Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện xúc động của cặp vợ chồng bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch

(VTC News) -

Gặp vợ trong khu cách ly, bác sĩ Công giơ tay tạo chữ V (Victory - chiến thắng) rồi mỗi người đi một hướng để bắt đầu cuộc chiến chống COVID-19.

Tròn một tháng, vợ chồng bác sĩ Phạm Chí Công không về nhà. Họ cùng nhau "chiến đấu" trong tâm dịch Chí Linh, Hải Dương cùng những đồng nghiệp của mình.

Anh vẫn còn nhớ, trưa 1/2, khi đang nghỉ ngơi chuẩn bị ăn cơm ở nơi làm việc là Bệnh viện Phổi Hải Dương thì chuông điện thoại reo lên. Anh nhận được thông báo của "Sở chỉ huy" chống dịch COVID-19, yêu cầu điều động "toàn quân" đến TP Chí Linh. Đây cũng là nơi anh sinh ra và lớn lên, vì vậy anh rất nóng lòng được lên đường đồng hành cùng mọi người nơi đây vượt qua đại dịch. Buông bát cơm, anh tức tốc vào phòng làm việc lấy chiếc balo đã chuẩn bị tư trang, lên đường.

10 phút sau, xe đến đón cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện, trong đó có anh Công. Những chiến sĩ áo trắng vội vã chào tạm biệt nhau rồi đi thẳng vào tâm dịch thành phố Chí Linh. Không khí khi đó khẩn trương và giục giã như cuộc hành quân. 

Trên đường đi, gọi điện về nhà, anh chỉ kịp nhắn nhủ các con: “Bố đang trên đường đi chống dịch và chưa gọi điện được cho mẹ. Nhưng nếu cả bố và mẹ đều đi chống dịch thì các con ở nhà nghe lời ông bà, chăm sóc bản thân thật tốt và ăn uống đầy đủ nhé”.

Bác sĩ Công và đồng nghiệp vào trận chiến mang theo khẩu hiệu “Hải Dương chiến thắng”, “Chí Linh quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh”. Năm trước, khi Việt Nam xuất hiện làn sóng COVID-19 thứ nhất, hai vợ chồng bác sĩ Công từng xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Xa bố mẹ, các con anh phải tập làm quen với cuộc sống tự lập. Đặc thù của ngành, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp thiên tai, dịch bệnh, y bác sĩ rất cần sự ủng hộ và cảm thông của gia đình. 

Vợ chồng bác sĩ Công cùng lên đường chống dịch COVID-19. (Ảnh: V.N)

Khi chiếc xe tiến gần vào "trận địa" COVID-19, anh Công thấy sau những hàng rào chắn phong tỏa, nơi đây đang rất khẩn trương cho công tác phòng, chống dịch. Nhịp sống cũng khác biệt so với những ngày thường. Qua từng con phố, trong anh trào dâng nhiều cảm xúc đặc biệt. Cảnh vật vẫn như vậy, thân thương, quen thuộc nhưng cuộc sống tất thảy bị đảo lộn vì virus corona. Lần đầu tiên trong đời anh thấy bản thân phải có trách nhiệm không chỉ với ngành y mà con với quê hương Chí Linh. Anh tin tưởng quê nhà sẽ sớm vượt qua đại dịch.

Sau một tiếng di chuyển, anh có mặt ở khu cách ly. Qua lớp kính của tấm chắn giọt bắn, anh nhận ra hình bóng quen thuộc đó, không ngờ lại chính là vợ anh. Hai vợ chồng là thành viên của tổ phản ứng nhanh (Sở Y tế Hải Dương), đều được huy động lên tuyến đầu chống dịch. Anh vẫy tay gọi vợ. Cả hai dành cho nhau những cử chỉ thân thương nhất qua kính và đồ bảo bộ.

Hai vợ chồng khi nhận nhiệm vụ đều xác định sẽ phải đối đầu với nguy cơ nhiễm bệnh. Nhưng họ hiểu, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của nghề Y. Nghĩ như vậy, mọi sự vất vả, lo lắng đều tan biến.  

Ra dấu V (Victory - chiến thắng) rồi anh chào tạm biệt vợ. Hai vợ chồng mỗi người đi một hướng. Họ bắt đầu những ngày chiến đấu giữa tâm dịch.

Những chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19. (Ảnh: V.N)

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao hiếm hoi, bác sĩ Lưu Văn Khanh, đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương) gọi điện về cho vợ. Thấy vợ, anh rơm rớm nước mắt. Anh thương vợ đang mang bầu mà chồng không bên cạnh để chăm sóc.

