẻ, người con gái nào cũng vậy, khi đã chấp nhận yêu và đồng ý làm dâu nhà lính đều có thể hình dung một phần cuộc sống thiếu vắng chồng… 

Những mơ ước chưa thành hiện thực

Thế nhưng, đến khi trở thành người vợ, cô mới thấu hết những nỗi vất vả khi làm vợ người lính.

Cô Tỉnh kết nối và trò chuyện, gửi những lời chúc đến với người chồng đang làm nhiệm vụ ở đảo xa qua trực tuyến. (Ảnh: Thanh Hùng)

Cô Tỉnh cho hay, vợ chồng cô lấy nhau gần được 5 năm nhưng thời gian ở bên nhau vô cùng ít ỏi. Thiệt thòi của người vợ dù rất lớn nhưng cô nói thương các con nhiều hơn vì đến nay, con lớn đã hơn 3 tuổi, con nhỏ vừa 11 tháng nhưng rất hiếm khi được gặp bố trực tiếp. Bố - con chỉ chuyện trò qua màn hình điện thoại, câu được câu mất do sóng yếu.

Chúng tôi phải canh giờ và canh thời tiết để hai vợ chồng có thể liên lạc nói chuyện với nhau, bố nói chuyện với con”, cô Tỉnh kể.

Mỗi năm, chồng tôi có tất cả 25 ngày phép nhưng phải chia ra nhiều lần. Với đặc thù công việc của giáo viên là được nghỉ hè, tôi luôn mong ước chồng về nhà dịp đó để vợ chồng, con cái được bên nhau nhiều hơn. Tuy thế, 5 năm qua, chưa năm nào mong ước của tôi thành hiện thực. Trong năm, nếu có điều kiện, anh chỉ tranh thủ về với vợ con một vài ngày ngắn ngủi rồi lại nhận nhiệm vụ lên đường”, cô Tỉnh nói.

Cô Tỉnh kể, vợ chồng cô yêu nhau hơn 1 năm thì cưới. Sau lễ cưới, chồng hết phép vào đơn vị, chỉ còn mình cô tủi thân và khắc khoải. 

Từ những ngày mang thai đến ngày vượt cạn, cô Tỉnh nhờ sự hỗ trợ, chăm sóc của gia đình hai bên. Bởi chồng cô phải ở lại đơn vị làm tròn nhiệm vụ được giao. Những lúc ốm đau, cô Tỉnh cũng vượt qua sự tủi thân để tự mình vượt qua. 

Những lúc con đau ốm, mình tôi cũng phải đưa con đi khám, chăm sóc. Tôi tưởng không vượt qua được. Nhưng nhờ những cuộc điện thoại của chồng quan tâm, động viên và tin báo bình an, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ đã xua đi những ngậm ngùi trong tôi”, cô Tỉnh bộc bạch.

Cô hiểu, chỉ khi hậu phương vững vàng, người nơi tiền tuyến nơi đầu sóng ngọn gió mới yên tâm công tác. Cô Tỉnh hy vọng đến dịp hè năm nay, gia đình có thể đoàn tụ.

Cô Nguyễn Thị Huyên (giáo viên Trường THCS La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội), có chồng là Đại tá Vương Nam Thái (công tác tại Đảo Đá Lớn thuộc Quần đảo Trường Sa) cũng đầy nghị lực.

Lập gia đình 20 năm, tính ra thời gian chồng ở nhà chỉ được khoảng 2 năm, còn lại anh đi công tác xa. Từ lúc lấy nhau, chỉ khoảng 6-7 năm, anh được đón Tết cùng với gia đình.

Năm nay, chồng cô không về và đón Tết ở ngoài đào xa. “Buồn và nhớ chồng nhưng vợ chồng tôi cũng thường xuyên gọi điện, nhắn tin động viên nhau để chồng yên tâm công tác”.

Không phải chỉ mỗi năm nay, chị Huyên luôn cố gắng để chồng không phải lo lắng cho nội ngoại hai bên và mẹ con ở nhà để vững tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của nhà nước giao phó.

Ở chung với mẹ chồng, cô Huyên vừa chăm con vừa chăm mẹ già 80 tuổi.

Chồng đi công tác không ở nhà, bản thân cô Huyên lo tất cả mọi việc, nhưng công việc 2 bên nội ngoại lúc nào cũng chu toàn. 

