Các chuyên gia lý giải, để việc lái xe trên đèo dốc an toàn cần xác định rõ địa hình dốc cao hay thoải. Với các dốc thoải, mặt đường có độ dốc thấp, việc điều khiển xe với số "D" là hoàn toàn bình thường. Chỉ cần đi với tốc độ hợp lý, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước là đã đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nếu đường có độ dốc cao, tốc độ và quán tính của xe sẽ tăng nhanh, tài xế cần sử dụng các chế độ tăng mô-men xoắn để ghì xe lại mà không thông qua hệ thống phanh xe (thường là giảm tốc bằng hộp số). Cụ thể, trên các dòng ô tô hiện nay, hộp số tự động thường có các cấp số có ký hiệu bằng dãy chữ số, như "L" ( Low), "M" (manual), "S" (Sport), "O/D" (OverDrive).
Khi di chuyển bằng ô tô số tự động ở những cung đèo có độ dốc cao, người lái nên chuyển xe về chế độ số tay để kiểm soát xe tốt hơn. (Ảnh minh họa).
Các cấp số này để người lái dễ dàng tùy chọn, điều chỉnh hộp số về các số thấp khi đi xuống các dốc cao. Mặc dù vậy, khi về số thấp, xe sẽ bị ghìm lại bởi các cấp số, cũng như mô-men xoắn, dẫn đến hiện tượng động cơ bị "rền" (máy gầm) do có xu hướng đẩy vòng tua máy lên cao, khiến người ngồi trên xe dễ bị say xe.
Các chuyên gia cũng cho rằng, các mẫu ô tô cũng có thiết kế khác nhau về khung gầm, động cơ (xăng, dầu, điện…), hệ dẫn động (cầu trước/cầu sau) hay loại hộp số tự động cũng khác (ly hợp kép, biến mô, vô cấp - CVT). Do đó, mô-men xoắn cũng khác nhau và sẽ không có một chuẩn mực chung cho việc đi đường đèo dốc.
Lái xe lên dốc, đổ đèo là một trong những kỹ năng được đào tạo tại các trung tâm dạy lái xe. Tuy nhiên, tùy vào từng đoạn đường đèo, độ dài ngắn khác nhau, có thể người lái vận dụng những cách lái xe khác nhau.
Vì vậy để an toàn thì vẫn phải về số thấp, sử dụng sức hãm động cơ. Với xe con, việc phanh đơn giản hơn nhưng xe tải hay xe chở khách có thể rất khó khăn nếu không dùng số thấp đổ đèo bởi trọng tải xe rất lớn.