Hơn nửa năm trước (tháng 11/2021), Lâm Đồng vào "cơn sốt" phân lô bán nền. Dọc các tuyến đường lớn nhỏ trên địa bàn tỉnh này, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang đua nhau đốn hạ chè, cà phê. Sau khi chặt bỏ cây trồng từng là "cần câu cơm" của bao thế hệ đi trước, những quả đồi này tiếp tục bị máy xúc, máy ủi đào bới, hạ đất.
Thật không quá để nói rằng, phân lô bán nền trở thành trào lưu của Lâm Đồng thời điểm đó. Kịch bản của trào lưu này đã được cơ quan chức năng "bóc" rõ: Doanh nghiệp đổ về gom đất phân lô, giá cao, người dân địa phương ồ ạt bán sỉ. Sau khi "vẽ" đường, "tô" thêm vài tiện ích như hồ bơi, quán nước... những khu đất này nhanh chóng được bán ra với giá gấp 10 lần ban đầu cho khách phương xa như TP.HCM, Hà Nội...
"Căn nhà mẫu" từng là "cục nam châm" hút khách nay bị bỏ hoang.
Những quy trình về đường sá, chuyển đổi mục đích, chuyển nhượng... được chính quyền địa phương gấp gáp phê duyệt, bất kể đúng sai. Bất cập lên tới đỉnh điểm, cơ quan cao nhất của tỉnh Lâm Đồng phải vào cuộc, chấn chỉnh.
Đến hiện tại, đất Lâm Đồng đã "hạ nhiệt", thế nhưng những gì cơn sốt đất để lại đang khiến nhiều khách hàng lao đao...
Ghi nhận của PV VTC News ngày 25/7, trên các tuyến đường từng là "tụ điểm" của môi giới bất động sản không còn cảnh tụm năm, tụm bảy như trước. Tờ rơi quảng cáo cũng được treo, rải thưa hơn. Người dân tập trung hoạt động sản xuất, không còn ồ ạt đốn hạ chè, cà phê như thời còn sốt đất.
Thế nhưng, đằng sau sự yên bình vốn có đang dần trở lại với người dân địa phương là nỗi lo của không ít khách hàng phương xa khi dự án mà họ đã xuống tiền đang trở về hiện trạng ban đầu - nhưng bãi đất trống hoang hoá, khô cằn.
Những dự án dần hoang hoá, nhếch nhác.
Tại các tuyến đường thuộc địa bàn xã Lộc Tân, Lộc Quảng, Lộc Ngãi, Lộc An (huyện Bảo Lâm), xã Đam B'ri (TP Bảo Lộc), nếu không sử dụng định vị từ Google, chúng tôi không thể nhận ra các "siêu dự án" mình đã đến trước đây.
Chỉ trong vòng nửa năm, hạ tầng những khu đất này xuống cấp trầm trọng. Những đoạn đường rải đá dăm sơ sài nay bị cỏ dại bao phủ, ranh giới các lô đất cũng bị che lấp. Những "căn nhà mẫu" từng là "cục nam châm" hút khách nay bị bỏ hoang, bao trùm vẻ u ám.
Thấy xe ô tô biển TP.HCM dừng tại khu đất được rào chắn lưới sắt, ông T., người dân sống tại thôn 5 (xã Lộc Tân) tiến tới hỏi chúng tôi: "Đất của cô à, mua ở đây à, có tiếc không?". Nói rồi, ông T. ra hiệu chúng tôi tự đẩy cổng vào, vì khoá cổng đã bị cắt.
Theo ông T., khu đất này trước đây được một doanh nghiệp mua của người dân địa phương với giá chưa đến 300 nghìn đồng/m2, thời điểm đó, đất còn trồng cà phê. Sau khi đốn cây, trải đá dăm làm đường, dựng thêm ngôi nhà kính tiền chế, doanh nghiệp này bắt đầu dẫn các đoàn khách từ TP.HCM tới xem. Giá bán lúc này nhảy vọt lên tới 4 triệu đồng/m2.
Không có dấu hiệu sẽ có người sinh sống.
"Đất trồng cà phê được người ta san bằng, thêm ngôi nhà kiểu hiện đại nữa, có cái bể bơi rồi mấy cái vòm gì lạ lạ đây nữa, lúc mới làm nhìn cũng ổn lắm", vừa nói ông T. vừa chỉ tay vào những tiểu cạnh đã bị trụ mối cao hơn 2m che lấp.
