Hà Nội FC có lịch sử đối đầu ấn tượng trước CLB TP.HCM, với 8 chiến thắng trong 9 lần gặp gần nhất. Nhưng đội bóng Thủ đô không chỉ gieo nỗi đau cho đối thủ ở vài trận đấu. Vị thế của của họ còn ám ảnh CLB TP.HCM. Đội chủ sân Thống Nhất đã chi ra hàng chục tỷ đồng để mong vượt qua Hà Nội FC, nhưng chưa một lần thành công.
Video: CLB TP.HCM thua Hà Nội FC ở lượt đi V-League 2020
Cơn sóng thần nội bộ
Thất bại 0-3 trước Hà Nội FC khiến nội bộ CLB TP.HCM rúng động. Một ngay sau trận thua, HLV Chung Hae Seong bị yêu cầu chuyển sang vị trí mới, nhường ghế chỉ đạo cho người khác.
Đáp lại, ông Chung và trợ lý xin thanh lý hợp đồng. Hai bên không tìm được tiếng nói chung, nên đàm phán rơi vào bế tắc. Đúng lúc CLB TP.HCM không tìm được ai thay thế, HLV Chung Hae Seong được bổ nhiêm trở lại.
Vòng luẩn quẩn ở CLB TP.HCM đến sau trận thua Hà Nội FC. Thực tế, thua nhà vô địch ít ra vẫn... dễ chịu hơn thua Sài Gòn FC hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - những đối thủ đã hạ gục CLB TP.HCM trước đó.
Trong bối cảnh thành tích, cơn biến loạn ở đội chủ sân Thống Nhất càng khó hiểu. CLB TP.HCM xếp thứ 5, kém ngôi nhì 2 điểm. Hà Nội FC từng có thời điểm rơi xuống giữa bảng, cũng không phản ứng tiêu cực như thế.
HLV Chung Hae Seong suýt mất ghế sau 11 vòng.
Cách ứng xử với thất bại đôi khi phác họa dáng hình của đẳng cấp. Để vô địch V-League 2010, Hà Nội T&T (tiền thân của Hà Nội FC) từng xếp bét bảng lượt đi một mùa trước đó. SLNA đăng quang V-League 2011 sau vạn lần chịu đau.
Năm 2012, SHB Đà Nẵng vô địch, nhưng 4 năm trước đó, đội bóng sông Hàn từng đứng cuối bảng dưới thời HLV Phan Thanh Hùng.
Học cách chấp nhận thất bại là điều kiện cần với mọi CLB muốn khoác hoàng bào của nhà vua. CLB TP.HCM thừa tiềm lực để trở thành đế chế mới, nhưng đội bóng này chưa đủ ổn định, và kiên định với hướng phát triển.
Lượt đi chưa kết thúc, CLB TP.HCM đã đăng ký ngoại binh thứ 8. Không kể Matias Fernandez, Viktor Prodell rời đội bất đắc dĩ vì chấn thương, đội bóng áo đỏ đã chia tay Alex Lima chỉ sau... 4 trận vì chuyên môn. Hết 11 vòng, đến lượt Amido Balde ra đi.
Hai ngoại binh người Costa Rica được duyệt chi nhanh chóng, dẫu số tiền lên đến 1 triệu USD, bằng nửa ngân sách của vài đội V-League. Ông Chung Hae Seong, trợ lý của HLV Guus Hiddink tại World Cup 2002, bị thay thế khi lượt đi còn chưa khép lại, dù thành tích không tồi.
CLB TP.HCM nôn nóng muốn thành công. (Ảnh: Hồng Nam)
CLB TP.HCM là đội duy nhất sắm được ngoại binh trong hai tháng qua. Dịch COVID-19 khiến thị trường ngoại binh đóng băng, nhưng đội bóng của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng vẫn thoải mái sắm sửa. CLB TP.HCM rất giàu. Nhưng vì quá giàu, có nhiều lựa chọn và nôn nóng rút ngắn cách biệt với Hà Nội FC, đội bóng này thường quyết định vội vàng.
4 năm sau khi lên hạng, HLV Chung Hae Seong - người dẫn dắt CLB TP.HCM lâu nhất, cũng mới có vỏn vẹn 37 trận cầm quân ở V-League. Chưa ngoại binh nào đá cho CLB này quá một mùa. Số tân binh CLB TP.HCM mang về mùa này đã đủ xếp thành một đội hình. Thay đổi nhiều như thế, đại diện phía Nam có dễ thành công?
Tham vọng của CLB TP.HCM
Có bắt chước y hệt Hà Nội FC, CLB TP.HCM cũng chưa chắc sao chép được vinh quang của đối thủ. Mỗi bối cảnh lịch sử sẽ yêu cầu một cách làm bóng đá tương thích.
Nỗ lực cải thiện, đầu tư đội hình và hướng tới bóng đá đẹp của CLB TP.HCM rất đáng hoan nghênh. Cần có đội bóng giàu tham vọng như thế để V-League không rơi vào thế "đơn cực".
Xu hướng bóng đá cho thấy các đội có thể rút ngắn cách biệt trình độ, đẳng cấp nếu được đầu tư hợp lý. Bộ đôi đắt giá Ariel Rodriguez và Jose Ortiz được mang về với mục tiêu này. Gần như chắc chắn, Ortiz, Rodriguez, Công Phượng và Huy Toàn sẽ cùng nhau định hình hàng công mới.
Huy Toàn chơi tốt từ đầu mùa. (Ảnh: CLB)
CLB TP.HCM đã thay gần hết hàng tiền vệ và tiền đạo. Đội bóng của Chung Hae Seong giải quyết vấn đề bằng tiền. Mua thật nhiều ngôi sao tấn công để mạnh hơn, đó cũng là ý tưởng hay, nhưng vấn đề là CLB TP.HCM đang như người khổng lồ trên đôi chân đất sét.
Họ trang hoàng chiếc xe với rất nhiều phụ kiện đẹp, nhưng chưa đầu tư đủ mạnh cho động cơ - yếu tố tiềm ẩn bên trong. Cụ thể là CLB TP.HCM đang không có một trục giữa, với vị trí thủ môn, trung vệ, tiền vệ phòng ngự, tiền vệ kiến thiết và tiền đạo ổn định.
4/5 vị trí nói trên là tân binh. Mọi đội bóng cần xoay quanh trục giữa để xây dựng chiến thuật, nhưng CLB TP.HCM phụ thuộc nhiều vào ngôi sao và muốn đầu tư cho ngoại binh xịn, nhiều hơn là phát triển hệ thống bài bản.
Đội bóng áo đỏ cũng không có lối chơi xuyên suốt. Việc suýt "bẻ ghế" HLV Chung Hae Seong dù mới tái ký hợp đồng cho thấy CLB TP.HCM không sẵn sàng kiên nhẫn với ông Chung. Nếu không có khúc mắc hợp đồng và dịch COVID-19, có lẽ giờ HLV Chung đã về Hàn Quốc nghỉ ngơi, còn CLB TP.HCM bận rộn xây dựng lại từ đầu với người mới.
Tiền có thể mua cầu thủ giỏi, tăng chất lượng đội hình, nhưng đẳng cấp trong bóng đá cũng giống rượu vang, cần có thời gian "lên men". Đó là thứ không phải cứ có tiền là mua được. CLB TP.HCM đủ điều kiện vươn tầm, nhưng cần phải đầu tư cho vốn kiên nhẫn và chiến lược dài hơi.