Dòng máy cắt Laser CNC này sử dụng công nghệ laser fiber sợi quang. CNC vật liệu kim loại và dòng máy này thuộc thương hiệu Bodor. Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ cắt laser sợi quang, được ưa chuộng nhất tại các quốc gia châu Âu.
Sản phẩm có thể cắt chính xác, tỉ mỉ mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ. Máy cũng có thể cắt được trên đa dạng nhiều vật liệu kim loại khác nhau như đồng, sắt, thép, inox, nhôm và nhiều vật liệu phi kim khác. Máy cũng cắt tốt trên vật liệu dày, xử lý hoàn hảo những chi tiết cầu kỳ chất lượng nhất.
Các kỹ sư đánh giá, máy hỗ trợ rất nhiều trong việc gia công vật liệu tại các cơ sở, xí nghiệp từ nhỏ đến lớn, hỗ trợ tối ưu nhất cho người sử dụng máy, tăng hiệu suất công việc tốt hơn.
Sản phẩm máy cắt laser phục vụ hoạt động sản xuất công nghiệp được trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Thanh Tùng)
Ông Phan Anh - trưởng nhóm bán hàng cho biết, máy cắt Laser dùng để gia công thiết bị tấm và kim loại, góp phần tối ưu hoá quy trình sản xuất, vận hành. Đồng thời giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm gia công. "Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn cải tiến, phát triển nền công nghiệp sản xuất của nước nhà”, ông nói.
Chia sẻ tại triển lãm, ông BT Tee - Tổng Giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, cho biết, nhờ vào mạng lưới vận tải phát triển, chiến lược ngoại giao tích cực và lợi thế chi phí, nhiều hãng công nghệ và nhà sản xuất linh kiện điện tử quốc tế đã quyết định đầu tư vào các khu công nghiệp phía Bắc. MTA HANOI sẽ là cơ hội quan trọng để doanh nghiệp cung ứng quốc tế và nhà sản xuất trong khu vực gặp gỡ, quảng bá, tạo tiền đề cho nhiều đơn đặt hàng mới.
Theo ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), Triển lãm MTA Hanoi 2023 là sân chơi bổ ích và hiệu quả cho các doanh nghiệp trong ngành cơ khí Việt Nam, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế tạo nội địa, hướng đến thị trường quốc tế.
Theo báo cáo tình hình thành lập và phát triển khu công nghiệp, các tỉnh công nghiệp phía Bắc là thị trường hấp dẫn các ngành công nghiệp công nghệ cao, với tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 80%.
Khai mạc triển lãm và hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo. (Ảnh: Thanh Tùng)
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Quốc Khánh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA), trong 25 tỉnh và thành phố thuộc khu vực miền Bắc, tổng diện tích đất công nghiệp tập trung tại 5 tỉnh trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc với khoảng 10.000 ha.
Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển Khu công nghiệp, các tỉnh công nghiệp phía Bắc là thị trường vô cùng hấp dẫn các ngành công nghiệp công nghệ cao, với tỷ lệ lấp đầy bình quân khoảng 80%.
Các tỉnh thành phía Bắc đang nhận được nguồn đầu tư mạnh mẽ từ nhiều dự án FDI. Điển hình như Hà Nội được kỳ vọng là điểm sáng phát triển ngành công nghiệp hàng không - ngành công nghiệp mới mẻ và còn nhiều tiềm năng ở Việt Nam. Cuối năm vừa qua, Samsung cũng vừa khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, với diện tích 11.603 m2 và quy mô đầu tư hơn 220 triệu USD.
Triển lãm MTA HANOI 2023 đón khoảng 140 nhà trưng bày đến từ hơn 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Thụy Sĩ, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… và các đơn vị trưng bày trong nước khác.
Trong năm nay, với khuôn viên trưng bày rộng 4.400 m2, triển lãm dự kiến sẽ thu hút hơn 5.000 khách tham quan chuyên ngành. Đáng chú ý, phần lớn khách tham quan đều là chủ doanh nghiệp, thành viên, ban quản trị và những chuyên gia cấp cao có quyền ra quyết định hoặc tiếng nói trong doanh nghiệp.
Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 về Cơ khí chính xác và Sản xuất chế tạo (MTA HANOI 2023) sẽ kết thúc vào ngày 13/10.