Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cô bé 11 tuổi mắc bệnh tan máu bẩm sinh ước khỏi bệnh để về trồng ngô cùng bố

(VTC News) -

Mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), mong ước của cô bé người Thái là được khỏe mạnh để về trồng ngô cùng bố.

Bé Quàng Thị Ngọc Diệp (11 tuổi) là con anh Quảng Văn Xùm (38 tuổi, dân tộc Thái Yên Châu - Sơn La). Vợ mất để lại hai con thơ, một mình anh trồng ngô kiếm tiền nuôi con mắc bệnh hiểm nghèo. Suốt 8 năm, mỗi tháng đều đặn hai bố con lại đến bệnh viện điều trị, truyền máu ít nhất một lần.

Anh Xùm và bé Diệp. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Vợ mất khi con trai được 7 tuổi, con gái vừa lên 2, một mình anh Xùm làm lụng nuôi hai con ăn học. Cuộc sống nghĩ cứ thế bình yên trôi qua. Năm con gái lên 3, trong một lần ốm sốt đi khám, bác sĩ nói Diệp bị tan máu bẩm sinh, cần truyền máu hàng tháng.

Nỗi đau mất vợ chưa nguôi ngoai lại nhận tin con gái mắc bệnh hiểm nghèo, anh Xùm ngã quỵ khi nghĩ đến những ngày tháng tiếp theo.

Sau ngày phát hiện con bị bệnh là chuỗi ngày triền miên tại các bệnh viện từ huyện lên tỉnh. Đợt truyền máu nhanh mất một tuần, hôm men gan tăng thì con gái phải truyền máu suốt 27 ngày.

Với số tiền ít ỏi thu nhập từ trồng ngô anh Xùm vẫn cố gắng vay mượn hàng tháng đưa con đi chạy chữa. Hơn một năm trước kinh tế khó khăn không thể gánh nổi tiền học cho con trai và tiền thuốc cho Diệp, anh Xùm đành để con trai cả nghỉ học lên Hà Nội làm thuê, trang trải cùng bố.

Một tuần trở lại đây bụng của Diệp chướng lên, phần lá lách tích nhiều máu to, sa xuống gần hố chậu. Trước nguy cơ bị vỡ lách, nguy hiểm tính mạng, các bác sĩ chỉ định Diệp lên Hà Nội mổ cắt lách. Nợ cũ chưa trả hết, anh Xùm lại phải chạy vạy khắp nơi vay mượn được hai chục triệu đưa con đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mổ (Hà Nội) cắt lách.

Nhập viện được 4 ngày bố con anh sống dựa vào cơm từ thiện của viện. Số tiền ít ỏi vay mượn được anhh để dành phẫu thuật cho con.

Phòng bệnh đông, bố con nằm tạm giường ngoài hành lang chờ đến lượt mổ. Người đàn ông dân tộc Thái tâm sự con gái thiệt thỏi hơn các bạn khi từ nhỏ đã mất mẹ, lại mắc bệnh hiểm nghèo, nên dù bán hết mọi thứ trong nhà anh vẫn quyết tâm duy trì chạy chữa cho Diệp.

Bé Diệp vừa thực hiện xong ca mổ cắt lách. (Ảnh: Nguyễn Ngoan)

Diệp, cô con gái nhỏ của anh Xùm rất hiểu chuyện. Nói về ước mơ của mình, cô bé mong có thể khoẻ lại, không phải đi truyền máu nữa.

"Khoẻ lại con sẽ lên rẫy cùng bố trồng ngô lấy tiền trả nợ", Diệp nói. 

Bác sĩ báo lịch mổ, nhìn con gái được đưa vào phòng phẫu thuật anh Xùm nửa mừng nửa lo. Anh mừng vì con gái được phẫu thuật không còn nguy hiểm nữa, nhưng nghĩ đến số nợ và những lần truyền máu tiếp theo người bố lại thở dài.

PGS.TS.BS Nguyễn Việt Hoa - trưởng khoa Phẫu thuật nhi và sơ sinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, Diệp nhập viện trong tình trạng lách to đến tận hố chậu, tình trạng tan máu bẩm sinh nặng, men gan cao.

"Hiện bé được chỉ định cắt lách để tránh bị vỡ, sau đó chuyển về viện tiếp tục truyền máu, thải sắt duy trì”, bác sĩ Hoa nói.

Cắt lách chỉ là một bước trong quá trình điều trị bệnh tan máu bẩm sinh, sau khi phẫu thuật, Diệp vẫn cần truyền máu duy trì, quá trình này diễn ra suốt đời. Chi phí trung bình một tháng cho bệnh nhân có bảo hiểm truyền máu là 2 triệu đồng. Với gia đình dân tộc thiểu số thuần nông như nhà anh Xùm đây sẽ là gánh nặng kinh tế lớn.

Nguyễn Ngoan

Tin mới