10 ngày làm người rừng
Sau hơn 10 ngày lưu lạc trong rừng sâu ở Phú Quốc, ông Nguyễn Anh Lân đã trở về nhà tại xã Mỹ Hiệp, huyện Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bình an trong niềm hân hoan của gia đình và bà con láng giềng. Sáng 29/6, ông đã có thể ăn được chén cơm đầu tiên trong niềm hạnh phúc của người vợ.
Bà Trần Thị Hạnh, vợ ông Lân không giấu được niềm vui: “Ổng mất tích cả chục ngày trời mà giờ về lại không nhớ gì nhiều, đâu biết người ở nhà sốt ruột như thế nào. Chỉ khổ cho mẹ con tôi ở nhà như ngồi trên đống lửa, lo lắng ăn ngủ không yên”.
Ông Lân lúc mới được người dân địa phương phát hiện trong rừng sâu
Ông Lân cùng hàng chục giáo viên trong Trường Tiểu học Mỹ Hiệp 2, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đi nghỉ mát tại đảo Phú Quốc. Chiều tối ngày 15/6, ông Lân tách đoàn, đi dạo mát rồi không trở về nữa.
Phát hiện ông Lân mất tích, đoàn nghỉ mát chia nhau đi tìm nhưng không có dấu vết nên báo cho công an và đăng thông tin lên mạng xã hội. Hai con ông Lân đã ra Phú Quốc để tìm cha.
Ngày 23/6, có thông tin Công an Phú Quốc phát hiện 1 xác chết nhưng qua nhận dạng, không phải thầy giáo Lân! Đến tối 23/6, 1 tài xế taxi ở Phú Quốc gọi điện đến gia đình thầy Lân cho biết, vào tối 17/6, tài xế này có chở người đàn ông giống thầy giáo Lân (qua hình ảnh trên facebook) lên xã Cửa Cạn. Ngay hôm sau, 2 con trai thầy Lân trở lại Phú Quốc tìm kiếm nhưng một lần nữa kết quả không như mong đợi…
Đúng 10 ngày sau khi thầy giáo này mất tích, tức chiều 25/6, một nhóm người đi rừng phát hiện ông Lân trong tình trạng kiệt sức, không mảnh vải che thân trong tận rừng sâu. Anh Nguyễn Văn Nhàn – ngụ thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, kể hôm đó anh cùng 2 người cháu và 1 chú chó săn vào rừng xã Cửa Dương săn chuột.
Ông Lân kể về hành trình bị lạc 10 ngày trong rừng
Thay vì đi vách núi trước, chú chó săn cứ dẫn đường theo vách núi sau rồi phát hiện thầy giáo Lân trong tình trạng không mặc quần áo. Khi được anh Nhàn hỏi nhà ở đâu, thầy Lân trả lời nhà gần đây. Chú cháu anh Nhàn nghi thầy Lân là “thành phần bất hảo” nên bỏ đi. Nhưng đi được một đoạn, người cháu anh Nhàn lại nói “người đàn ông bất hảo” giống thầy giáo mất tích đăng trên facebook.
Mấy chú cháu bèn quay trở lại tìm thầy Lân. Lúc này, thầy Lân đã nằm bất động. Trên mình ông Lân, nhất là tay chân chi chit những vế xước do cây rừng gây ra. Ba người đàn ông khỏe mạnh chia áo quần cho ông Lân mặc, rồi thay nhau cõng ông xuống núi, đưa đi cấp cứu…
Đôi bàn chân của ông Lân đầy vết thương vì băng rừng bằng chân không
Ở quê nhà Đồng Tháp, vợ con của ông Lân mừng phát khóc khi nhận được tin đã tìm thấy ông Lân. Bà Hạnh lập tức ra đảo để đón chồng về. Sau 2 ngày cấp cứu ở Bệnh viện huyện Phú Quốc, ông Lân được đưa về nhà. Sự mất tích và trở về đầy bất ngờ, bí ẩn của ông Lân khiến người dân địa phương không khỏi xôn xao. Từ lúc ông Lân về nhà, ngày nào cũng có bà con, hàng xóm đến thăm.
ăn nhà xập xệ ông Lân và gia đình sống mấy chục năm qua
Trò chuyện với “người rừng bất đắc dĩ”
PV đã có buổi trò chuyện với thầy giáo Nguyễn Anh Lân để nghe ông kể về 10 ngày mất tích trong rừng Phú Quốc.
PV: Ông có thể cho biết cảm giác được trở về nhà sau 10 ngày trong rừng sâu và sức khỏe của ông giờ thế nào?
Ông Nguyễn Anh Lân: Tôi mừng lắm, vì lúc được người dân địa phương phát hiện, tôi đã kiệt sức lắm rồi. Giờ sức khỏe tôi đã đỡ, đêm ngủ ngon và có thể làm việc lặt vặt được. Chỉ có điều là tôi không nhớ hết chuyện gì đã xảy ra.
Ông bắt đầu đi lạc như thế nào?