Với đồng lương nhà giáo ít ỏi, gặp rất nhiều khó khăn nên ngoài việc làm trên trường, cô Huyên cũng làm thêm những việc khác để thêm tiền lo trang trải cuộc sống.

Trước cả gia đình vẫn ở trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, đến năm vừa rồi, vợ chồng tôi mới tích cóp đủ để sửa sang nhà cửa. Trong lúc xây dựng nhà, một mình tôi cũng cố gắng tự xoay xở, để chồng yên tâm công tác”, cô Huyên xúc động.

Tự hào có chồng là lính đảo

Cô Trần Thị Ngọc Tỉnh kể, sau những ngày xa nhau, mỗi dịp nghỉ phép ngắn ngày, như để chuộc lỗi vắng nhà trong những lúc vợ con ốm đau, chồng cô giành làm hết mọi việc trong nhà, từ giặt giũ quần áo, tã lót em bé đến đi chợ, nấu cơm, đưa đón con đi học…

Chồng tôi hiểu sự thiệt thòi của vợ và con nên thời gian về với gia đình anh thường xuyên an ủi, động viên tôi, mà còn tâm sự trải lòng để mong sự thông cảm, hỗ trợ từ bố mẹ, anh chị em hai bên nội ngoại với tôi. Nhìn những phút giây như vậy, tôi cảm thấy mình là người may mắn và hạnh phúc. Tôi lại tự hào, hãnh diện với bạn bè, đồng nghiệp và bà con hàng xóm khi có chồng là người lính biển đảo”, nữ giáo viên nói.

Bên cạnh sự động viên từ chồng, cô Tỉnh cho hay cũng may mắn nhận được sự giúp đỡ từ hai bên gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Đặc biệt, mẹ chồng chị cũng là một quân nhân nên rất hiểu và thương con dâu.

Vất vả là thế nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc và tự hào vì được làm vợ người lính. Tôi luôn tự nhủ, là hậu phương phải mạnh mẽ, sống tốt, sống đẹp để ở nơi xa, chồng yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi hiểu rằng ở nơi xa xôi, thiêng liêng của đất nước, không phải mỗi chồng mình mà còn bao nhiêu đồng đội khác nữa. Vì vậy, như bao người vợ, người mẹ ở hậu phương, tôi sẽ luôn cố gắng bằng tất cả những gì có thể, chỉ mong chồng luôn giữ gìn sức khỏe, giữ vững tay súng để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc”, cô Tỉnh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Huyên. (Ảnh: Thanh Hùng).

Cô Nguyễn Thị Huyên cũng tâm sự luôn cảm thấy vinh dự và tự hào khi có chồng công tác ngoài đảo xa: “Tôi luôn động viên để anh luôn vững tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không phải lo lắng gì việc ở nhà, bởi đã có vợ và các con làm hậu phương vững chắc”.

Điều cô Huyên hạnh phúc hơn là con lớn năm nay là sinh viên đại học năm thứ hai, con thứ hai học lớp 8 đều rất ngoan, cố gắng học hành, để bố yên tâm công tác.

Con lớn của anh chị là sinh viên đại học có học lực tốt, giành được học bổng toàn phần của trường cả 4 năm. Con thứ hai luôn là học sinh xuất sắc và luôn được trường cử đi đại diện học sinh của trường trong những sự kiện tuyên dương học sinh khá giỏi.

Tôi luôn bảo với các con rằng bố đi công tác xa, chỉ có mẹ và các con ở nhà. Vì vậy các con hãy cố gắng chăm ngoan, học giỏi để bố ở xa vẫn thấy được các con nỗ lực để vững tâm công tác, không phải lo lắng gì. Các cháu rất tự giác. Ngoài việc học trên lớp, những lúc rảnh rỗi ở nhà, hai con đỡ đần mẹ mọi việc ở nhà để tôi hoàn thành nhiệm vụ của trường được tốt”, cô Huyên chia sẻ.

Song với cách sống tươi trẻ và mẫu mực của các nhà giáo, các cô đã luôn gắng sức với bao vất vả lo toan, xứng đáng “giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Với những nghị lực phi thường, cách sống mẫu mực, những người vợ, người mẹ xứng đáng được trân trọng và biểu dương “giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới