Liên quan đến vụ việc chuyển nhượng 43ha đất tại Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương), các chuyên gia pháp lý và doanh nghiệp liên quan đã lên tiếng bày tỏ quan điểm của mình.
Cần nhận thức đúng về “đất công”
Theo Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Công ty Tân Phú được thành lập bởi hai pháp nhân là Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (nay là TCT Bình Dương) và Công ty cổ phần bất động sản Âu Lạc (sau đây gọi tắt là Công ty Âu Lạc).
Theo đó, Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương nắm giữ 30% vốn điều lệ và Công ty Âu Lạc nắm giữ 70% vốn điều lệ. Công ty TNHH Đầu tư – Xâydựng Tân Phú đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và được Cục thuế tỉnh Bình Dương cấp mã số thuế.
Các thành viên công ty đã hoàn thành việc góp vốn và tổ chức nhân sự phù hợp để vận hành doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành. Trước khi thành lập Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú, do một thành viên là TCT Bình Dương là doanh nghiệp nhà nước thuộc Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương nên Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương đã xin ý kiến bằng văn bản và được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương chấp nhận.
Hội đồng thành viên TCT Bình Dương đã có Quyết định về việc tham gia góp vốn cùng Công ty Âu Lạc để thành lập Công ty Tân Phú, Quyết định cử người đại diện phần vốn góp tại pháp nhân mới là Công ty Tân Phú.
Như vậy, Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú là pháp nhân được thành lập, hoạt động đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động, TCT Bình Dương đã có văn bản xin ý kiến ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình cho thành viên trong công ty là Công ty Âu Lạc. Tỉnh ủy Tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương, cho phép TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% phần vốn góp của mình, tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc và yêu cầu “phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng và chịu trách nhiệm việc ký kết hợp đồng, thu tiền đúng quy định” là phù hợp pháp luật.
Khi Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý cho Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương chuyển nhượng vốn đã tuân theo quy định tại Điều 31 của Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước năm 2014.
Công ty Kim Oanh TP. HCM khẳng định, việc mang giá đất ở ra nhân lên rồi cho rằng công ty này sẽ thu lợi lớn từ khu đất 43 ha ở Bình Dương là phi lý.
Theo đó, khi chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải áp dụng nguyên tắc: Tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan; Phản ánh đầy đủ giá trị thực tế doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch.
Việc chuyển nhượng vốn cũng phù hợp quy định của Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Do vậy, về quy trình việc chuyển nhượng 30% phần vốn góp đã thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định pháp luật và yêu cầu Tỉnh ủy Bình Dương tại văn bản chấp thuận chủ trương cho chuyển nhượng vốn.
Sau khi việc chuyển nhượng vốn hoàn tất, Công ty Âu Lạc đã thực hiện việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương. Như vậy, chủ sở hữu Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú sau khi chuyển nhượng là Công ty Âu Lạc với tỷ lệ 100%. Ngày 19/9/2017, Công ty xây dựng A Đông Hải (Sau đổi tên thành Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM) nhận được đề nghị của Đại diện hợp pháp Công ty Âu Lạc, hai bên đã ký Hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc cho Công ty xây dựng A Đông Hải.
Sau khi ký Hợp đồng nguyên tắc, hai bên đã tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng vốn vào ngày 2/10/2017, theo đó, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng cho Công ty xây dựng A Đông Hải 50% vốn điều lệ theo giá thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng được công chứng phù hợp pháp luật về hình thức và nội dung, các bên đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
Ngày 6/2/2018, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu của mình cho Công ty xây dựng A Đông Hải, Hợp đồng chuyển nhượng được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, các bên tham gia ký kết đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Như vậy, tính từ thời điểm ngày 7/2/2018, Công ty xây dựng A Đông Hải đã sở hữu 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Đầu tư – Xây dựng Tân Phú. Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú kế thừa các quyền và nghĩa vụ liên quan đến Dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú tại tỉnh Bình Dương.
Về nguồn gốc đất của dự án và chủ sử dụng đất, Luật sư Thiệp cho rằng, ngay từ khi thành lập Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú thì Thành viên là TCT Bình Dương chỉ là thành viên góp vốn với tỷ lệ 30%.
Theo Điều 3 Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 cũng như Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú không phải là doanh nghiệp nhà nước. Toàn bộ quyền sử dụng đất tại Dự án Khu đô thị dịch vụ thương mại Tân Phú là tài sản, quyền tài sản của Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựngTân Phú… Vậy nên, quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt và các quyền khác của chủ tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật Dân sự và pháp luật về Doanh nghiệp với các thủ tục phù hợp pháp luật.
“Như vậy, việc nhận thức quyền sử dụng 43 ha đất là địa điểm thực hiện dựán là tài sản công là sai lầm nghiêm trọng về nhận thức dẫn đến những suy đoán không có căn cứ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú và chủ sở hữu của Công ty này”, Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định.
Công ty Kim Oanh TP. HCM nói gì?
Mặc dù không tham gia vào việc chuyển nhượng trước đây với TCT Bình Dương nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh TP.HCM) được nhắc đến như một “bên liên quan” đến khu đất này.
