Gặp những huyền thoại sống
Tôi đến vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị) để tìm kiếm những người cảm tử quân tham gia chi viện bảo vệ đảo Cồn Cỏ năm xưa. Tuy nhiên, các nhân chứng chỉ còn rất ít. Nhiều người đã mãi mãi ra đi vì tuổi cao, bệnh tật. Một số người còn sống thì trí óc không được minh mẫn do tuổi già.
May mắn, nhờ sự giới thiệu của ông Lê Thanh Cường - Bí thư Đảng uỷ Thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), tôi gặp được 2 nhân chứng sống từng tham gia những đoàn thuyền cảm tử, vượt “con đường máu” chi viện cho vọng gác tiền tiêu Cồn Cỏ. Đó là ông Lê Cường và bà Võ Thị Lý, cùng trú thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh).
Ông Lê Cường là một trong số những người đầu tiên tham gia đoàn cảm tử quân tiếp tế lương thực, vũ khí ra đảo Cồn Cỏ.
Ông Cường tuổi tác đã cao, đi lại khó khăn, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về đoàn thuyền cảm tử năm xưa, mắt ông bỗng vụt sáng.
Ông không nhớ rõ ngày tham gia chuyến tiếp tế đầu tiên ra đảo Cồn Cỏ mà chỉ nhớ khoảng thời gian đó là tháng 5/1965. Khi ấy, ông Cường chưa lập gia đình và đang là dân quân tự vệ ở huyện Vĩnh Linh. Khi nhận lệnh từ cấp trên, ông Cường đăng ký tham gia đội cảm tử quân, dù biết “đi dễ khó về”.
Ông Cường cho biết, đoàn tiếp tế khi ấy sử dụng loại thuyền gỗ chở được hơn 1 tấn hàng. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật, họ chỉ được chèo thuyền bằng tay chứ không được sử dụng máy.
Đoàn tập hợp được khoảng hơn 10 thuyền và xuất phát từ 18 - 19h. Thời gian tới đảo nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào việc có bị giặc Mỹ phát hiện hay không nhưng trung bình rơi vào khoảng 6 tiếng.
Khoảng 3 - 4 chuyến đầu tiên, ông Cường cùng đoàn cảm tử quân tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ đi lại thuận lợi và vận chuyển được vài chục tấn đạn dược, thuốc men, lương thực... ra đảo. Tuy nhiên, chuyến cuối cùng, khi quân ta dồn toàn bộ lực lượng để vận chuyển hàng hóa ra đảo thì lại gặp bất trắc.
Ông Cường nhớ rõ khi ấy là đêm 27/5/1965, trời yên biển lặng. Nhận sự chỉ đạo của cấp trên, một đoàn thuyền gỗ khoảng 12 chiếc lên đường chở hàng tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ. Chuyến đi thành công và hàng hóa được vận chuyển trọn vẹn lên đảo phục vụ cho bộ đội.
Thế nhưng, đêm 29/5/1965, khi đoàn tàu đang quay về đất liền thì bị tàu của Mỹ phát hiện và bị chúng vây ráp theo thế gọng kìm. Các thuyền của ta được chỉ đạo tản ra để tránh sự vây ráp của địch.
"Khi ấy tàu của quân Mỹ to lắm, chúng ỷ lớn nên hung hãn lao tới vây ráp nhằm bắt sống những người của ta trên tàu. Tuy nhiên, khi chúng gần đến nơi thì bị ta dùng súng B40, B41 bắn trả khiến tàu của chúng dính đạn.
Biết ta có vũ khí, chúng không dám đến gần và cho lùi xa tàu ra, sau đó dùng pháo bắn về phía tàu của ta.
Hai bên bắn nhau khoảng hơn 3 tiếng thì biển xuất hiện bão tố. Bị pháo Mỹ tập kích cộng thêm sóng lớn khiến nhiều chiếc thuyền gỗ của ta bị vỡ. Rất nhiều người hy sinh trong chuyến đi ấy, mà đến nay, thân thể mãi mãi nằm lại biển khơi", ông Cường kể mà đôi mắt ngấn lệ.
Ông Cường được tặng kỷ niệm chương và nhiều bằng khen cao quý do có thành tích trong chiến đấu xây dựng đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Việt Hoàng)
Thuyền của ông Cường không bị vỡ nhưng tất cả 5 người trên thuyền đều bị thương. Vừa bị thương vừa mệt lả do vật lộn với sóng lớn nên họ không còn sức lực, đành để chiếc thuyền tự trôi trên biển...
Trong lúc chiếc thuyền tự trôi trong bão táp, có lúc ông Cường nghĩ mình và những đồng đội không thể sống sót để quay về đất liền. Chiếc thuyền cứ thế trôi, trôi mãi vào vùng biển do chính quyền Mỹ - Ngụy đang chiếm đóng. Ông Cường bị bắt và mãi đến năm 1970 mới được trả tự do.
Truy điệu sống và chuyến tàu đặc biệt
Nhà bà Võ Thị Lý nằm cách nhà ông Cường không xa. Khi tôi đến, bà Lý đang ngồi phụ giúp con dâu đan lại những tấm lưới để con trai bà chuẩn bị ra khơi đánh bắt hải sản.
Thấy nhà có khách, bà Lý liền dừng tay, mời tôi vào nhà uống nước. Trong lúc nói chuyện, bà luôn tự hào khi mình là một trong số ít phụ nữ tham gia đoàn cảm tử quân chi viện cho đảo Cồn Cỏ thời chống Mỹ.
