Đây là những thông tin được PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết trong cuộc tọa đàm trực tuyến chiều 23/7 với chủ đề “Sẵn sàng tiếp nhận du học sinh về nước học tập”.
352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, cả nước có 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, bậc đại học có 195 chương trình, thạc sĩ 150 chương trình và tiến sĩ 7 chương trình.
Kể từ khi Nghị định 73/2012 có hiệu lực, hàng năm, Việt Nam phê duyệt khoảng 40 chương trình liên kết đào tạo quốc tế mới, đồng thời xem xét gia hạn điều chỉnh 10-20 chương trình và 30 chương trình ngừng tuyển sinh.
Các chương trình liên kết đào tạo đã dừng hoạt động do nguyên nhân chủ yếu là thay đổi chuyên ngành và thay đổi trường đối tác theo hướng ngày càng phù hợp và nâng cao chất lượng hơn.
Ngoài ra, một số chương trình liên kết đào tạo đã hết thời hạn được cấp phép hoặc phải cạnh tranh về chất lượng với các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài khác.
Về mặt chất lượng, bà Thủy cho biết: “Chính phủ đã nâng cao yêu cầu, quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng của đối tác liên kết đào tạo nước ngoài. Ngoài ra, các trường trong nước cũng cần đảm bảo các yêu cầu chất lượng nhất định như phải thường xuyên thay đổi, cập nhật chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu kinh tế xã hội và mức độ phát triển của khoa học công nghệ. Đội ngũ giảng dạy trong nước cũng được đào tạo bài bản, dần nâng cao cả về số lượng và chất lượng”.
Cũng theo bà Thủy, cách đây 5 năm, tỷ lệ giảng viên trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam có trình độ tiến sĩ chỉ đạt khoảng 19,5%. Đến nay, tỷ lệ này đã đạt 28,8%.
Nhiều trường đại học nước ngoài có uy tín, thương hiệu đã đến đầu tư giáo dục đại học tại Việt Nam. Các chương trình liên kết đào tạo này cũng đảm bảo đạt chuẩn quốc tế.
Bà Thủy nhận định trong thời gian tới, khi điều kiện kinh tế, xã hội ở Việt Nam ngày càng phát triển, năng lực của sinh viên và người học được nâng cao về ngoại ngữ và các kỹ năng khác, hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của đối tác nước ngoài.
Đồng thời, các trường của Việt Nam cũng có thể lựa chọn đối tác tốt hơn, qua đó nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục trong nước.
Đại diện của Bộ GD&ĐT cho rằng với số lượng các chương trình liên kết đào tạo hợp pháp và đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng hiện nay, sẽ rất phù hợp người học, cả sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT. (Ảnh: VOV)
Du học sinh dễ tìm chương trình phù hợp
Cũng tại cuộc tọa đàm, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã giải đáp thắc mắc, trăn trở của du học sinh liên quan tính tương đồng trong nội dung chương trình đào tại ở các trường đại học của Việt Nam so với thế giới.
Ông Thảo cho biết hiện nay, xác suất chuyên ngành đào tạo ở một trường đại học nước ngoài mà chưa có tại Việt Nam là rất thấp.
Theo ông Thảo, trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và thông tin truyền thông phát triển, các trường phải tiếp cận rất nhanh với chương trình giáo dục mới.
Các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện nay phần lớn nhằm phục vụ nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có tính chất toàn cầu. Do vậy, đối tượng người học rất rộng và mức độ phổ cập của các chương trình đó sẽ ở cấp độ quốc tế.
Ông Thảo khẳng định: “Với hơn 200 trường đại học ở Việt Nam, du học sinh sẽ không khó khăn trong việc tìm kiếm chương trình đào tạo phù hợp”.
Tại cuộc tọa đàm, đại diện các trường chia sẻ thông tin về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện có.
Đại học Bách khoa có khoảng 10 chương trình liên kết quốc tế, giảng dạy bằng bốn ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Nhật. Hình thức hợp tác cũng rất đa dạng như có chương trình được quốc tế cấp bằng hoàn toàn, chương trình hợp tác đào tạo với các trường đối tác nước ngoài công nhận tín chỉ lẫn nhau…
Đại học Ngoại thương hiện có 9 chương trình liên kết đào tạo bậc cử nhân, 5 chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ, với chủ trương xây dựng các mô hình đào tạo có chất lượng ngày càng tốt hơn.
Đại học Quốc gia Hà Nội đặt tiêu chí ngay từ khi xây dựng đề án thành lập chương trình liên kết đào tạo. Đó là các đối tác hợp tác quốc tế phải ở trong top 500 trường đại học xuất sắc trên thế giới.
Đại diện các trường cũng đồng ý quan điểm rằng những năm qua, một số lượng lớn sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập vì gia đình, ước muốn trải nghiệm môi trường giáo dục mới và mong muốn được cấp bằng đại học ở nước ngoài. Các em chưa có dịp tìm hiểu kỹ môi trường giáo dục trong nước.
Thời điểm này là cơ hội để các em nhìn nhận lại độ hấp dẫn của môi trường giáo dục đại học trong nước. Thực tế, tại Việt Nam, giáo dục đại học đã và đang có những bước phát triển lớn mạnh thời gian qua. Có những trường đại học trong nước đã sánh ngang và được xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc tế.