Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện lạ: Làm nhà 'trên trời' hứng... phân dơi

Chúng là loài thú hoang, bay lượn trên trời, khó tính, thích tự do, yên tĩnh. Nhưng khi đã dụ được chúng về ở trong căn chuồng đặc biệt này, sẽ lợi đủ đường.

Đó là chuyện làm nhà “dụ” đàn dơi hoang dã về sống để thu gom phân của một số thành viên HTX Cây ăn trái Minh Thắng (xã Minh Thắng, thị xã Chơn Thành, Bình Phước).

Phân “vua” từ trên trời rơi xuống

Đón tôi ngay đầu ngõ khi cơn mưa rào đổ xuống, anh Trần Hữu Tài, Giám đốc HTX Minh Thắng, cho biết, chuồng dơi ở vườn cây ăn trái của các thành viên HTX cách đây hơn chục cây số. “Mỗi ngày, khoảng 5 - 6 giờ chiều, khi mặt trời sắp lặn, đàn dơi mới ra ngoài kiếm ăn. Nhưng trời đẹp chứ mưa gió thế này dơi sẽ không ra”, anh nói.

Chuồng dơi của anh Trần Hữu Tài, Giám đốc HTX Minh Thắng

Mặc dù vậy, tôi vẫn quyết định cùng anh Tài vào vườn cây để “mục sở thị” căn nhà của đàn dơi. Anh Tài cho biết, HTX thành lập năm 2018 với 8 thành viên. Tổng diện tích 23,5ha trồng 12ha bưởi da xanh, 11ha sầu riêng, 5 sào còn lại trồng một số cây khác như cam, quýt, mít. Là nông dân sản xuất giỏi, anh Tài được bầu làm giám đốc HTX. Ngay từ khi thành lập, HTX đã định hướng sản xuất hữu cơ nên các thành viên canh tác theo  quy trình thống nhất, sử dụng nguồn phân chuồng. Đặc biệt, Minh Thắng là HTX đầu tiên ở Bình Phước làm chuồng dụ dơi về ở để lấy phân, ủ bón cây trồng.

Sau khoảng 15 phút đi dưới trời mưa, những khu vườn sầu riêng, bưởi của HTX Minh Thắng đã hiện ra trước mắt. Các vườn cây ăn trái được quy hoạch bài bản theo từng khu. Vườn sầu riêng 6 tuổi của gia đình anh Tài được đánh giá là đẹp nhất. Cây khỏe, đẹp, từ thân đến lá đều mỡ màng. Do được canh tác hướng hữu cơ, không dùng thuốc xịt cỏ, nên chỉ quanh gốc cây được dọn sạch, còn lại, giữa các lối đi, cỏ mọc tự do, nhiều loại côn trùng sinh sống. Trong vườn, ngoài vài đàn gà đang kiếm ăn, còn có những tốp vịt cỏ nằm gà gật ngủ dưới gốc sầu riêng.

Bên trong "nhà" của đàn dơi là những liếp lá thốt nốt

“Ngày xưa khi chưa có phân dơi, cũng khu vườn này, tôi trồng bơ, bưởi, chủ yếu canh tác theo cách truyền thống, vẫn dùng thuốc phun xịt trừ sâu bệnh hại, bón phân hóa học kèm phân bò. Nhưng cây không phát triển mạnh bằng khi bón phân dơi. Bón phân dơi thấy cây phát triển mạnh, trái sai và đều, đẹp. Đặc biệt, ban đầu tôi ngạc nhiên vì thấy cây ít bị sâu bệnh. Nhưng sau mới nghĩ ra là chính đàn dơi đã “xơi” phần lớn côn trùng gây hại cho cây. Đây là loài dơi nhỏ, sống nhiều trong các khu vườn, mái nhà, chúng ăn các loại côn trùng như rầy, bướm, thiêu thân, bọ trĩ, ruồi vàng, đặc biệt là muỗi, và không gây hại cây trái. Nhờ có dơi mà muỗi giảm hẳn, góp phần giảm nguy cơ sốt xuất huyết. Còn vườn cây thì không cần xịt thuốc trừ sâu, vừa không tốn chi phí diệt sâu bệnh, vừa giúp cây phát triển tốt hơn”, anh Tài nói.

“Nhà” của đàn dơi nằm sâu trong vườn sầu riêng, đó là một căn chòi diện tích 20m2 nằm trên độ cao khoảng 10m, mái lợp tôn, phía bên trong chòi được thiết kế một giàn cây đan thành ô vuông, sau đó treo những bó lá cây thốt nốt thành từng chùm dày. Ở dưới đất căng một tấm lưới dày rộng hơn chuồng phía trên để hứng phân dơi. Mỗi ngày, sau khi thu gom, phân dơi được ủ hoặc ngâm trong các bồn xi măng chứa nước, pha chế phẩm sinh học để làm phân hữu cơ.

“Phân dơi và chim yến là hai loại tốt nhất. Bón phân dơi rồi chẳng cần bón thêm gì nữa. Phân dê, gà cũng đã tốt lắm rồi, nhưng so với phân dơi thì còn kém xa”, anh Tài nói.

