Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện 'làm bạn với hổ' ở Phong Nha- Kẻ Bàng

Tôi mới đưa máy ảnh lên, con hổ có vẻ căng thẳng, bất ngờ nó lao từ tấm ván xuống, chồm lên thành cửa, nhe răng uy hiếp và gầm lên rất dữ tợn.

“Hổ được ví như chúa tể sơn lâm, hung dữ bậc nhất, nhưng chúng tôi xem như bạn, đặt tình yêu thương giống như con của mình. Qua ánh mắt, cử chỉ của hổ đã nhận ra được điều thân thiện”, ông Hoàng Mạnh Hùng, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, Ban Quản lý Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha-Kẻ Bàng tâm sự. 

Ông Hùng dẫn tôi đến tham quan khu vực đang nuôi 7 con hổ. Thấy người lạ mặt xuất hiện, con hổ đầu chuồng đứng lên nhìn chằm chằm, nhe hàm răng nhọn hoắt, tiếng gầm gừ liên tục, đi ra phía ngoài cửa tỏ thái độ sẵn sàng tấn công... “Đàn hổ này mới 18 tháng tuổi, nên rất hiếu động, thấy người lạ bạn nào cũng gầm gừ. Bạn ở chuồng bên cạnh có tính tình khó chịu, thường xuyên nằm lầm lì trên tấm ván gác cao, ngày nào cũng tha thức ăn lên đó. Nhân viên nào làm trái ý là tỏ thái độ hung dữ ngay, anh qua đó đi xa xa một chút”, ông Hùng căn dặn.

Tôi mới đưa máy ảnh lên cân chỉnh qua khe hở song sắt, ánh mắt con hổ có vẻ căng thẳng, bất ngờ nó lao từ tấm ván xuống, chồm hai chân trước lên thành cửa, nhe răng uy hiếp với tiếng gầm dữ tợn. Theo phản xạ, tôi phi nhanh ra ngoài. Mỗi ô chuồng nuôi một con hổ, đa số hổ ở đây bắt đầu bước vào tuổi “thanh niên”, luôn biểu lộ bản tính hung dữ. Hổ thường xuyên đứng trên hai chân sau, hai chân trước đưa lên thành chuồng để tán tỉnh hoặc gây chiến với những con bên cạnh.

Hổ đang được nuôi tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

Nhân viên chăm sóc hổ nhẹ nhàng dùng cây cắp thức ăn thừa ra ngoài, cân số lượng và ghi chép cẩn thận, rồi phun nước rửa sạch chuồng, khay đựng nước uống, thức ăn. Khoảng 15kg xương sườn bò tươi được đưa đến và phân chia cho 7 con hổ ăn buổi sáng.

 “Phương thức bảo tồn của trung tâm là nuôi duy trì, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng và phát triển giống như ngoài tự nhiên, không để hổ quá mập. Mỗi ngày cho hổ ăn hai lần, thường xuyên thay đổi món ăn. Xương bò là ưu tiên để làm sạch răng, kích thích răng phát triển”, bác sĩ thú y Nguyễn Tất Thắng, vừa cho hổ ăn vừa giải thích.          

Ngay từ ngày đầu đưa đàn hổ về chăm sóc tại VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, các bác sĩ thú y, nhân viên phải kiên trì làm thân với hổ. Họ ở cả ngày ngoài chuồng nói chuyện với hổ như người trong nhà, ai cũng xưng hổ bằng “em”, “bạn”. Ánh mắt và cử chỉ biểu lộ của từng con hổ nói lên độ “thân thiết” với nhân viên. Bác sĩ Thắng chỉ ra tính cách của hổ: “Nhân viên đến chuồng cách xa mấy chục mét phải “đánh động” bằng cách kêu lên... Nếu để hổ giật mình hoảng sợ, sẽ bỏ ăn, lâu ngày tạo nên tính cách cực kỳ hung dữ. Hổ ở đây nhớ được từng giọng nói và khuôn mặt của nhân viên chăm sóc”.

