1. Nam Định từng mất 7 năm để trở lại với sân chơi V-League sau khi xuống hạng năm 2010. Đó là một thời gian dài, có lúc tưởng như đủ để "xóa sổ" bóng đá thành Nam khi đội bóng chìm sâu ở giải hạng Nhì (từ mùa giải 2012 đế 2014).
Sự trở lại của Nam Định năm 2018 đã tạo nên bầu không khí tuyệt vời cho V-League khi sân Thiên Trường trở thành sân bóng có số lượng khán giả đông nhất.
Sân Thiên Trường là điểm sáng của V-League về số lượng khán giả và sự cuồng nhiệt.
Mùa giải 2018, theo thống kê của BTC giải, sân Thiên Trường đón tổng cộng 166.000 lượt khán giả tới cổ vũ trong 13 trận sân nhà, gấp đôi tổng số khán giả đến sân Pleiku của CLB HAGL.
Mùa trước, Nam Định chỉ xếp thứ 11/14 đội V-League 2019 nhưng tiếp tục là đội vô địch về lượng khán giả trên sân nhà. Cụ thể, Thiên Trường trong mùa giải 2019 có tổng cộng 195.000 lượt khán giả đến sân, trung bình 15.000 khán giả/trận, gần gấp đôi so với hai đội kế tiếp là HAGL (8.385 khán giả/trận) và Hà Nội FC (8.077 khán giả/trận).
Hồi tháng 5 vừa qua, Thiên Trường được cả thế giới biết đến như một biểu tượng chiến thắng đại dịch COVID-19 tại Việt Nam khi mở cửa đón 10.000 khán giả vào sân theo dõi trận Nam Định gặp HAGL ở Cup Quốc gia.
2. Nếu Nam Định xuống hạng, đây sẽ là điều rất tiếc với V-League khi mất đi sân đấu luôn đầy ắp khán giả, bầu không khí cuồng nhiệt và cả đội bóng luôn chơi tận hiến vì người hâm mộ.
Nhiều khán giả thành Nam bật khóc trên khán đài hôm 25/10 khi thầy trò HLV Phạm Hồng Phú không thể giành được 1 điểm trước Hải Phòng. Họ khóc, không chỉ cho nỗ lực bất thành của đội nhà, mà còn khóc vì ấm ức, tức tưởi khi những quyết định sai lầm của các trọng tài mùa bóng này đã góp phần không nhỏ đẩy Nam Định đến tình cảnh hiện tại.
Đội trưởng Đỗ Merlo bật khó khi Nam Định không thể giành điểm trước Hải Phòng vòng đấu trước.
Nếu Nam Định xuống hạng, chắc chắn nhiều người không phục. Dấu hỏi về sự công bằng của giải đấu lại được đặt ra. Và điều quan trọng hơn, bóng đá Nam Định có thể lại rơi vào vòng xoáy của 10 năm trước. Những cầu thủ sẽ lần lượt bỏ xứ ra đi, nhà tài trợ dừng hợp đồng, công tác đào tạo trẻ bị ngưng trệ, nền bóng đá của một địa phương giàu truyền thống lại đứng trước nguy cơ "xóa sổ".
Đó chắc chắn là nỗi đau của bóng đá Việt Nam. Thậm chí là minh chứng cho sự thất bại trong việc xoá tan ám ảnh về thứ bóng đá ân tình với những "liên minh" phía sau bóng tối. Nghi vấn "một ông chủ nhiều đội bóng" quanh bầu Hiển cùng Hà Nội FC, Quảng Nam, SHB Đà Nẵng lại càng được dịp thổi bùng và mãi mãi chẳng bao giờ có lời giải chính thức.
Nếu Nam Định xuống hạng, nỗi đau ấy thậm chí đủ che lấp niềm vui vô địch (nếu có) của những Quang Hải, Văn Hậu, Chu Đình Nghiêm.
