Tuổi thơ tập võ thuật
Đào Thị Hồng Nhung ăn mừng tấm HCV nội dung dưới 60kg.
Đang học lớp 8, cô gái nhỏ Đào Thị Hồng Nhung lọt “mắt xanh” HLV bộ môn Pencak Silat Phạm Thị Huệ.
Lần đầu gặp Nhung, HLV Phạm Thị Huệ chỉ hỏi 3 câu “có thích võ không?”, “có chịu được đau không”, “có chịu được mệt không?”. Nhận được cái gật đầu của Nhung, chị Huệ lập tức xin phép gia đình Nhung và “nhận quân” để chuẩn bị cho những buổi huấn luyện Pencak Silat.
Trong gia đình, người duy nhất phản đối Nhung theo bộ môn này là bà nội. Thế nhưng, sau 2 tháng xa nhà và gắn bó với Pencak Silat, thấy cháu rắn rỏi hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa, bà nội lại ủng hộ cháu gái đi theo con đường hiện tại.
“Năm 2015, sau 2 năm tập luyện và lần đầu tham gia thi đấu, em giành HCV giải Vô địch trẻ quốc gia và HCB giải Vô địch trẻ thế giới môn Pencak Silat. Những thành tích đầu đời của em, bà nội không được chứng kiến. Bà mất trước khi em có được chiến thắng cho riêng mình”, Nhung nghẹn ngào khi nhắc về người bà quá cố.
Vốn là thành viên đội tuyển Pencak Silat nhưng Nhung lại thi đấu Arnis tại SEA Games 30. Với Nhung, đó là duyên. Trong lần HLV chọn người thi đấu bộ môn này, với chất “lanh”, sự nhanh nhẹn, ham học hỏi cũng như tinh thần cố gắng bền bỉ, Nhung đầu quân cho môn võ gậy và bắt đầu chuỗi ngày tập luyện. Đây cũng là lần đầu tiên Nhung tham gia SEA Games.
Ngày thi đấu, các VĐV phải dậy từ 6h và 7h lên đường đến nhà thi đấu. Buổi trưa, vì cơm hộp không hợp khẩu vị nên các VĐV tuyển võ gậy Việt Nam ăn được rất ít hoặc không ăn được chút nào.
Môn võ gậy thi đấu suốt từ 10h đến 21h30. Đội võ gậy Việt Nam cả ngày phải ăn mì tôm làm ấm bụng nhưng cuối cùng vẫn giành chiến thắng vẻ vang và Hồng Nhung lần đầu tiên có HCV SEA Games.
Arnis là môn võ truyền thống của Philippines. Thực tế, không ai dám tin, Arnis Việt Nam có thể cạnh tranh huy chương vàng tại SEA Games. Thế nhưng, các vận động viên đã Việt Nam xuất sắc giành 3 HCV với các nội dung thi đấu đối với bộ môn này.
Hồng Nhung trong buổi trao thưởng VĐV xuất sắc tại Hải Phòng.
Mặc dù mang vinh quang về cho đoàn thể thao nước nhà nhưng không lúc nào người con gái đất Cảng “ngủ quên” trên chiến thắng. “Em mong muốn có nhiều cơ hội cọ xát cùng bạn bè quốc tế tại các giải đấu”, Đào Thị Hồng Nhung nói ước mơ rất chân thành.
Đời thường của "cô gái vàng" đất Cảng
Thời gian đầu, sau khi giành HCV ở bộ môn Arnis, bộ môn còn khá xa lạ với những người yêu thể thao ở Việt Nam, Nhung về quê, ngoài những lời chúc mừng của dân làng còn nhận được nhiều câu hỏi “đây là môn gì?”. Lúc ấy, Nhung cười và giải thích với mọi người, đây là môn võ gậy.
Đào Thị Hồng Nhung luyện tập môn võ gậy cùng túi cát.
“Xa nhà từ nhỏ nên em không có bạn bè ở quê. Mỗi lần về nhà em thường ở trong phòng. Có chăng chỉ đi chợ mua thức ăn cho bố mẹ.
Có nhiều người bảo em tập cho họ xem động tác võ nhưng em chỉ bảo, em tập đối kháng nên không thể biểu diễn được”, Nhung cười hạnh phúc khi nghĩ về tình cảm bà con lối xóm ở quê nhà dành cho mình.
Nhung nhẩm tính, từ khi bước chân vào bộ môn Pencak Silat, Nhung giành 8 HCV và HCB, 2 HCĐ ở các giải đấu. Vận động viên Hoàng Thị Loan của bộ môn này giành HCV Sea Games 28 (năm 2015) là tấm gương để Nhung học tập và noi theo.
Một mùa xuân mới đang về, với ý chí và nghị lực của một thiếu nữ thôn quê nay đã trở thành 'cô gái vàng' của thể thao Việt Nam với những thành tích vượt trội, đặc biệt là tấm HCV danh giá trong kỳ SEA Games 30 vừa qua. Hy vọng Đào Thị Hồng Nhung sẽ tiếp tục gặt hái được những thành tích tốt hơn nữa trong tương lai, trở thành nhân tố xuất sắc của thể thao nước nhà.