“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà” - lời dẫn quen thuộc và trở thành ký ức khó quên đối với hầu hết người dân khi nghe chương trình phát thanh tiếng Việt lần đầu tiên năm 1945.
Lời xướng huyền thoại của bản tin đặc biệt đầu tiên được truyền đi từ Trạm vô tuyến điện báo ở địa chỉ 128C phố Đại La (Hà Nội), được thể hiện với giọng đọc của nữ phát thanh viên Dương Thị Ngân. Đây chính là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945, sau khi kế hoạch phát sóng ngày 2/9/1945 không thành công.
Tình cờ bén duyên với nghề phát thanh
Bà Dương Thị Ngân và ông Nguyễn Văn Nhất là hai phát thanh viên đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ trên sóng vô tuyến truyền ra cả nước và thế giới năm 1945.
Phóng viên VTC News có dịp đến thăm ngôi biệt thự cổ số 128C phố Đại La, đây là nơi bà Ngân từng sinh sống và làm việc. Tại đây, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về cuộc đời người con gái Hà thành tài sắc vẹn toàn.
Bà Dương Thị Ngân tên thường gọi là Thanh, bút danh là Thanh Ngân. Bà được xem là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền móng cho sự nghiệp phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam. Tên tuổi của bà Ngân gắn bó sâu đậm với những khoảnh khắc lịch sử của đất nước.
Theo lời kể của người thân bà Dương Thị Ngân, bà sinh năm 1923 tại Hà Nội, là người con thứ 2 của nhà giáo nổi tiếng Dương Quảng Hàm. Bà là nữ sinh trường Bưởi nổi tiếng của đất Hà thành.
Trong bản tự truyện, bà Ngân viết về tuổi thơ của mình thật đẹp: “Tất cả anh chị em tôi đều đi học trường công. Đi xe nhà hoặc đi xe đạp… Các anh chị em tôi đều có vú nuôi, ăn uống đầy đủ. Nhà có phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt”.
“Hàng năm, dịp nghỉ hè nào cả nhà cũng được ra bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng nghỉ mát, trừ mẹ tôi phải ở nhà buôn bán cùng hai em họ. Tám anh chị em chúng tôi chỉ việc ăn học, không bao giờ phải làm việc nhà".
Cuộc sống của bà cứ thế trôi qua êm đềm cho đến khi Cách mạng tháng 8/1945 nổ ra.
Sau khi Cách mạng thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, bà Dương Thị Ngân được Sở Dây thép mời về làm việc, phụ trách việc tiếp nhận cuộc gọi và trả lời điện thoại. Công việc đơn giản nhưng nữ sinh tuổi đôi mươi phấn khởi lạ thường.
Nhờ sở hữu giọng đọc trong trẻo, mạch lạc, đậm chất Hà Nội, bà Ngân được lãnh đạo Bộ Thông tin Tuyên truyền chọn là người đọc các bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bản thân bà Ngân cũng không ngờ rằng mình lại trở thành phát thanh viên.
Được nhận nhiệm vụ mới do chính phủ Cách mạng giao cho, nữ sinh trường Bưởi vô cùng vui mừng, háo hức. Trong tự truyện (năm 1953), bà Ngân viết: “Tôi tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến trên cảm hứng cá nhân, với động cơ tìm cái mới, cái lạ, khác với khung cảnh cũ của gia đình”.
“Trong lúc xã hội Việt Nam chuyển biến, tư tưởng tiểu tư sản chống lại đời sống phong kiến kiểu cũ, muốn thoát ly gia đình đi tìm cái mới lạ. Cách mạng tới, đó là một sự kiện mới nên tôi tham gia ngay”.
Người đầu tiên đọc bản Tuyên ngôn độc lập
Cuốn sách “Ký ức Người và Nghề” của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại thời khắc đọc bản tin lịch sử của nữ phát thanh viên Dương Thị Ngân. (Ảnh: Minh Tuấn)
Cuốn “Ký ức Người và Nghề” của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi lại thời khắc và cảm xúc thiêng liêng của nữ phát thanh viên Dương Thị Ngân, khi thực hiện nhiệm vụ đọc bản tin đặc biệt.