Trao đổi với báo chí, bà Đặng Thị Kim Oanh – Tổng giám đốc Công ty Kim Oanh TP.HCM cho biết, tiền thân của Công ty Kim Oanh TP.HCM là Công ty A Đông Hải - pháp nhân có chức năng kinh doanh bất động sản. Ngày 2/10/2017, Công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho A Đông Hải. Lúc này thì công ty Tân Phú trở thành công ty TNHH hai thành viên.
Đến ngày 6/2/2018, công ty Âu Lạc chuyển nhượng 1/2 vốn góp còn lại, chiếm 50% vốn điều lệ tại công ty Tân Phú cho Công ty Kim Oanh (lúc này Công ty A Đông Hải đã đổi tên thành Công ty Kim Oanh TP.HCM). Quá trình chuyểnnhượng 100% vốn của Công ty Âu Lạc tại Công ty Tân Phú cho Kim Oanh đều thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Hiện tại Công ty Kim Oanh đang là chủ sở hữu 100% vốn góp tại Công ty Tân Phú.
Khu đất thực hiện dự án Khu đô thị Tân Phú (phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương).
“Khi mua, tôi hỏi thì dự án này có sổ, có 1/500, đất sản xuất kinh doanh, thấy điều kiện phù hợp quy hoạch, đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan chức năng Bình Dương phê duyệt... Quá trình chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp đều dựa trên Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật thì chúng tôi mới mua.
Cụ thể, đầu tháng 10/2017 tôi bắt đầu mua phần vốn góp của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú. Quá trình này, chúng tôi không hề biết TCT Bình Dương liên quan gì mà chỉ biết công ty Âu Lạc. Bởi vì lúc này công ty Âu Lạc là đơn vị đang sở hữu 100% phần vốn tại công ty Tân Phú, chứ đâu có liên quan gì đến TCT Bình Dương”, bà Oanh cho biết.
Trước thông tin cho rằng, sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty Âu Lạc tại công ty Tân Phú thì Kim Oanh TP.HCM đã hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Bà Đặng Thị Kim Oanh lên tiếng bác bỏ: “Trường hợp chúng tôi được duyệt 40% đất thổ cư (tương đương gần 16ha) trong tổng số 43ha thì chủ đầu tư còn phải bỏ một phần diện tích ra làm nhà ở xã hội. Để chuyển đổi lên đất thổ cư thì doanh nghiệp phải đóng thuế, đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng vài ngàn tỷ đồng nữa.
Nếu hoàn tất những khâu này thì đất khu 43ha mới đủ yếu tố áp dụng khung giá đất năm 2015 của Bình Dương ban hành. Thực tế hiện nay, khu đất 43 ha vẫn là đất kinh doanh dịch vụ, chưa được chuyển mục đích thành đất ở, nên việc mang giá đất ở ra nhân lên rồi cho rằng Kim Oanh sẽ thu được lợi lớn là hoàn toàn phi lý”.
Theo bà Oanh, thời điểm Kim Oanh mua dự án, thị trường bất động sản Bình Dương đang chạm đáy, giá đất rất thấp nhưng ít giao dịch mua bán, hạ tầng cơ sở, giao thông còn hết sức khó khăn, nhiều người nói rằng “thành phố mới Bình Dương vắng như thành phố ma” và không thấy đâu cơ hội phát triển…
"Chúng tôi đầu tư vào khu đất 43ha này cũng đã mất đi cơ hội đầu tư các dự án khác tốt hơn, thậm chí mua rồi còn phải mất nhiều chi phí để chuyển đổi từ đất dịch vụ lên đất thổ cư… Kim Oanh quyết định đầu tư trong tình thế chấp nhận mất mát nhiều cơ hội khác, đó thực sự là một canh bạc với rất nhiều khoản vay ngân hàng với lãi suất phải trả hàng tháng rất lớn.
Đến nay, dự án hoàn toàn chưa mang lại bất kỳ nguồn lợi nào cho doanh nghiệp, trong khi mỗi ngày chờ hoàn tất thủ tục pháp lý, chúng tôi đang mỗi ngày mất thêm rất nhiều tiền bạc”, đại diện Công ty Kim Oanh TP.HCM nói.
Video: Bất động sản nghỉ dưỡng: Món hời kèm nhiều rủi ro?
Trước những thông tin về việc thu hồi khu đất 43ha, đại diện Công ty Kim Oanh TP.HCM cho biết: “Quá trình chuyển nhượng vốn đã được cơ quan chức năng Bình Dương đăng ký công nhận và hoàn tất pháp lý. Chúng tôi là doanh nghiệp, là bên mua vốn góp, chúng tôi thực hiện các quy định hợp pháp thì pháp luật phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp, không có chuyện nếu có những sai phạm từ lịch sử để lại (nếu có) lại bắt doanh nghiệp hiện thời phải chịu trách nhiệm?
Chúng tôi mong sớm có kết luận thanh tra chính thức để tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, tránh những tin đồn và ý kiến không chính thức được đưa ra như thời gian vừa qua”.