Một ngày đầu tháng 7, chị Hoa, 28 tuổi, bế đứa con sơ sinh trên tay, đi cùng anh Vũ bước vào Trung Tâm xét nghiệm ADN Quốc tế Gentis, Hà Nội, làm xét nghiệm để xác định huyết thống cha con. Trước đó, Hoa dẫn ba người đàn ông khác đến xét nghiệm nhưng đều không phải.
"Tôi và anh Vũ từng có quan hệ tình cảm, sau đó anh ra nước ngoài du học. Anh là người tôi không ngờ đến nhất nên mới dẫn anh đến xét nghiệm cuối cùng. Nếu không phải anh là bố của con tôi thì thực sự tôi không còn ai", Hoa nói.
Mẫu xét nghiệm thu trực tiếp tại trung tâm ADN là mẫu tóc có gốc kèm theo tế bào gốc tóc của đứa trẻ và anh Vũ. Mẫu này nhanh chóng được bảo quản và chuyển về phòng xét nghiệm. Đại tá Hà Quốc Khanh, cố vấn khoa học tại trung tâm, là người trực tiếp phân tích ADN cho trường hợp của cặp đôi này.
Mẫu xét nghiệm sau khi tách chiết ADN, được nhân bội rồi đưa vào hệ thống giải trình tự gene, sau đó so sánh và cho ra kết quả. Ban đầu, đại tá Khanh sử dụng bộ kit 16 locus gene phân tích nhưng bất ngờ thấy xuất hiện một locus sai khác. Điều này không loại trừ khả năng anh Vũ và đứa trẻ không cùng huyết thống cha con, nhưng cũng có khả năng do đột biến.
Chị Hoa và anh Vũ về nhà đợi kết quả.
Mẫu tóc được thu trực tiếp trong điều kiện vô trùng, bảo quản cẩn thận.
Đại tá Khanh tiếp tục mở rộng thêm nhiều bộ kit nữa với trên 30 locus gene để phân tích kỹ hơn. Ông Khanh giải thích: "Khi xét nghiệm, nếu sai khác một locus gene mà nhận định không phải huyết thống là hơi vội vàng, vì bất cứ hệ gene nào cũng có thể xảy ra đột biến".
Môi trường sống có tác động đến hệ gene con người từ trước khi ta sinh ra. Do đó để khẳng định, cần phải phân tích mở rộng nhiều bộ kit có những locus gene khác nhau mới cho kết quả chính xác nhất.
Hiện tượng đột biến trong hệ gene người không phải là hiếm. Những đột biến gene này không ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể vì chúng chỉ được phân tích ở những vùng không mã hóa, rất có giá trị để xác định huyết thống hoặc xác định cá thể. Còn lại, đột biến gây ra ở vùng mã hóa thì mới dùng để xác định nguyên nhân gây ra bệnh tật.
"Tùy thuộc vào bộ kit sử dụng có số lượng bao nhiêu locus gene, nếu một bộ kít có 15 locus gene thì tối thiểu phải có 2-3 locus gene sai khác trở lên thì mới đủ cơ sở kết luận là không có quan hệ huyết thống", đại tá Khanh cho biết.
Ba ngày sau đến nhận kết quả, anh Vũ và đứa bé được xác nhận có mối quan hệ huyết thống cha con.
Xét nghiệm ADN là phân tích các mẫu ADN của các cá nhân để tìm ra dữ liệu di truyền của mỗi người. Từ đó, so sánh, xác định xem các cá nhân còn đang trong diện nghi ngờ liệu có mối quan hệ huyết thống thật sự với nhau không.
Xét nghiệm ADN không chỉ có ý nghĩa về mặt cá nhân trong việc nhận người thân, huyết thống. Công việc này giúp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của một cá nhân hay tổ chức, như xét nghiệm ADN để làm nhập tịch, visa, xét nghiệm ADN để làm giấy khai sinh, xác định quyền nuôi và trợ cấp đối với con cái, xét nghiệm ADN để thực hiện quyền chia tài sản, thừa kế,...
Theo đại tá Khanh, sai một hoặc 2 locus gene trong quá trình phân tích khiến nhiều trường hợp bị kết luận sai khi giám định ADN huyết thống. Ngoài ra chuyên môn của người đọc kết quả và việc thu thập mẫu xét nghiệm, cũng ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả ADN.
Mẫu gốc tóc, móng chân, móng tay... được lấy trong điều kiện vô trùng, không nhiễm chéo, bảo quản ở điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ, độ ẩm. Các kỹ thuật viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xét nghiệm để không ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
Nhiều trường hợp khó khăn, ví dụ xét nghiệm để xác định nạn nhân chưa rõ danh tính trong những thảm họa, mẫu xét nghiệm là mô nhỏ chứa nhiều tạp chất, thường bị phân hủy và bốc mùi hôi thối. Các chuyên gia khi ấy phải mất nhiều công sức hơn trong quá trình tách chiết, phân tích ADN để tìm ra kết quả cuối cùng.
Cầm kết quả xét nghiệm trên tay, chị Hoa phần nào đó hạnh phúc, bởi cuối cùng sau 4 lần xét nghiệm ADN ba người đàn ông, chị cũng tìm được cha của con mình. Chị chia sẻ: "Từ nay tôi và anh Vũ sẽ chăm lo và yêu thương con hết lòng".
* Tên nhân vật đã được thay đổi.