Sáng 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”.
Đóng góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, nhiều địa phương rất chậm trong quá trình chuẩn bị đầu tư, bao gồm việc chuẩn bị dự án, phương án đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
"Đầu tư gồm hai phần là chi vào kinh tế, sự nghiệp và chi vào đầu tư công. Đầu tư công thì trong từng chương trình có mục tiêu, danh mục dự án rồi. Nhưng phải quan tâm đến chuẩn bị, lựa chọn các dự án, đầu tư cụ thể như thế nào, quyết định nó như thế nào, phân bổ nguồn vốn như thế nào", ông Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ở những nội dung này thường bị sai mục tiêu, phân tán dàn trải, chưa kể là sai mục đích dẫn đến tình trạng "chỗ cần thì không có, chỗ có thì không cần" tạo nên sự thiếu bền vững.
"Có những địa phương làm hạ tầng nông thôn rất tốt nhưng sau một trận lũ mất hết. Vì vậy tới đây các đồng chí phải đánh về tính bền vững của cái giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới", ông Huệ kiến nghị.
Nêu ví dụ tại tỉnh Tuyên Quang, ông Huệ cho biết rất thích mô hình xây dựng nông thôn mới của địa phương này, gần như đã kiên cố hoá hết hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thuỷ lợi.
"Họ tận dụng được xi măng mà địa phương sản xuất ra, đúc thành những khấu kiện. Sau đó người dân đem về lắp ghép thành kênh, thành mương, thành đường nội đồng… tạo nên tính bền vững", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về nội dung được nhiều diễn đàn nhắc đến rằng có hay không việc lợi dụng chính sách, ông Huệ nhận định, thực trạng này có vẻ càng ngày càng ít đi nhưng không phải là không có.
"Đoàn giám sát trong quá trình xây dựng mục tiêu giám sát phải tính toán để chỉ ra có hay không việc lạm dụng chính sách", Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trước đó, báo cáo tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm - Phó Trưởng Đoàn Thường trực cho biết, Đoàn Giám sát đề xuất 4 nội dung tập trung giám sát gồm công tác chỉ đạo, điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả công tác chỉ đạo điều hành chung các chương trình; chỉ đạo, điều hành riêng từng chương trình); Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; Công tác phối hợp, lồng ghép quản lý, nội dung, đối tượng, địa bàn, nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình; Kết quả đạt được bước đầu về thực hiện dự án, chính sách thuộc các chương trình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm.
Theo ông Y Thanh Hà Niê Kđăm với cách tiếp cận như trên, các nội dung này đã được cụ thể hóa trong dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo chi tiết.
Liên quan đến phạm vi thực hiện, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rõ, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.
Về yêu cầu, giám sát bám sát quy định các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan thể chế hóa thành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm để giám sát.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng nêu rõ các nội dung xin ý kiến Thường vụ bao gồm: các mốc thời gian cần hoàn thành; dự kiến các bộ, ngành, địa phương sẽ giám sát trực tiếp; danh sách phân công các thành viên Đoàn Công tác; về nội dung phân công; về số lượng, các loại đề cương báo cáo…