Theo Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp (SISSA), các nhà vật lý và thiên văn học của SISSA thành công trong việc xác định số lượng lỗ đen trong vũ trụ dựa trên phần không gian vũ trụ mà con người có thể quan sát được (đường kính khoảng 90 tỷ năm ánh sáng).
SISSA cho biết, bằng cách lần theo lịch sử hình thành và tiến hóa của các ngôi sao khổng lồ trong vũ trụ, nhóm chuyên gia có thể tính được có bao nhiêu lỗ đen bên trong một không gian cụ thể.
Vũ trụ quan sát được trải rộng trên đường kính 90 tỷ năm ánh sáng, đây chính là cơ sở để các nhà khoa học xác định số lượng lỗ đen đang tồn tại.
Trong trường hợp phần vũ trụ quan sát được, các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 40 tỷ tỷ lỗ đen, chiếm 1% trong tổng số vật chất thường của vũ trụ. Dù vậy cách làm này cũng mới chỉ mang tính chất ước đoán.
“Đặc điểm mang tính đột phá của công trình nghiên cứu trên là kết hợp mô hình hình thành của hệ sao đơn và hệ sao đôi trong mỗi thiên hà”, nhà vật lý Alex Sicilia, thành viên của dự án nói.
Báo cáo khoa học trên được kỳ vọng sẽ giúp con người giải mã cách thức các siêu lỗ đen, như Sagittarius A* nằm bên trong trung tâm Milky Way - thiên hà chứa Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, cũng có những lỗ đen phát triển không theo bất cứ quy luật nào trong quá trình hình thành và phát triển.
Còn theo NASA, chỉ tính riêng bên trong thiên hà Milky Way , ố lượng hố đen ước tính vào khoảng 10 triệu cho đến 1 tỷ.
Lỗ đen vũ trụ (black hole) là vùng không – thời gian mà trường hấp dẫn ngăn cản mọi thứ, cả ánh sáng cũng không thể thoát ra. Thuyết tương đối rộng tiên đoán một lượng vật chất với khối lượng đủ lớn nằm trong phạm vi đủ nhỏ sẽ làm biến dạng không - thời gian để trở thành lỗ đen. Các vụ nổ của các ngôi sao lớn được cho là tạo ra lỗ đen vũ trụ - những cái giếng trong cấu trúc không - thời gian.