Huấn luyện ‘khuyển binh’
Sáng sớm ở vùng sơn cước Dân Hoá (huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình), tôi nghe tiếng ra lệnh đanh thép của những huấn luyện viên Đội chó nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo.
Tò mò, tôi tìm đến và tận mắt thấy những chú chó dũng mãnh đang căng mình luyện tập theo những bài tập của huấn luyện viên đưa ra.
Những bài huấn luyện cơ bản như nằm, đứng, bò, trườn… các chú chó nghiệp vụ đều đã thuần thục nên chỉ cần có hiệu lệnh của huấn luyện viên là chúng đã thực hành rất chính xác.
Các huyến luyện viên đang miệt mài huấn luyện những "khuyển binh" ở vùng biên giới Việt - Lào (Quảng Bình). (Ảnh: H. Long)
Theo một huấn luyện viên huấn luyện chó nghiệp vụ thì để trở thành những “khuyển binh thép”, các chú chó được chọn phải trải qua quy trình huấn luyện khá nghiêm ngặt với chế độ ăn và tập luyện rất chuyên nghiệp và riêng biệt.
Mỗi ngày chúng đều phải tập luyện 2 tiếng, đầy đủ các bài tập từ cơ bản tới nâng cao. Đặc biệt là không thể thiếu các bài tập đánh hơi, tìm đồ vật, tìm ma túy trên xe, thể lực cũng là một bài tập không thể bỏ qua.
Ngoài ra, trong quá trình huấn luyện chó nghiệp vụ, người huấn luyện viên cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới từng chú chó. Mỗi huấn luyện viên đều có sự kết nối đặc biệt và riêng biệt với chú chó của mình để tạo ra tính cách, năng lực và khả năng tác nghiệp riêng của từng chú chó.
Trong quá trình huấn luyện chó nghiệp vụ, người huấn luyện viên có ảnh hưởng trực tiếp tới từng chú chó. (Ảnh: H. Long)
Anh Hoàng Hiếu Trung – Huấn luyện viên chó nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho biết, hiện tại có 3 chú chó nghiệp vụ đang phục vụ trong đơn vị. Trong đó, 2 con là thuộc giống chó Larbrador (2 năm tuổi) và một con thuộc giống chó Malinois (hơn 1 năm tuổi).
Những chú chó nghiệp vụ này được các huấn luyện viên chọn nuôi dưỡng và huấn luyện 10 đến 12 tháng tại Trường cảnh sát Cục quản lý huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ K204.
Sau khi kết thúc thời gian huấn luyện nghiêm ngặt, mỗi chú chó sẽ phải trải qua nhiều phần thi sát hạch, nếu đậu thì mới có thể tốt nghiệp và sẽ được phân công về các đơn vị phù hợp để thực hiện nhiệm vụ.
“Đối với chúng tôi, những chú cho này giống như người thân, hàng ngày đều phải quan tâm chăm sóc chúng với một chế độ nghiêm ngặt và đặc biệt.
Mỗi buổi sáng khi cho chúng đi vệ sinh phải quan sát chất thải để đoán biết tình hình sức khỏe của chúng. Khẩu phần ăn hàng ngày phải là thịt gà, thịt lợn, trứng, cơm, sữa, và rau xanh... Đặc biệt vào mùa hè, chuồng trại phải thoáng mát, mùa đông thì che chắn, giữ ấm”, anh Trung chia sẻ.
Chó nghiệp vụ có khả năng đánh hơi cực nhạy và có thể phân biệt được 4 loại ma tuý. (Ảnh: H. Long)
Anh Trung tiết lộ, những chú chó nghiệp vụ đều không được cho ăn sáng với lý do nếu ăn no thì chúng sẽ không tác chiến được và không phát huy hết khả năng đánh hơi.
Anh Trần Nhật Vũ – Huấn luyện viên chó nghiệp vụ thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho hay, đối với công tác huấn luyện, sử dụng chó nghiệp vụ, đòi hỏi huấn luyện viên phải thực sự yêu chó, dũng cảm, gan dạ.
Theo đó, trong quá trình huấn luyện và chiến đấu có thể xảy ra các rủi ro như bị chó cắn do bản thân chó nghiệp vụ rất hung dữ. Cùng vời đó, người huấn luyện viên khi điều khiển chó nghiệp vụ phải đối mặt với các loại tội phạm nguy hiểm.
“Chó nghiệp vụ khác với chó thường là chúng có khả năng đánh hơi cực nhạy. Chúng có thể phân biệt được 4 loại ma túy: ma túy tổng hợp, cần sa, heroin và thuốc phiện cho dù đối tượng có giấu tinh vi như thế nào”, anh Vũ cho hay.
Những chú chó nghiệp vụ được ví như những chiến binh ngăn chặn tội phạm ở vùng biên viễn Quảng Bình. (Ảnh: H. Long)
‘Khuyển binh' ngăn tội phạm
Đội chó nghiệp vụ ở Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo ngoài việc được huấn luyện và chăm sóc đặc biệt, mỗi ngày chúng sẽ có nhiệm vụ đi tuần tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu quốc tế Cha Lo ít nhất 2 lần, mỗi lần khoảng 90 phút. Ngoài ra nhiều trường hợp đặc biệt, chúng cũng sẽ tham gia tác nghiệp.
Chính sự có mặt, tham gia tác nghiệp đặc biệt của lực lượng “khuyển binh” khiến nhiều đối tượng xấu có ý định vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm qua khu vực biên giới phải dè chừng, khiếp sợ khi đối mặt. Từ đó việc truy bắt và ngăn chặn các đối tượng cũng trở nên thuận lợi hơn.
Với bản tính hung dữ có sẵn, kèm theo việc rèn luyện hàng ngày khiến những chú chó nghiệp vụ này trở nên dũng mãnh.
Nếu đánh hơi phát hiện có dấu hiệu của ma túy hay các mặt hàng cấm, chúng sẽ sủa lớn, thậm chí là lao vào tấn công các đối tượng vận chuyển để trấn áp.
Theo số liệu từ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo, từ năm 2014 đến 2017, nhờ sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ, đơn vị hải quan đã trực tiếp và phối hợp với lực lượng biên phòng bắt được 12 vụ vận chuyển ma túy, thu giữ được 3.501 viên ma túy tổng hợp, trên 16kg quả, thân rễ cây thuốc phiện (cần sa).
Những chú chó nghiệp vụ giúp ích đắc lực cho việc ngăn chặn hàng lậu và ma tuý tuồn qua biên giới vào Việt Nam. (Ảnh: H. Long)
Ông Trần Thanh Hà - Đội phó Đội Chống buôn lậu thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo cho biết, vào thời điểm cuối năm, lưu lượng người và hàng hóa qua lại cửa khẩu nhộn nhịp, tình hình phức tạp.
“Sự có mặt và tác nghiệp của đội chó nghiệp vụ có tác dụng mạnh và giúp ích rất lớn trong việc răn đe và phát hiện các loại tội phạm có ý định vận chuyển các loại hàng cấm, đặc biệt là ma túy qua khu vực cửa khẩu và biên giới”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Văn Ngành - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo đánh giá: “Những chú chó nghiệp vụ ở đây chính là những “chiến binh thép”, dũng cảm và rất trung thành, đây chính là niềm tự hào của lực lượng Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo”.
Video: Xem chó nghiệp vụ của đồn biên phòng vồ bắt tội phạm