Bà Lý sinh năm 1947 trong một gia đình 4 anh em ở xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng). Do là dân miền biển nên từ lúc 15 tuổi, cô bé nhỏ con Võ Thị Lý đã lẽo đẽo theo cha lênh đênh trên những ngư trường ở ven đảo Cồn Cỏ để câu mực, bắt cá.
Hai năm sau, khi trở thành thiếu nữ 17 tuổi, cái tuổi bẻ gẫy sừng trâu, cô bé Lý ngày nào lại tình nguyện đăng ký tham gia lực lượng dân quân tại địa phương để canh gác dọc sông Bến Hải.
Đầu năm 1965, Tư lệnh Trung đoàn 270 (Khu vực Vĩnh Linh) quyết định thành lập Đại đội 22 làm nhiệm vụ tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Lực lượng bổ sung cho đại đội là dân quân trực chiến thuộc 4 xã vùng biển: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Quang, Vĩnh Kim.
Bà Võ Thị Lý kể lại những chuyến tàu không số chở lượng thực, đạn dược... vượt mưa bom, bão đạn để chi viện ra đảo Cồn Cỏ. (Ảnh: Việt Hoàng)
Trước nhu cầu bức thiết của chiến trường, Võ Thị Lý là một trong những nữ dân quân đầu tiên ở các xã vùng biển xung phong lên thuyền đưa hàng hóa ra tiếp tế cho đảo.
“Để có một chuyến hàng trên đảo, mọi việc tập kết hàng hóa lên thuyền phải được chuẩn bị từ 17h hàng ngày. Đến khoảng 19h thì bắt đầu xuất phát, lợi dụng trời tối tránh bị địch phát hiện.
Những chiếc thuyền dùng để vận chuyển hàng hóa đều là thuyền gỗ, chèo bằng tay. Đi trên thuyền có khoảng 5 – 6 người và mỗi thuyền chở được khoảng hơn 1 tấn hàng hóa, vũ khí...”, bà Lý nhớ lại.
Bản thân bà Lý khi đăng ký tình nguyện tham gia vào đoàn cảm tử quân chi viện cho Cồn Cỏ thì cũng xác định ra đi không có ngày trở về. Mỗi lần trước khi lên đường, bà và những đồng đội đều được làm lễ truy điệu sống.
Bà Lý có 3 lần tham gia tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ và cả 3 lần đều quay trở lại đất liền an toàn. Tuy nhiên, hàng trăm đồng đội của bà không được may mắn như vậy. Có người bị Mỹ bắt làm tù binh, có người hy sinh, mãi mãi nằm lại biển khơi.
“3 lần lên thuyền ra đảo thì cả 3 lần tôi và đồng đội của mình phải làm lễ truy điệu trước. Trong tâm thế ra đi của chúng tôi khi ấy là đi dễ khó về. Tuy nhiên, vì độc lập dân tộc, chúng tôi quyết hy sinh thân mình”, bà Lý nói với giọng rất đỗi tự hào.
Trong số những lần bà Võ Thị Lý tham gia tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ, có một lần thuyền của bà được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt với mật lệnh: “Mang bằng được món quà của một cấp trên tặng bộ đội chiến đấu ở đảo Cồn Cỏ”.
Theo trí nhớ của bà Lý, lần được cấp trên giao nhiệm vụ đặc biệt ấy là chuyến thứ 2. Chuyến đi đó diễn ra đêm 29/6/1965, trên tàu khi ấy có tổng cộng 5 người, do ông Hồ Văn Triêm làm thuyền trưởng.
Đảo Cồn Cỏ ngày nay.
“Khi ấy chúng tôi chỉ nhận được mật lệnh là đi chuyến hàng đặc biệt và phải mang bằng được món quà của cấp trên gửi tặng đảo Cồn Cỏ. Đó là tất cả những điều chúng tôi biết khi ấy, còn không hề biết món quà ấy là gì và do ai tặng”, bà Lý nói.
Mãi đến năm 2007, khi những người tham gia tiếp tế, chiến đấu để bảo vệ đảo Cồn Cỏ quay lại đảo thăm lại chiến trường xưa, bà Lý mới được Đại tá Trần Văn Thà, Đảo trưởng Đảo Cồn Cỏ giai đoạn 1965 – 1968 tiết lộ món quà đặc biệt mà thuyền của bà vận chuyển ra đảo chính là chiếc đài cassette mang nhãn hiệu Sony do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng để động viên tinh thần bộ đội tham gia chiến đấu trên đảo.
“Đúng 42 năm tôi mới biết mình là người vinh dự tham gia vận chuyển món quà đặc biệt của Bác Hồ gửi tặng Cồn Cỏ. Khi được anh Thà cho biết tin ấy, tôi mừng, xúc động và tự hào lắm!”, bà Võ Thị Lý nói.
Đảo Cồn Cỏ nằm chếch về phía Bắc vỹ tuyến 17, cách cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) khoảng 15 hải lý, cao hơn mặt biển 63,4 mét. Trên Đảo có rừng cây, đất đỏ bazan, núi đá, bãi cát...
Sau hiệp định Geneve (1954), một thời gian dài trên đảo không có quân đội phía nào lưu trú. Mùa Thu năm 1959, biết trước chính quyền Ngô Đình Diệm lăm le chiếm đảo, ngày 8/8/1959 quân đội ta nhanh chóng cử một đơn vị bộ đội lên giữ đảo.
Những năm 1964 đến 1968, máy bay Mỹ ném xuống Cồn Cỏ trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn pháo lên đảo. Bình quân mỗi héc-ta đất trên đảo chịu 22,6 tấn bom đạn.