Ngai vàng của Hà Nội FC, dù có chất thêm bao nhiêu chiếc cúp nữa, vẫn sẽ phủ đầy nghi kỵ. Biết làm sao được, khi bầu Hiển cứ xuống sân tuyên bố thưởng tiền cho cả Hà Nội FC, SHB Đà Nẵng rồi Quảng Nam. Thế thì suy nghĩ về thế trận "5 đánh 1" để dìu nhau vô địch (với Hà Nội FC) và trụ hạng an toàn (với Quảng Nam) bằng những tiếng còi méo, càng có thêm cớ phủ đen bóng đá Việt Nam.
Do đó, nếu Nam Định xuống hạng, họ sẽ trở thành nhân chứng sống tiếp theo cho cả một cộng đồng bóng đá bị "tiêu diệt" bởi sự thiếu rõ ràng trong cách vận hành bóng đá tại Việt Nam.
Đau cho bóng đá Việt Nam và buồn cho bóng đá Nam Định là như vậy đấy.
Video: Nam Định bị cướp trắng trợn 1 bàn thắng
3. "Nam Định giống như con nhà nghèo vượt khó, luôn tạo ra cảm kích. Thiên Trường cũng là sân đấu tạo ra nhiều ấn tượng, màu sắc cho bóng đá Việt Nam. Nhìn rộng ra, Nam Định giống xứ Basque ở Tây Ban Nha với Athletic Bilbao, một đội bóng có thể khó khăn nhưng luôn cố gắng phát huy nội lực quê hương, có bản sắc. Nếu Nam Định không thể trụ lại V-League là sự đáng tiếc", BLV Quang Huy chia sẻ.
Buồn, đau và lo lắng cho số phận của Nam Định trước loạt trận sinh tử. Nhưng tất cả kịch bản xấu nhất mới dừng lại ở chữ "nếu". Nam Định còn 1 trận đấu phía trước. Họ còn tự quyết và sẽ tự cứu lấy mình để những điều tồi tệ không xảy ra.
“Nam Định có quyền tự quyết. Họ phải xác định đá trận sống còn trong thế chỉ còn 1 cửa với SLNA. Đừng nghĩ mình còn 2 cửa. Tình thế đúng là khó khăn. Có nhiều người nghĩ Hải Phòng đã hết động lực khi gặp Quảng Nam nhưng SLNA cũng hết động lực, Nam Định có thể tận dụng”, BLV Quang Huy nhận định.
Sự bức xúc và bất phục của đội bóng thành Nam đối với những vị vua áo đen đã xuất hiện từ đầu mùa giải. Trước sai sót của trợ lý cầm cờ K Đức Tuấn, ban trọng tài VFF từng hai lần phải thừa nhận sai sót trong trận đấu của đội bóng thành Nam, thậm chí Trưởng ban Dương Văn Hiền cũng phải lên tiếng xin lỗi.
Ở vòng 6 trên sân Thiên Trường, CLB Nam Định nhận bàn thua oan khi một cầu thủ Hải Phòng tham gia vào bàn mở tỉ số lẽ ra phải bị phạt việt vị. Đội chủ nhà cũng bị tước một bàn thắng trong trận đấu này. Trọng tài chính Vũ Phúc Hoan, người từng dính tai tiếng bẻ còi ở mùa giải 2019, cùng trợ lý Phạm Hoài Tâm đều bị kỷ luật.
Cổ động viên căng băng rôn phản đối ông Dương Văn Hiền ở sân Thiên Trường.
Đến vòng đấu thứ 10, trọng tài lại mắc sai sót gây bất lợi cho Nam Định trong trận đấu với Sài Gòn FC. Đội bóng thành Nam 4 lần đòi phạt đền không thành, trong đó có 2 tình huống mà trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền xác nhận là quyết định không chính xác. Người cầm còi trận đấu là ông Mai Xuân Hùng nối gót đồng nghiệp Vũ Phúc Hoan bị đình chỉ làm nhiệm vụ.
Có một điểm chung của đa số những quyết định sai lầm kể trên là chúng diễn ra ở thời điểm CLB Nam Định bị dẫn trước với cách biệt chỉ 1 bàn. Trong hoàn cảnh chỉ thiếu 1 điểm để trụ hạng, đội bóng thành Nam đương nhiên phải tiếc nuối những điểm số, hoặc cơ hội giành điểm đã bị tước mất vì trọng tài.