Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện về phi hành gia Sergei Krikale - Công dân Liên Xô cuối cùng

Sergei Krikalev ở trên Trạm vũ trụ Hòa Bình (Mir) khi Liên Xô sụp đổ và ông “mắc kẹt” ở đó trong khoảng thời gian lâu gấp đôi so với dự kiến.

Vào những ngày cuối năm 1991, khi những chiếc xe tăng lăn bánh qua Quảng trường Đỏ ở Moscow, khi Mikhail Gorbachev và Liên Xô đang trải qua những biến động chính trị và lịch sử to lớn chưa từng có, thì nhà du hành Sergei Krikalev ở trên vũ trụ. Cách Trái Đất 350km, Mir - Trạm vũ trụ Hòa bình, là ngôi nhà tạm thời của Krikalev.

Sergei Krikalev được đặt biệt danh là “công dân cuối cùng của Liên Xô”. Khi Liên Xô tan rã thành 15 nước vào cuối năm 1991, Krikalev được thông báo rằng, ông không thể trở về vì đất nước hứa hẹn đưa ông về đã không còn tồn tại nữa.

 Nhà du hành vũ trụ Sergei Krikalev. (Ảnh: Sputnik)

Mọi chuyện đã xảy ra như thế nào?

Trở lại thời điểm 4 tháng trước đó, Krikalev, một kỹ sư 33 tuổi, khởi hành chuyến đi lên trạm vũ trụ Mir từ sân bay vũ trụ Baikonur của Liên Xô. Ngày nay Baikonur nằm trong lãnh thổ Kazakhstan. Nhiệm vụ của Krikalev dự kiến kéo dài 5 tháng, và quá trình huấn luyện của ông không chuẩn bị cho việc ở trên vũ trụ lâu hơn thế.

Sau đó, mọi chuyện thay đổi. “Đối với chúng tôi, điều này diễn ra hoàn toàn bất ngờ”, Krikalev nhớ lại. “Chúng tôi không hiểu điều gì đã xảy ra. Khi thảo luận về điều đó, chúng tôi cố hiểu nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới ngành công nghiệp vũ trụ”.

Và thực sự việc Liên Xô tan rã đã tác động tới ngành công nghiệp vũ trụ. Krikalev được thông báo rằng, không có tiền để đưa ông về. Một tháng sau, ông vẫn nhận được câu câu trả lời tương tự, họ đề nghị ông ở trên vũ trụ lâu hơn chút nữa. Một tháng nữa lại trôi qua và câu trả lời tương tự vẫn lặp lại.

“Họ nói điều đó thực sự khó khăn cho tôi – không tốt cho sức khỏe của tôi. Nhưng giờ đây đất nước đang gặp khó khăn, cơ hội tiết kiệm tiền bạc cần phải là ưu tiên hàng đầu”, Tạp chí Magazine dẫn lời Krikalev nói.

“Trò chơi” chờ đợi

Thực tế, Krikalev có thể rời khỏi trạm vũ trụ. Có một tàu Raduga trên trạm vũ trụ Mir, được thiết kế đặc biệt cho chuyến trở về Trái Đất. Nhưng làm như vậy đồng nghĩa với dấu chấm hết cho trạm vũ trụ Mir, vì sẽ không còn ai trông coi, bảo trì nó.

“Tôi tự hỏi liệu mình có đủ sức sống sót để hoàn thành chương trình hay không. Tôi không chắc về điều đó”, ông nói. Teo cơ, phóng xạ, nguy cơ ung thư, hệ miễn dich bắt đầu yếu đi cùng mỗi ngày trôi qua, đó chỉ là vài hậu quả có thể xảy ra khi nhiệm vụ trên không gian bị kéo dài.

Sergei Krikalev làm việc trên trạm vũ trụ. (Ảnh tư liệu: TASS)

Trong trường hợp của Krikalev, nhiệm vụ kéo dài gấp đôi so với dự kiến ban đầu. Ông có 311 ngày, tức 10 tháng, ở trên vũ trụ, và cũng không hề nghĩ mình sẽ làm nên kỷ lục thế giới. Qua thời gian này, 4 nhiệm vụ không gian bị cắt xuống còn 2 và không có nhiệm vụ nào cử được một kỹ sư lên thay thế ông.

Nước Nga, ở thời điểm đó, có vấn đề lớn về tiền bạc do siêu lạm phát, phải bán các suất lên trạm vũ trụ trên tàu con thoi Soyuz cho các nước khác. Ví dụ, Áo mua một suất với giá 7 triệu USD, trong khi Nhật Bản chi 12 triệu USD để đưa một phóng viên truyền hình lên trạm vũ trụ. Thậm chí có những cuộc thảo luận về việc bán lại Mir.

Tất cả những điều này có nghĩa là các thành viên phi hành đoàn khác đều trở về Trái Đất, thì Krikalev lại không thể. Mắc kẹt trên vũ trụ, ở xa nhà, Krikalev đề nghị họ mang cho ông một chút mật ngọt để làm hưng phấn tinh thần. Nhưng thay vào đó họ gửi cho ông toàn những thứ cay đắng.

Trở về

Krikalev cuối cùng cũng được trở về Trái Đất vào ngày 25/3/1992, sau khi Đức trả 24 triệu USD để đưa một kỹ sư của mình, Klaus-Dietrich Flade lên trạm vũ trụ.

Lúc hạ cánh, một người đàn ông với 4 chữ cái USSR (Liên Xô) và lá cờ đỏ của Liên Xô trên bộ đồ phi hành gia bước ra từ tàu Soyuz. Một bài báo mô tả sự xuất hiện của ông “như một tảng bột nhào”. Sau đó, cả thế giới biết đến “nạn nhân của vũ trụ”.

4 người dìu Krikalev, giúp ông đặt chân xuống mặt đất. Một trong số họ đã khoác chiếc áo lông lên người ông, trong khi những người khác mang cho ông một một bát nước nước xuýt.

Khi Krikalev “đi vắng”, vùng ngoại ô Arkalykh, thành phố nơi ông hạ cánh, đã không còn là một phần của Liên Xô mà thay vào đó trở thành một phần của cộng hòa Kazakhstan độc lập. Thành phố nơi ông từng sống không còn được gọi là Leningrad, mà đã trở thành St. Petersburg.

Krikalev tham gia một nhiệm vụ của NASA. (Ảnh: Global Look Press)

Khi ở trên vũ trụ ông đã quay xung quanh Trái Đất 5.000 lần và lãnh thổ đất nước của ông giảm tới hơn 5 triệu km vuông. Khoản tiền lương 600 ruble mỗi tháng, ở thời điểm ông bắt đầu nhiệm vụ không gian của mình được coi là một khoản lương tốt đối với một nhà khoa học, bị mất giá. Thời điểm ông trở về, một tài xế xe buýt cũng kiếm được gấp đôi số tiền đó.

Trong một cuộc họp báo vài ngày sau khi trở về Trái Đất, Krikalev nói “Tôi sống trên lãnh thổ nước Nga khi các nước cộng hòa khác còn nằm trong Liên bang Xô viết. Giờ đây tôi phải trở về Nga, một phần trong Cộng đồng các quốc gia Độc lập”.

Krikalev được tôn vinh là Anh hùng của nước Nga và 2 năm sau đó, ông lại lên đường thực hiện một nhiệm vụ khác trên vũ trụ. Lần này, ông trở thành nhà du hành người Nga đầu tiên bay trên tàu con thoi của NASA.

Hai năm sau đó nữa, ông là người đầu tiên lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Hoàng Phạm/VOV.VN

Tin mới