Chiều đó, đoàn chúng tôi ăn cơm ở gần khách sạn. Ăn xong, chúng tôi dự định mỗi nhóm sẽ đi chơi riêng tự do. Tôi nghĩ mình chỉ đi bộ xung quanh khu vực đó nên không mang theo tiền hay điện thoại gì.
Có người nói thấy ông lên xe taxi đi đâu đó?
Tôi không thuê taxi đi đâu cả, vì trong người đâu có tiền bạc gì đâu. Hành lý tôi mang theo gồm áo quần, tiền bạc, điện thoại sau này đã được các giáo viên đem về nhà tôi, chúng vẫn còn nguyên. Tôi nghe người ta nói có người lái taxi nói là chở tôi đi đâu đó, chắc người ta nhìn nhầm ai đó.
Ông có ý thức được việc mình đi lạc không?
Tôi có biết, nhưng tôi nghĩ mình đi chơi một chút rồi sẽ tìm về được.
Rồi sự việc diễn ra thế nào?
Có người đòi dẫn tôi đi chơi, đó là người chú ruột đi lính… mất đã mấy chục năm về trước. Chú tôi nói tôi đi nhanh lên, đừng để người khác chờ. Tôi cứ vậy đi theo.
Ông sống sót qua những ngày trong rừng như thế nào?
Đói quá, tôi hái trái cây rừng ăn. Có người hướng dẫn tôi phải ăn như thế nào. Hái xong 1 trái, cắn ra, để một lát cho khô rồi mới ăn được. Mỗi ngày tôi ăn chừng 5 – 6 trái cây như thế. Hết trái cây, tôi đi hái bông để ngửi và hút mật. Còn nước uống thì ở mấy hốc đá, bộng cây có nước đọng, tôi tát nước cũ cho sạch rồi hứng nước mưa uống. Ban đêm, tôi ngủ ở những hốc đá, bộng cây đó để sáng lấy nước súc miệng rửa mặt luôn.
Trong những ngày đó, ông còn gặp những người dẫn mình đi vào rừng không?
Có, tôi vẫn gặp, họ cứ đưa tôi đi, nhiều lúc tôi phải năn nỉ rồi không đi nữa. Những lúc đó tôi nằm xuống là ngủ luôn vì quá mệt.
Có bao giờ ông cố gắng để tìm đường về không?
Tôi nghĩ mình đi chơi một chút rồi về cũng không sao.
Tại sao lúc người dân phát hiện, ông lại trong tình trạng không có áo quần?
Tôi không nhớ sự việc ấy.
Lúc được người đi rừng cứu, cảm giác của ông thế nào?
Tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là người ta hỏi tôi có khát nước không, rồi đưa nước cho tôi uống. Tôi uống một lúc 3 chai vì khát quá. Sau đó, 3 người họ thay nhau cõng tôi xuống núi. Tôi chỉ biết quàng tay qua cổ người cõng mình mà không biết gì nữa.
Cảm giác sau 10 ngày mới ăn được 1 bữa ăn tử tế như thế nào, thưa ông?
Xuống trạm xá, truyền nước xong thì sáng hôm sau tôi mới được cho ăn cháo trắng. Tôi ăn 2 chén, thấy ngon lắm. Tôi không dám ăn nhanh vì mắc cỡ, dù gì mình cũng là thầy giáo mà.
Ông còn dự tính trở lại Phú Quốc nữa không?
Tôi sợ lắm rồi, nhưng nếu có điều kiện tôi cũng muốn quay lại để cám ơn những người đã cứu mình.
Ông có muốn tiếp tục công việc của mình ở trường tiểu học nữa không?
Nếu nhà trường còn cần, tôi vẫn tiếp tục công việc ở trường.
Xin cám ơn ông!
Theo bà Hạnh, ông Lân đã đi lạc rất sâu vào rừng vì thời gian mà nhóm người đi rừng cõng ông xuống trạm xá mất đến 4 giờ đồng hồ. Bà Hạnh cho biết, hiện tại trí nhớ của chồng bà vẫn chưa thể hồi phục. “Ổng nói chuyện lung tung lắm. Lúc trước ổng mập mạp, cũng có cơ bắp lắm, giờ thì ốm nhom. Tôi đoán ông ấy sụt 7 – 8 kg”, vợ ông Lân nói.
Được biết, khoảng 2 năm trước, ông Lân vẫn đứng lớp dạy nhưng sau đó do bị căng thẳng và giảm trí nhớ, ông thường bỏ quên đồ đạc, tiền bạc. Gia đình có khuyên ông nghỉ hưu nhưng ông không đồng ý. Sau đó, ông Lân được chuyển sang làm Tổng Phụ trách Đội rồi sau đó làm công việc văn phòng trong trường.
Theo người dân địa phương, xã Cửa Dương là xã có diện tích khá lớn và giáp với thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Ở xã này hiện diện tích rừng già và rừng phòng hộ còn rất nhiều. Người dân địa phương vẫn thường ngày lên rừng kiếm củi, hái rau lang rừng đem về bán.
Video: Cuộc sống như thời nguyên thủy của mẹ con 'người rừng' ở Huế