Theo lời ông T., thời điểm bắt đầu bán, khu đất có bảo vệ túc trực, cây trồng được chăm bón. Thế nhưng, khi bán hết, tất cả đều rút đi. Đây là lý do khiến khu đất trở về hiện trạng như hiện tại: Nhà thủng dột, rỉ sét, cây cối chết khô...
"Thật sự mà nói, họ làm đẹp lên thì khỏi phải bàn, nhưng làm rồi để hoang thế này thì khiếp lắm, cứ ma mị kiểu gì ấy. Thà rằng để nguyên cà phê như trước đây còn hơn", ông T. nói.
Tương tự, tại TP Bảo Lộc, khu đất 36ha ở xã Đam B'ri từng khiến giới đầu tư bất động sản sôi sục khi san gạt toàn bộ cây trồng, trải đá dăm làm đường thành từng ô bàn cờ. Sau khi đặt tên "Dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie", chủ đất gấp rút "chạy" quảng cáo để thu tiền khách hàng như một dự án bất động sản bài bản. Thời điểm đó, đất được rao bán với giá lên tới 10 triệu đồng/m2.
Những khu đất lấy lại màu xanh không phải của chè, cà phê, mà là của cỏ dại.
Không còn cảnh từng đoàn xe sang mang biển số TP.HCM, Bình Dương nối đuôi nhau đến xem đất, khu đất nay dần được phủ xanh bởi cỏ dại, che lấp những mảng đất đỏ bị san gạt trước đây.
Đường đá dăm bị mưa xói mòn, tách từng rãnh sâu tới nửa mét. Đá lát vỉa hè cũng bong tróc do chất lượng thi công ban đầu sơ sài. Từ xa, khu đất như một quả đồi hoang không được canh tác.
Trong trào lưu sốt đất của Lâm Đồng không thể không nhắc tới đại công trình mang tên Khu nghỉ dưỡng Sun Valley được xây dựng trên quả đồi 41ha ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm.
Như đại đa số công trình khác tại Lâm Đồng, khu nghỉ dưỡng Sun Valley cũng được chủ đất áp dụng mô-típ "hiến đất làm đường" để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Sau đó "đúng quy trình" xin tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở để bán.
Phá vỡ mọi trật tự về giá, đất nền tại khu nghỉ dưỡng Sun Valley lên tới 10 triệu đồng/m2 (diện tích từ 250-1.000m2), dù trước đó thu mua từ người dân với giá chưa đến 500 nghìn đồng/m2.
"Siêu dự án" Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Melodie từng khiến giới đầu tư bất động sản sôi sục.
Từ đường Tản Đà, những công trình bê tông thi công dang dở hiện "trơ xương sống", bắt đầu phủ rêu phong. Như các "dự án" khác, đại công trình này cũng đang dần hoang hoá. Đó là tình trạng chung của hàng nghìn "dự án" phân lô bán nền tại Lâm Đồng.
Trước đó, tháng 11/2021, giữa đỉnh điểm của cơn sốt phân lô bán nền, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải gấp rút ban hành quy định mới hướng dẫn phân lô, tách thửa trên địa bàn. Tháng 1/2022, tỉnh này cho dừng toàn bộ việc tách, hợp thửa để hoàn thiện cơ sở pháp lý.
Đến hiện tại, sau hơn 6 tháng, tỉnh Lâm Đồng mới cho phép tách thửa trở lại. Việc tách thửa cũng được "siết" kỹ hơn với quy định: Tách thửa nếu liên quan đến kinh doanh bất động sản thì chủ thể phải lập hợp tác xã, công ty. Thửa đất muốn tách phải lập dự án, lập quy hoạch để trình phê duyệt.
Các đối tượng không phải lập dự án, lập quy hoạch gồm tách thửa đất để thừa kế hoặc tặng cho (giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột theo quy định) mà mỗi người nhận tặng cho được nhận 1 thửa đất sau khi tách thửa.
Hạ tầng xuống cấp do bị buộc ngừng thi công vì loạt sai phạm.
Diện tích tối thiểu được quy định tách thửa là 500m2 tại khu vực đô thị; 1.000m2tại khu vực nông thôn. Trường hợp tiếp giáp với đường giao thông thì ngoài diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định tại khoản này gồm cả diện tích thuộc hành lang bảo vệ công trình công cộng (nếu có) thì còn phải đảm bảo có kích thước cạnh tiếp giáp đường lớn hơn 10m.
Những quy định mới liên tục được ban hành, có thể rằng, trật tự về đất đai ở vùng Tây Nguyên đại ngàn này sẽ được lập lại. Thế nhưng, những trái đắng mà khách hàng phương xa trót nếm ở thời sốt đất Lâm Đồng có lẽ khó có thể cứu vãn.