Vượt qua vô vàn gian nan của những năm tháng mưa bom bão đạn, chuyện tình 63 năm của ông Nguyễn Minh Kỳ (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Bởi (81 tuổi), sống ở huyện Củ Chi, TP.HCM gây xúc động mạnh cho khán giả chương trình Tình trăm năm.
2 lần vượt cạn một mình, nuôi con dưới hầm
"Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên khi công tác chung cùng ấp, cùng xã. Tôi là du kích địa phương, làm công việc in truyền đơn viết biểu ngữ ở đường, còn bà Bởi công tác ở Hội Phụ nữ. Hai người đều tham gia phong trào Đồng Khởi thời điểm đó", ông Kỳ kể.
Cụ ông 86 tuổi cho biết hồi đó ông phải lòng bà Bởi vì thấy đó là người con gái hiền từ, thật thà, nói năng đâu ra đó. Bà Bởi cũng cảm mến ông. Tuy nhiên, họ chỉ lén yêu nhau chứ không dám công khai vì sợ xóm làng dị nghị.
Ông Nguyễn Minh Kỳ và bà Nguyễn Thị Bởi xuất hiện trong chương trình. (Ảnh chụp màn hình)
Sau một năm tìm hiểu, chàng trai Nguyễn Minh Kỳ lấy hết can đảm cầu hôn bạn gái, nhưng cô gái Nguyễn Thị Bởi chỉ im lặng không dám trả lời vì dù cảm mến, thời điểm đó bà nhận thấy hai bên chưa thực sự phù hợp. Phải sau một thời gian cùng nhau đi đào hầm, rải truyền đơn, được bố mẹ bạn trai quan tâm, bà Bởi mới dám nhận lời cầu hôn.
Vì là thời chiến, hai người không làm đám cưới hay đám hỏi, chỉ hai gia đình ra mắt nhau. Nhà cũng không có phòng riêng nên vào đêm tân hôn, giường cưới chỉ được kéo tấm rèm.
Sau đó, vào năm 1962, hai vợ chồng nhập ngũ lên chiến khu. Bà Bởi làm quân y, còn ông Kỳ được phân công đi công tác ở đơn vị khác. Năm 1964, bà một mình sinh hạ con trai đầu lòng trong chiến khu.
"Hai vợ chồng cũng tính toán rằng chiến tranh không biết kéo dài đến khi nào, không biết ai còn ai mất nên muốn sinh con để con được hưởng nền hòa bình của đất nước sau này. Thời kỳ chúng tôi nuôi con trai đầu lòng cũng khó khăn, chỉ ăn ngô ăn khoai chứ không có gạo", bà Bởi tâm sự.
Ở xa, biết vợ vô cùng vất vả vì vừa chăm con, vừa làm việc, vừa đào hầm chiến đấu, ông Kỳ khóc vì nhớ thương hàng đêm, nhưng cũng cố nén, chỉ dám khóc lén, khóc thầm vì sợ đồng đội đánh giá.
Có lần, bom B52 thả xuống chôn vùi hai mẹ con bà Bởi dưới hầm, may mắn không bị thương tích gì. Bà Bởi nhờ có kinh nghiệm hô hấp nhân tạo nên mới cứu sống được con.
Trong một lần chồng ghé về thăm, bà mang bầu người con thứ hai, nhưng phải 2 tháng sau, đi khám mới biết. Vậy là người phụ nữ đang nuôi con mọn này lại một lần nữa vượt cạn mà không có chồng bên cạnh.
Câu chuyện họ kể về những gian nan thời ấy khiến MC Quyền Linh phải tặc lưỡi nhiều lần, nhất là cảnh bà Bởi bị gãy chân phải chống nạng, một bên dắt con lớn, trên lưng đèo con nhỏ và đồ đạc, tới điểm đến nào thì con ở dưới hầm, mẹ đi làm việc.