Ngày 1/8/2021, VQG Pù Mát, tỉnh Nghệ An tiếp nhận từ Công an tỉnh Nghệ An 7 con hổ khoảng 40 ngày tuổi, trong một vụ án vận chuyển hổ trái phép. Sau một thời gian, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng tiếp nhận 7 con hổ con từ VQG Pù Mát, trọng lượng hổ đạt 3,5-4kg/con. Tháng 3/2022, trọng lượng bình quân khoảng 60kg/con. Tháng 6/2022, hổ đã đạt trọng lượng 70-80kg/con.   

Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đang cứu hộ và nuôi nhiều động vật, mỗi con lại có một số phận và lý do có mặt ở đây. 

“Ở gần nhà tôi có một bác đi đường thấy người đồng bào dân tộc thiểu số mang con chim hồng hoàng nhỏ bán dọc đường, thấy tội nghiệp bác ấy mua về nuôi. Biết tôi làm ở VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, bác sang nhà nói muốn bàn giao cho vườn, nhưng bác sợ chim còn nhỏ vận chuyển xa sẽ chết. Tôi đứng ra hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật. Vì loài chim này được xếp vào danh mục đặc biệt quý hiếm, bảo vệ nghiêm ngặt. Khi chim đủ lớn, bác giao lại cho VQG Phong Nha-Kẻ Bàng nuôi. Bác ấy thường xuyên qua nhà hỏi tình hình sức khỏe của chim”, bác sĩ thú y Trần Thị Lệ kể.

VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

Thời gian sau, người dân bàn giao cho VQG Phong Nha-Kẻ Bàng thêm hai con chim hồng hoàng. Ba con chim được nuôi trong lồng lớn, một lồng nuôi hai con hồng hoàng. Chúng đang "yêu", suốt ngày ríu rít bên nhau. Có lần, các nhân viên cho ba con chim hồng hoàng vào ở một lồng để thành đàn, cặp đôi “chủ nhà” cùng nhau cắn dữ dội con chim lạ, buộc phải bắt ra ở riêng lồng cũ.

Vùng núi đá vôi VQG Phòng Nha-Kẻ Bàng còn là “đất khỉ”, số lượng các loại khỉ được cứu hộ, chăm sóc khá nhiều. Có một con khỉ nhỏ bị mắc bẫy, chảy máu nhiều, gần như bị suy kiệt, nhân viên phải chăm sóc đặc biệt, khỉ con đã vượt qua được nguy kịch. Chuồng bên cạnh có con khỉ lớn cũng bị mắc bẫy ở nơi khác chuyển đến. Khỉ lớn luôn để mắt chú ý khỉ nhỏ giống như người mẹ xa con. Mỗi khi khỉ con bị đau kêu lên, con khỉ lớn tỏ thái độ giận dữ và yêu thương bằng ánh mắt trìu mến.

“Trước khi thả khỉ về môi trường tự nhiên, nhân viên trung tâm phải gom khỉ lại thành đàn 5-7 con để chúng học cách tự bảo vệ cho nhau giữa rừng núi bao la. Khi khỉ con lành bệnh, đưa sang chuồng khỉ lớn, nó chạy tới ôm khỉ con vào lòng giống như hai mẹ con. Chúng tôi theo dõi xem khỉ lớn có tranh giành thức ăn với khỉ con không, nhưng nó luôn bao bọc và nhường thức ăn cho khỉ con. Về sau, chúng tôi gom thêm 4 con khác nữa thành đàn thả về rừng và phân công nhau theo dõi đàn khỉ”, bác sĩ Lệ nói.

“Mỗi năm, chúng tôi phải chi hơn 1,5 tỷ đồng tiền thức ăn cho 7 con hổ, năm tới hổ to lớn hơn sẽ tốn nhiều tiền ăn. VQG Phong Nha-Kẻ Bàng đang liên kết với một số doanh nghiệp hảo tâm, yêu thích động vật hoang dã, hỗ trợ tiền thức ăn cho hổ. 7 con hổ này có thả về rừng tự nhiên và có sinh sản được hay không? Việc thả hổ về rừng có ảnh hưởng đến an toàn cho du khách hay không? Tất cả những câu hỏi này phải được trả lời bằng công trình nghiên cứu khoa học, mới đưa ra quyết định. Thời gian tới, chúng tôi sẽ làm chuồng nuôi hổ theo kiểu bán hoang dã".

Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban Quản lý VQG Phong Nha-Kẻ Bàng

Nguồn:

Tin mới