Tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng хử, trong đó có nội dung yêu cầu cán bộ, công chức chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.
Tại Quảng Nam, thời gian gần đây, một vài trường hợp cán bộ chủ động xin nghỉ việc với nhiều lý do. Mới nhất là trường hợp ông Đặng Hữu Lên, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn có đơn xin nghỉ việc vào cuối tháng 11/2021 và đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chấp nhận.
Theo ông Phan Minh Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn, ông Đặng Hữu Lên là cán bộ có tâm huyết, hết mình vì sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, vì lý do không đủ sức khỏe để đảm đương vai trò lãnh đạo nên ông Lên có nguyện vọng xin nghỉ.
"Hội chẩn của bác sĩ là muốn khỏi bệnh thì phải có thời gian nghỉ ngơi, điều trị lâu dài. Tâm tư, nguyện vọng của cá nhân ông Lên và các cán bộ trong Ban Thường vụ Thị ủy Điện Bàn là xin phép nghỉ để chữa bệnh" - ông Phan Minh Dũng cho biết.
Ngoài trường hợp ông Đặng Hữu Lên, những năm qua, một số cán bộ quản lý cấp xã, cấp huyện tại Quảng Nam cũng đã xin từ chức, thôi việc. Tại huyện Phú Ninh, gần đây có 2 trường hợp cán bộ thuộc diện Thường vụ Huyện ủy quản lý xin từ chức, thôi việc. Trước đó, tại huyện Phú Ninh cũng có nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vì nhiều lý do khác nhau.
Tại Quảng Nam, thời gian gần đây, một vài trường hợp cán bộ chủ động xin nghỉ việc với nhiều lý do.
Theo ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, việc UBND tỉnh Quảng Nam ban hành bộ quy tắc ứng хử, trong đó có nội dung yêu cầu cáռ bộ, công chức chủ động xin thôi giữ chức vụ là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Mới đây, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 41 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ông Vũ Văn Thẩm cho rằng, điểm mới trong Quy định 41 và bộ quy tắc ứng хử của tỉnh Quảng Nam là khi một cán bộ được đánh giá là hạn chế về năng lực và giảm sút về uy tín thì được xem xét điều chuyển công tác, có thể là từ vị trí cao đến vị trí thấp và nếu đến mức cần thiết thì phải xử lý kỷ luật.
"Rất nhiều cán bộ có chức, có quyền nhưng thiếu tâm huyết, thiếu năng lực nhưng vẫn cứ tồn tại mãi ở một vị trí trong thời gian dài. Những người này cố giữ “ghế”, họ không vi phạm gì đến mức nghiêm trọng nhưng họ không nỗ lực, phấn đấu để làm những điều tốt đẹp. Nhiều cán bộ sợ trách nhiệm nên thủ thế, không dám sáng tạo, không dám làm việc quyết liệt. Các quy định về xử lý cán bộ càng nghiêm khắc sẽ giúp gạn đục khơi trong, giúp lựa chọn được những cán bộ có bản lĩnh, năng lực thực sự, dám nghĩ dám làm" - ông Vũ Văn Thẩm cho biết.
Nhiều người kỳ vọng rằng, Quy định số 41 của Bộ Chính trị và bộ quy tắc ứng xử mà tỉnh Quảng Nam mới ban hành, khi đi vào thực tiễn sẽ có tác động tích cực, góp phần củng cố, kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, những cán bộ có vị trí, chức vụ, khi tự nhận thấy mình không còn đủ năng lực, uy tín, thì việc từ chức là cách tốt nhất để bảo vệ danh dự bản thân, uy tín của tổ chức. Từ chức cũng không có nghĩa là chấm dứt sự nghiệp mà các cấp ủy Đảng, tổ chức vẫn tạo điều kiện cho cán bộ đảm trách nhiệm vụ khác phù hợp với yêu cầu, phát huy được năng lực. Ông Lê Trí Thanh cho rằng, đã đến lúc cần nhìn nhận việc từ chức trở thành một nét văn hóa, là một khâu trong quản lý lãnh đạo các cấp.
"Khi cán bộ cảm thấy mình không còn đủ năng lực, sức khỏe thì nên từ chức, việc này cũng rất bình thường, từ thời phong kiến ông cha ta đã làm rồi. Điều này cũng tốt khi nhường lại vị trí đó, tạo điều kiện cho một người khác đảm đương công việc chung. Có như vậy thì bộ máy của mới công bằng, minh bạch, có điều kiện để thu hút nhân tài vào làm việc' - ông Lê Trí Thanh cho biết.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam (áo ca rô) trong một buổi nói chuyện với cán bộ miền núi
Cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt danh sách 158 trường hợp tinh giản biên chế đợt 1 năm 2022. Đáng chú ý, trong số cán bộ được cho nghỉ hưu trước tuổi có ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Ông Hà Thanh Quốc được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá là không đủ uy tín để tiếp tục đảm trách chức vụ Giám đốc Sở nên được xem xét luân chuyển sang vị trí công tác mới. Tuy nhiên, ông Quốc có nguyện vọng xin nghỉ trước tuổi.
Theo ông Nguyễn Chín, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, Quy định số 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã quy định rất rõ rằng, cán bộ thuộc diện bị kiểm điểm hoặc kỷ luật, chưa đến mức phải cách chức, nhưng mất uy tín với nhân dân, tổ chức thì sẽ được xem xét để thay thế.
"Nhiều người nghĩ rằng tinh giản biên chế là chỉ tinh giản những cán bộ không giữ chức vụ. Tuy nhiên, bất kỳ đối tượng nào là cán bộ, công chức đều có thể thực hiện tinh giản biên chế. Quy định của Đảng đã nói rất rõ về từ chức, miễn nhiệm, cán bộ có vi phạm khuyết điểm, giảm sút uy tín thì có thể phải thay thế, kiện toàn chứ không chờ đến hết nhiệm kỳ hay bổ nhiệm lại" -Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam cho hay.
Ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để hình thành văn hóa từ chức, đòi hỏi ở mỗi cán bộ phải có lòng trung thực và tự trọng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Hoàng, trường hợp cán bộ có chức, có quyền xin từ chức là chuyện không đơn giản. Thực tế có những cán bộ yếu về năng lực, giảm sút về uy tín, thoái hóa về đạo đức thì lại không muốn và không đủ bản lĩnh để tự nguyện rời “ghế”.
Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
"Từ chức là một con đường tốt hơn chứ không phải xấu hơn. Nếu để diễn ra theo kiểu tự nguyện thì sẽ rất mâu thuẫn. Khi đó cán bộ tốt sẽ từ chức, còn cán bộ không tốt thì cứ thế ở lại. Cho nên một mặt là để cán bộ tự nguyện, nhưng mặt khác cũng phải ràng buộc về mặt hành chính nếu quả thực cán bộ đó được nhìn nhận là không ổn”- ông Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ.
Nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề miễn nhiệm, từ chức đã được đặt ra trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, được luật hóa trong hệ thống pháp luật Nhà nước. Sự ra đời của Quy định số 41 của Bộ Chính trị và bộ quy tắc ứng хử của tỉnh Quảng Nam với những quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ đã mang đến niềm tin mới khi Đảng ta đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.