Theo đó, những ngày đầu tham gia cách mạng, đối với cô gái Hà Nội 22 tuổi, mọi thứ đều mới lạ, với nhiều trải nghiệm đặc biệt. Và thời khắc được ngồi trong phòng thu của Đài phát thanh quốc gia và lần đầu tiên xướng câu nói lịch sử: “Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” trở thành kỷ niệm không bao giờ quên của bà Ngân và gia đình.
Theo Nhà báo Trần Đức Nuôi - nguyên Trưởng Ban thư ký biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam, biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) chính là nơi phát thanh viên Dương Thị Ngân đọc bản tin đặc biệt về bản Tuyên ngôn Độc lập ra cả nước và thế giới.
“11h30 ngày 7/9/1945, tại phòng thu Đài Tiếng nói Việt Nam đặt ở số 4 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội phát đi chương trình đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia, mà nội dung chủ đạo là do 2 phát thanh viên Dương Thị Ngân, Nguyễn Văn Nhất thay nhau đĩnh đạc đọc toàn văn bản Tuyên ngôn độc lập, được truyền theo đường dây cáp về Đài Bạch Mai (số 128C, Đại La) phát lên không trung, lan tỏa mọi miền đất nước, vượt qua biên giới “không cần hộ chiếu” đến với nhân dân thế giới”, nhà báo Trần Đức Nuôi cho biết.
Giây phút lịch sử đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với cá nhân bà Dương Thị Ngân và Đài tiếng nói Việt Nam, mà trở thành một phần trong ký ức của đông đảo người dân Việt Nam. Và chắc chắn rằng, bản tin đặc biệt này là một phần quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam vì đã mang lời Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi khắp đất nước và vươn ra khắp bốn bể năm châu.
Trạm vô tuyến điện của Đài Tiếng nói Việt Nam với hình ảnh 4 cột sóng lớn trên tem bưu chính Đông Dương. (Ảnh tư liệu do Nhà văn - KTS Trương Quý cung cấp)
Địa chỉ đỏ tại ngôi biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) từng là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912. Sau cách mạng Tháng Tám, đây là Trạm vô tuyến điện của Đài Tiếng nói Việt Nam, nơi ghi dấu ấn lịch sử thiêng liêng của nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ.
Và cũng tại địa chỉ này, 20h ngày 19/12/1946, phát thanh viên Dương Thị Ngân đọc bản tin lịch sử, đánh dấu thời khắc toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này, trong hồi ký của mình, bà Ngân nhớ lại: “Sáng 19/12/1946, trời Hà Nội lạnh lắm, nhưng đường phố nóng ran không khí chiến tranh. Tôi được lệnh di chuyển địa điểm tù phố Trần Hưng Đạo xuống Đài phát thanh Bạch Mai ở 128C Đại La. Đoạn đường hơn 4 cây số mà tôi phải đạp xe hàng tiếng đồng hồ, vì nơi nào cũng rào chắn, nơi đâu cũng thấy quân Pháp”.
“Chiều tối hôm ấy nhận được mật lệnh là khi đạo bác nổ, điện thành phố tắt thì đọc lệnh kháng chiến. Sau đó phải rút nhanh ra cổng đi ngay, trước khi Đài phát sóng bị tiêu hủy. Ngồi trên ghế mà tôi tưởng như ngồi trên bếp lửa”.
Gần 20h, Hà Nội vẫn yên lặng và trầm mặc. Bỗng nhiên, tiếng đại bác từ Pháo đài Láng nổ, điện thành phố phụt tắt, căn phòng chỉ còn lại điện máy nổ, rồi bà Ngân cất tiếng đọc to: “Đồng bào chú ý! Tiếng đại bác đã nổ. Cuộc kháng chiến bắt đầu. Mời đồng bào và chiến sỹ cả nước nghe mệnh lệnh chiến đấu.
Sau đây là mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng: Tổ quốc lâm nguy! Giờ chiến đấu đã đến! Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước”.
Ngay sau khi đọc xong bản tin thông báo mệnh lệnh kháng chiến, bà Ngân rút nhanh ra khỏi khu vực điện đài Bạch Mai, chuyển về khu vực ngoại thành hơn 30 km. Ở đó, bà Ngân và các đồng nghiệp hàng ngày vẫn đưa tin phát thanh về cuộc kháng chiến, để củng cố lòng tin của đồng bào, chiến sĩ Thủ đô đang “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trên chiến trận.