Tìm vợ con trong bom đạn
Năm 1970, bà Nguyễn Thị Bởi bất ngờ nhận được giấy báo tử của chồng. Bà suy sụp, nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn không tin chồng mình đã hy sinh trên chiến trường, vẫn nghĩ chồng vẫn còn sống. Dù đau đớn khôn cùng, vì hai con còn nhỏ, bà vẫn phải mạnh mẽ sống, làm việc và chiến đấu.
Chiến tranh loạn lạc khiến ông Minh Kỳ không thể tìm nổi vợ con. Nhớ lại thời kỳ này, ông khóc: "Tôi đi tìm vợ không biết bao nhiêu lần, trải qua bao mưa bom bão đạn, đi ngày đi đêm, phải đi rừng chứ không dám đi đường mòn. Một lần khác tôi đi qua sông Mê Kông nhưng vẫn không tìm thấy vợ. Lần thứ ba đi tìm vợ, tôi tới được được đúng đơn vị vợ công tác, nhưng cũng không thấy vợ con ở đó".
Hai ông bà thời trẻ. (Ảnh chụp màn hình)
Cả gia đình chụp ảnh lưu niệm trước khi lạc nhau. (Ảnh chụp màn hình)
Một lần, được thủ trưởng cho biết manh mối về vợ con, ông Kỳ đạp xe tìm đến nơi đơn vị của bà Bởi đang đóng quân. Khi mới tới cửa đơn vị, ông gặp một đứa trẻ. Đứa trẻ hỏi: "Chú đi tìm ai?". "Chú đi tìm vợ chú" - ông đáp.
Họ nói chuyện một hồi, ông không hề biết đứa trẻ đó chính là cậu con trai thứ hai của mình. Sau đó, ông Kỳ hỏi được bảo vệ và gặp được vợ.
Người vợ kể lại giấy phút hội ngộ: "Hai vợ chồng chỉ nhìn nhau 30 phút, không nói nên lời, cũng không ôm nhau, nước mắt cũng không rơi được, bởi đó là tận cùng của những cảm xúc. Tôi không tin vào mắt mình khi gặp lại chồng".
Lúc này, cả nhà vẫn chưa thể đoàn tụ vì cậu con trai lớn đang được gửi đi học ở trường Thiếu sinh quân. Ông Kỳ tiếp tục đạp xe đến trường để gặp con. Ngay lần đầu gặp lại, con trai đã nhận ra bố nhờ đặc điểm vết bớt trên mặt. Năm 1973, cả gia đình mới thực sự sum họp.
Hai ông bà là cựu chiến binh. (Ảnh chụp màn hình)
Họ cùng nhau trải qua bao khó khăn trong chiến tranh và cùng hưởng hạnh phúc của những năm tháng hòa bình, thống nhất. (Ảnh chụp màn hình)
Ông bà chụp lại bộ ảnh cưới theo phong cách hiện đại. (Ảnh chụp màn hình)
"Có câu 'Thương em mấy núi cũng lội mấy đèo cũng qua' nhưng tôi đã phải vượt qua bao sông núi hiểm nguy, biết bao nhiêu bom đạn mới tìm vợ, tìm con mỗi người một nơi, rồi đoàn tụ được với nhau là quá hạnh phúc", ông Kỳ tâm sự.
Cuộc sống khi hòa bình lập lại cũng rất khó khăn. Bà phải đi nhặt củ cải để nuôi heo, còn ông thì trồng lan, trồng rau muống. Họ sinh con trai thứ ba, một thời gian sau có thêm con gái út. Dù vất vả, cuộc sống của ông bà luôn ấm êm, vợ chồng không bao giờ động chân tay hay nói nặng lời với nhau, có giận thì hôm sau cũng bỏ qua.
Mới đây, để kỷ niệm mối tình trọn đời của mình, hai ông bà cùng nhau chụp bộ ảnh cưới theo phong cách hiện đại. Vẻ đẹp của sự tin cậy và bình yên trên gương mặt hai vợ chồng già khiến ai nấy đều xúc động và ngưỡng mộ. Khán giả bình luận, với những gì hai người từng trải qua cùng nhau trong những năm bom đạn nguy hiểm, khó khăn nhất, không còn điều gì có thể chia cắt hay làm phai nhạt tình yêu của họ.