Hai tuần trước, anh Khanh là một trong những cán bộ y tế được điều động tăng cường cho tuyến đầu, trực tiếp cắm chốt ở những địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao nhất trên địa bàn tỉnh.

Anh vẫn thấy áy náy về câu nói của vợ trước ngày lên đường nhận nhiệm vụ: “Anh đi công tác rồi, ai đưa em đi sinh. Con chào đời không được nhìn bố ngay”. Lúc đó, tim anh đau nhói, anh ôm vợ, khóc: “Bố xin lỗi rất nhiều nhưng đây là công việc và trọng trách được giao. Hết dịch anh về với hai mẹ con ngay”. Khoác ba lô, anh chào tạm biệt gia đình rồi lên đường chống giặc COVID-19. 

Buồn và cô đơn vì nhớ nhà, thương vợ nhưng khi nhận nhiệm vụ, tinh thần của người chiến sĩ áo trắng lại được lên dây cót. Anh cho biết, bản thân rất vinh dự khi được đóng góp phần nhỏ bé cho sứ mệnh chung là đẩy lùi dịch COVID-19.

Tại khu cách ly, bác sĩ Khanh không có nhiều thời gian nghỉ ngơi. Anh và tổ đội luôn bận rộn, từ việc theo dõi sức khỏe người dân cho đến đảm bảo giãn cách, truy vết dịch tễ. Trong mắt người dân, hình ảnh người bác sĩ luôn trùm đồ bảo hộ từ đầu đến chân, mồ hôi lúc nào cũng ròng ròng là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, cho thấy nỗ lực, tâm huyết của ngành Y tế.

Bác sĩ Khanh và gia đình. (Ảnh: NVCC)

Những ngày ở tâm dịch, anh cảm nhận rõ giá trị của sự bình an. Vì thế, anh quyết định đặt tên cho cậu con trai sắp chào đời là Đại An với hàm nghĩa là sự bình an lớn. Anh cũng gửi gắm ước nguyện mong Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ vượt qua đợt dịch bệnh này.

24 tuổi, Mai Thị Tú Anh lần đầu tiên trong đời trải qua những đêm thức trắng giữa tâm dịch COVID-19. Giữa quãng nghỉ, Tú Anh cởi khẩu trang để lộ khuôn mặt xinh đẹp, vì thế mọi người đặt cho cô nhiều biệt danh như hoa khôi, "hotgirl đội xét nghiệm". Nhưng Tú Anh vẫn thích mọi người gọi là đồng chí.

Cách đây mấy tháng Tú Anh nhận công tác tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương). Xét về tuổi đời cũng như tuổi nghề cô nói mình chỉ là lính mới. Thế nhưng khi nhận được lệnh điều động từ Sở chỉ huy, Tú Anh không ngần ngại xung phong vào tâm dịch. Thời gian gấp gáp, cô bạn chỉ kịp gọi điện thông báo cho giao đình và hữa sẽ đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân.

Trong tâm dịch, Tú Anh nhận nhiệm vụ tham gia vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 về thu dung tại các bệnh viện. Công việc vất vả lại tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân song Tú Anh không cảm thấy lo sợ. Ngược lại cô luôn hăng say làm việc với tinh thần cao nhất. Trong những ngày căng thẳng, Tú Anh và tổ đội có những đêm thức trắng, chân không lết nổi vì quá mệt. Dù vậy, ai cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bông hoa xinh đẹp đã trưởng thành trở thành bông hoa thép trên chiến tuyến chống giặc COVID-19.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của các y bác sĩ giữa tâm dịch COVID-19.

“Mệt nhưng mà tinh thần lên cao vút. Đây là lần đầu tiên em được thực chiến ngoài trận địa. Đó sẽ là những kinh nghiệm vô cùng quý báu đối với em. Hải Dương mình cùng nhau cố gắng nhé anh chị nhé”, Tú Anh cười nói với bộ quần áo bảo hộ ướt sũng vì mồ hôi.

Có ở trong tâm dịch mới thấu hiểu được những khó khăn và sự dũng cảm, ý chí của các nhân viên y tế. Họ làm việc quên ăn, quên ngủ với tinh thần và thái độ trách nhiệm cao nhất. Ngày thường, họ có thể khác nhau về công tác chuyên môn. Nhưng khi chung một chiến tuyến cùng chống dịch, họ gọi nhau là đồng chí.

VŨ NINH

Tin mới