Hai lần được gặp Bác Hồ
Bà Dương Thị Ngân là một trong những người đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam được gặp Bác Hồ, nhân dịp Bác đến Đài nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ cả nước về Hiệp định sơ bộ (ngày 6/3/1946).
Trong cuốn “Ký ức Người và Nghề” của Đài Tiếng nói Việt Nam có đoạn viết: “Trưa hôm ấy, chương trình thường lệ đang phát sóng thì Bác đến. Ông Trần Lâm, phụ trách Đài viết mấy chữ thông báo. Ông Nguyễn Văn Nhất đọc xong trang tin liền đứng dậy, nhường chỗ cho Bác”.
Biệt thự 128C Đại La là nơi nữ phát thanh viên đầu tiên Việt Nam Dương Thị Ngân đọc bản tin lịch sử về Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ năm 1946. (Ảnh: VOV)
Lần đầu tiên được gặp và ngồi cạnh Bác tại phòng phát sóng, bà Ngân hồi hộp, xúc động giới thiệu: “Bây giờ mời đồng bào lắng nghe Hồ Chủ tịch nói chuyện”.
Lần tiếp theo nữ phát thanh viên được gặp Bác Hồ lâu hơn, đó là dịp giao thừa Đinh Hợi (1947) tại Chùa Trầm. Trong hồi ký, bà Dương Thị Ngân kể lại: “Đêm 30 Tết Đinh Hợi, Tết kháng chiến đầu tiên, chúng tôi ở Chùa Trầm, nơi sơ tán thứ nhất. Giao thừa, mọi người đang quây quần bên bếp lửa, bỗng nghe tiếng reo “Bác đến!”, “Hồ Chủ tịch đến!”. Chúng tôi chạy ùa ra đón Bác.
Bác đến để ghi âm lời chúc Tết đồng bào cả nước, sẽ phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam sáng mùng một Tết. Sau khi làm việc, Bác dành cho anh chị em chúng tôi ít thời gian quý báu. Chúng tôi vây quanh Bác, quá sung sướng vì Tết đầu tiên xa nhà, lại được gặp Bác, được nghe giọng nói ấm áp của Bác nhắc nhở, động viên”.
Trong suốt thời gian kháng chiến sau đó, bà Dương Thị Ngân không khi nào quên lời Bác dặn, luôn luôn lao động và cống hiến nhiều hơn nữa cho cơ quan và quê hương, đất nước.
Giờ đây, những nhân chứng lịch sử như ông Trần Lâm, ông Nguyễn Văn Nhất và bà Dương Thị Ngân đã về với tổ tiên, nhưng công tích còn đó, in dấu trên từng góc nhỏ trong căn phòng ngôi biệt thự rêu phong, họ để lại dấu ấn không thể phai mờ tại khu Điện đài Bạch Mai hơn 107 tuổi.
Tạm dừng hạ giải căn biệt thự trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập
Ngày 17/12/2019, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ ký công văn gửi UBND TP Hà Nội kiến nghị TP xem xét bảo tồn ngôi biệt thự số 128C Đại La - Khu Điện đài Bạch Mai hơn 107 tuổi, sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh việc căn biệt thự này sẽ bị tháo dỡ để thực hiện dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở. Công văn này cũng được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để báo cáo.
Trước đó, ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết, những dịp kỷ niệm 50 năm (năm 1999) và 60 năm (năm 2009) thành lập Đài Tiếng nói Việt Nam, lãnh đạo Đài có gửi văn bản đề nghị lên UBND TP.Hà Nội có biện pháp bảo tồn các di tích lịch sử của đài, trong đó có Trạm phát sóng Bạch Mai, nhưng việc này chưa nhận được sự quan tâm của thành phố.
Ngày 23/12, UBND TP Hà Nội thông báo ngừng việc hạ giải, phá bỏ căn biệt thự số 128C Đại La – trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập ngày 7/9/1945. UBND TP Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tổ chức một hoặc một số cuộc làm việc để bàn và tìm phương án tốt nhất, hợp lý nhất cho ngôi nhà.
Theo các nhà nghiên cứu, Trạm vô tuyên điện báo này chính là biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.
Đây không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20, Trạm vô tuyến điện báo này còn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ non trẻ.