Phía dưới là tấm lưới để hứng phân dơi

Để chứng minh về cái sự đặc biệt của phân dơi, anh Tài dùng chiếc ca nhựa xúc một ít phân dơi từ trong tấm lưới, đưa lên trước mặt. Tôi tiến lại gần quan sát, nhưng vừa kịp nhìn thấy một màu đen tuyền bên trong chiếc ca nhựa, đã phải vội vàng ngoảnh mặt đi hướng khác, vì mùi hôi nồng nặc xen lẫn mùi khăm khẳm, khen khét xộc vào mũi. “Chưa thấy phân con gì hôi như phân dơi”, tôi thốt lên. Anh Tài gật đầu đồng ý: “Chính vì thế mà phải làm chuồng dơi cách xa khu dân cư. Chứ nhà tôi có vườn cây gần 2ha, chiều chiều dơi bay kiếm ăn đen đặc, nhưng không dám làm chuồng, vì sợ ảnh hưởng hàng xóm. Loại phân này nếu nó thải rải rác thì không sao, chứ nếu gom lại một chỗ thì rất hôi”.

“Lúc mới làm chuồng đầu tiên, dơi về nhiều, có lẽ ngay khu vực nhiều dơi nên sau khi có vài con vào trú, dần dần chúng theo nhau vào ngày càng nhiều. Nhưng cũng có chuồng mình phải “dụ” chúng về bằng máy giả tiếng dơi như làm nhà yến vậy, hoặc bắt mấy con dơi ở các mái nhà ở, mang vào chuồng nhốt cho nó kêu, gọi đồng loại đến, dần dần mới có”, anh Tài kể. “Vậy sao phải dùng lá thốt nốt mà không phải lá khác?”, tôi hỏi. “Theo tôi được biết thì mô hình làm chuồng dơi này dưới miền Tây làm trước, dưới đó cây thốt nốt nhiều, cây nào cũng có dơi làm tổ, nên họ lấy lá thốt nốt làm chuồng cho dơi thôi. Ngoài ra thì lá thốt nốt rất bền, dùng được lâu”, anh Tài đáp.

Phân dơi rất tốt cho cây trồng

Lợi kép

Sau khi thấy hiệu quả từ con dơi, anh Tài cất công tìm tài liệu và nắm được cơ bản kiến thức về phân dơi. “Trong phân dơi có các thành phần quan trọng như Ure, axít uric, vitamin A, kali, phốt pho… trong đó, có từ 30 - 65% OM (Organic matter), 1,5 - 9% Phốt pho, và khoảng 5 - 6% Nitơ”, anh Tài cho biết.

Vào mùa mưa, côn trùng sinh sôi mạnh, dơi có nhiều thức ăn nên lượng phân thải ra cũng nhiều. Chuồng nhiều dơi có thể thu từ 15 - 20kg phân ướt mỗi đêm. Còn mùa khô, chuồng nhiều cũng được hơn chục ký. Và đây là loại phân có giá không hề rẻ, 60 ngàn đồng/kg tươi. Như vậy, chỉ hứng loại chất thải “từ trên trời rơi xuống” này cũng thu mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng. Anh tài cho biết: “Mấy năm trước, làm một chuồng dơi 20m2 này hết khoảng 20 triệu đồng, còn bây giờ mọi chi phí đều tăng nên hết khoảng 50 triệu đồng”.

Vườn sầu riêng 6 tuổi phát triển tốt nhờ phân dơi

Nuôi dơi ngoài lấy phân bón cây trồng, giúp giảm chi phí, còn bảo vệ môi trường, mùa màng... Nhưng chúng là loài động vật hoang dã, khó tính, thích nơi yên tĩnh, nhạy cảm với hơi người. Chúng ngủ ban ngày, chủ yếu hoạt động vào buổi chiều tối, trong tiết trời quang đãng, mưa hay thời tiết xấu sẽ không ra ngoài. Nếu nơi ở nhiều thức ăn, chúng đi kiếm ăn chừng hơn 1 tiếng là quay về, ngược lại, chúng có thể bay xa cả chục cây số, nhưng sẽ quay về trước khi trời sáng. Chúng chỉ thải phân trong thời gian nghỉ ngơi này.

Vườn bưởi của HTX Minh Thắng, canh tác hữu cơ, bón phân dơi

“Dơi là loài động vật khó tính, nhạy cảm với hơi người, cũng như những loài vật, côn trùng có khả năng gây hại chúng, nếu động chúng bỏ đi ngay. Vì vậy, người nuôi phải biết bảo vệ chúng, không được bắt chúng trong chuồng nuôi. Sau vài ngày phải làm vệ sinh nơi ở của chúng, đó là rửa sạch phân dơi dính trên những chùm lá thốt nốt treo trong chuồng. Tốt nhất là có một bộ lá dự phòng và thay nhanh trong thời gian đàn dơi đi kiếm ăn, tuyệt đối không trèo lên khi chúng còn đang ở trong chuồng. Nếu chúng đang ở chuồng mà mình thay lá hay làm vệ sinh, chúng sẽ bỏ đi hết ngay”, anh Tài chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ đàn dơi.

Gần 6 giờ chiều, tôi quay lại chuồng dơi, trước mắt là hàng ngàn con dơi từ trong chuồng lao vun vút ra ngoài. Những chấm đen nhỏ xíu chi chít trên một khoảng trời xanh. Sau khoảng hơn 1 tiếng “quần đảo” trên các vườn cây ăn trái, đàn dơi quay về chuồng, treo mình trên những tán lá bên trong. Có lẽ nguồn thức ăn dồi dào nên thời gian ra ngoài của dơi khá nhanh.

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Tin mới