Vào ngày đầu tiên, thậm chí là khoảnh khắc đầu tiên của năm mới, người dân ở khắp nơi trên thế giới thường có phong tục cùng người thân ăn các món truyền thống để hưởng thụ niềm vui sum họp cũng như cầu chúc những điều tốt lành sẽ đến.
Mỹ
Hoppin 'John là món ăn mừng năm mới có truyền thống lâu đời và rất phổ biến ở miền Nam nước Mỹ. Món này được làm từ các loại đậu, rau, thịt lợn và gạo. Việc ăn món Hoppin 'John trong ngày đầu năm mang ý nghĩa cầu chúc giàu có, mùa màng bội thu. Các nhà nghiên cứu văn hóa cho biết, món ăn này là sự kết hợp của ẩm thực châu Phi và Tây Ấn, phổ biến tại Mỹ từ thế kỷ 16.
Món Hoppin 'John
Mexico
Mexico nổi tiếng với nhiều món ăn từ ngô và món ăn mừng năm mới của họ cũng liên quan đến nguyên liệu truyền thống này. Đó là Tamales - bánh làm từ bột ngô và thịt, mỡ, rau, phô mai, được gói bằng lá ngô và hấp trong 2 tiếng đồng hồ. Loại bánh này được cho là có nguồn gốc từ các bộ tộc bản xứ Trung Mỹ thời đế chế Aztec, Maya và Inca. Nó hiện diện rất sớm trong đời sống người dân Mexico và được dùng trong hầu hết các dịp lễ đặc biệt của họ. Vào đêm giao thừa, người Mexico thường cùng gia đình làm bánh Tamales cho bữa tiệc mừng năm mới.
Vào đêm giao thừa 2021 - 2022, các gia đình Mexico sẽ cùng nhau làm loại bánh ngô này.
Italy
Món ăn truyền thống của người Italy trong ngày đầu năm mới là cotechino con lenticchie, món hầm được làm từ xúc xích thịt lợn và đậu lăng xanh. Đậu lăng xanh có hình dạng giống đồng xu, mang ý nghĩa cầu chúc giàu có, tiền vào như nước, thịt lợn tượng trưng cho sự no đủ, do đó món ăn này có ý nghĩa mang lại nhiều may mắn cho cả năm.
Món ăn mừng năm mới của Italy - món cotechino con lenticchie.
Pháp
Đêm giao thừa, bàn tiệc của người dân Pháp thường có bánh ga-tô. Những chiếc bánh này thường được trang trí cầu kỳ, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau thưởng thức vào khoảnh khắc bước sang năm mới để cầu mong nhiều sức khỏe, may mắn, thuận lợi suốt cả năm.
Hà Lan
Bánh Oliebollen
Oliebollen - loại bánh rán phủ đường nhỏ - là món ăn mừng năm mới của người Hà Lan. Cái tên Oliebollen mang ý nghĩa là "old and new" - cũ và mới, tượng trưng cho sự chuyển giao năm cũ và năm mới trong đêm giao thừa, với ý nghĩa hướng đến những điều mới mẻ. Món ăn này có hương vị gần giống bánh donut, gồm bột mì nhào với nho khô, táo, rán vàng giòn và lăn qua bột đường.
Ba Lan và các quốc gia Scandinavia
Món ăn mừng năm mới phổ biến nhất tại Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Ba Lan chính là loại cá trích có màu bạc, được ăn vào đúng nửa đêm nhằm cầu mong một năm mới thịnh vượng. Người Ba Lan có món Sledzie Marynowane - cá trích ngâm muối, hành, hạt tiêu và giấm trong 24 giờ. Người dân các nước Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển thường ăn cá trích với dưa chua, hành tây, pate, thịt viên và sốt kem trong một đĩa lớn.
Món cá trích Sledzie Marynowane mà người Ba Lan thường ăn trong đêm giao thừa.
Ngoài cá trích, người Đan Mạch và Na Uy cũng ăn một món bánh ngọt khá đẹp mắt trong đêm giao thừa, có tên là Kransekage, nghĩa là "bánh vòng hoa". Đó là một chiếc bánh cao, hình nón với nhiều bánh tròn nhỏ xếp chồng lên nhau. Bánh được làm bằng bột mì, hạnh nhân và thường được trang trí xung quanh với những lá cờ nhỏ và bánh quy giòn. Kransekage là món ăn truyền thống không thể thiếu trong đêm giao thừa và các dịp đặc biệt khác ở Đan Mạch và Na Uy.
Thổ Nhĩ Kỳ
Trong quan niệm của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, quả lựu tượng trưng cho sự may mắn vì có màu đỏ. Họ sẽ đập những quả lựu đỏ mọng vào cửa, quả càng vỡ to thì năm mới càng nhiều may mắn. Người Thổ Nhĩ Kỳ cũng uống nước ép lựu trong các bữa ăn dịp năm mới.
Hy Lạp
Vào những dịp đặc biệt, bao gồm dịp năm mới, người Hy Lạp thường ăn loại bánh ngọt truyền thống mang tên Vasilopita. Đây cũng là loại bánh phổ biến ở một số nước Đông Âu, được gọi là "bánh thánh Basil", hoặc "bánh vua". Đây là loại bánh ngọt bơ, phía trong có một đồng xu nhỏ. Người bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình được coi là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm.
New Year's Eve 2021 - đêm giao thừa 2021-2022, các gia đình Hy Lạp cùng ăn bánh Vasilopita, phía trong có đồng xu may mắn.
Người Hy Lạp ăn bánh Vasilopita vào đúng giao thừa, thứ tự nhận miếng bánh bắt đầu từ người đứng đầu gia đình cho đến các em nhỏ.
Mông Cổ
Các loại bánh làm từ bột và sữa ngựa được các gia đình Mông Cổ sử dụng trong dịp nă mới, phổ biến nhất là bánh bao nhân thịt cừu. Loại bánh này có vỏ làm từ bột mỳ và nhân rau cải, thịt cừu, được ăn khi còn nóng cùng với sữa ngựa lên men hoặc bánh ngọt, trà sữa.