(VTC News) - Cây bút tài hoa Vũ Thảo xuất hiện rồi đi qua cuộc đời này lặng lẽ, vậy mà gia tài ông để lại, còn mỏi bao nhiêu sải cánh giữa trời cao…
'Không cần phải là con hổ ngự trị trên rừng xanh, không cần phải là con chim đại bàng bay một lần chín vạn dặm mới là sống’…, cây bút tài hoa Vũ Thảo xuất hiện rồi đi qua cuộc đời này lặng lẽ là thế, vậy mà nhìn ông về với thiên thu ngỡ như bất tử, bởi gia tài ông để lại, còn mỏi bao nhiêu sải cánh giữa trời cao…
Mấy người biết Vũ Thảo là ai, ấy vậy mà chẳng ai quên hình ảnh Mẹ chồng tôi đi vào lịch sử phim truyền hình như một biểu tượng đẹp của lòng nhân văn và những bản nhạc phim nhung nhớ suốt một thời.
Nhạc sỹ Vũ Thảo |
Bỏ lại cơ ngơi khá giả với tiệm vàng Vĩnh Thịnh thuộc loại lớn nhất miền Trung thời Pháp thuộc, gia đình ông chuyển ra Hà Nội sinh sống trong cảnh khó khăn đủ bề.
Chàng nhạc sỹ tương lai, dù tuổi đời còn rất nhỏ, đã phải vừa giúp mẹ lo toan việc nhà, vừa thay cha nuôi dưỡng các em. Vì vậy sự trưởng thành và thành đạt của các anh chị em ông sau này, đều có sự ảnh hưởng rất lớn từ ông.
Sau khi tốt nghiệp khoa kèn - nhạc viện Hà Nội, chàng thanh niên Vũ Thảo về công tác tại Đoàn Ca Múa Miền Nam với tư cách một nhạc công kèn Clarinet..
Vào thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, Vũ Thảo với hành trang là cây kèn tham gia đoàn quân ‘Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước’ và có mặt ở mặt trận Đường 9 Nam Lào...
Âm nhạc ấy, lòng yêu nước nước ấy đã vượt lên tất cả những bom rơi đạn nổ của quân thù xâm lược, để lại cùng hòa nhịp trong ngày thống nhất non sông.
Đất nước thống nhất, nhạc sỹ Vũ Thảo tiếp tục được điều động vào miền Nam công tác tại Đoàn Ca Múa Bông Sen (Thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1977 ông ra Bắc làm nhạc công Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Trong giai đoạn có thể coi là hoàng kim của nhạc giao hưởng, Vũ Thảo có cơ hội tham gia nhiều vở nhạc kịch kinh điển với sự dàn dựng của các chuyên gia Liên Xô, để từ đó có thêm những tích lũy quý giá về khí nhạc.
Nhạc sỹ Vũ Thảo có mặt ở Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất |
Sau khi tốt nghiệp Học viện âm nhạc, khoa sáng tác, Vũ Thảo bắt tay vào viết nhạc cho những bộ phim đầu tiên, từ Người thành phố, Mặt trời bé con, Lời nguyền của dòng sông…
Với những giai điệu da diết, đầy khắc khoải, ông còn để lại dấu ấn đậm nét trong hàng loạt bộ phim để đời như Mẹ chồng tôi, Người tình của cha, Trăng muộn, Giếng làng…và sau này là Cảnh sát hình sự, Chạy án…
Ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Vũ Thảo trong phim Cảnh sát hình sự |
Đạo diễn Khải Hưng, người bạn thân thiết, người đồng nghiệp quý mến, người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau trong nhiều năm tháng không khỏi nghẹn ngào khi viết ai điếu đưa nhạc sỹ Vũ Thảo về với đất mẹ:
Nhạc sỹ Vũ Thảo ơi, cuộc đời ông chỉ duy nhất chọn một việc nhẹ nhàng, đó là cách ông ra đi về cõi vĩnh hằng. Ông lặng lẽ, âm thầm nén những cơn đau quái ác, dũng cảm chống chọi với bệnh tật. Ông không muốn cho người thân phải nhọc nhằn.
Giống như những ca từ được ông viết ra tự đáy lòng: ‘Gửi làn hương thầm, theo về trong gió… suốt cuộc đời gian nan..’, nhưng chính điều đó, khiến cho mọi người thật sửng sốt nhưng càng thêm cảm phục ông.
Ít ai biết, bộ phim Mẹ chồng tôi mở đường cho dòng phim Văn nghệ chủ nhật của đạo diễn Khải Hưng do chính người bạn Vũ Thảo biên kịch, dưới tác phẩm đề tên Quang Huy (Quang Huy là tên người con trai cả của người nhạc sỹ tài hoa).
Tình bạn của Vũ Thảo – Khải Hưng thân thiết đến độ sau này, trong nhiều tác phẩm, Vũ Thảo ký tên Huy Anh (Quang Huy – con trai Vũ Thảo và Khải Anh – con trai Khải Hưng).
BLV Quang Huy khi hồi tưởng về cha mình vẫn thường nhắc đến bộ phim nổi tiếng năm nào và mối thân giao giữa hai cái tên Vũ Thảo – Khải Hưng như một niềm tự hào và trân trọng.
Nhạc sỹ Vũ Thảo và con trai - BLV Quang Huy |
Quang Huy không dùng những mỹ từ đao to búa lớn để nói về cha mình, anh chỉ vẽ nên chân dung người cha dung dị thế này: Bố tôi ngay thẳng và trong sạch, lãng mạn nhưng không ủy mị. Và với anh, may mắn lớn nhất là được thừa hưởng những tính cách đáng quý đó từ cha mình.
Anh hồi tưởng: Bố là người viết nhạc nhưng mê thể thao. Ngay từ khi còn rất nhỏ, bố đã mua những sách báo thể thao về cho con trai đọc, để rồi từ đó, tình yêu với thể thao trong anh cứ lớn dần theo năm tháng. Đến giờ, anh vẫn giữ những cuốn sách bố mua từ những năm 1980, 1982 như lời nhắc nhở những gì đang có của ngày hiện tại.
Những năm tháng cuối đời, dù mắt mờ, tóc bạc, nhưng mỗi khi đại gia đình có việc hệ trọng cần quyết định, mọi người vẫn đến gặp ông – với tư cách người anh trai cả như tìm về một điểm tựa, để nhớ về cái thời cả gia đình khó khăn trăm bề, ông trở thành chỗ dựa, dậy dỗ cho các em.
Người con trai cả của Vũ Thảo cho biết: Cha không dặn dò nhiều, chỉ mong muốn được hỏa táng, tro cốt ấy, gửi lại cháu con thắp những nén hương tưởng nhớ…
Còn đạo diễn Khải Hưng, đã viết những dòng khép lại một cuộc đời: Người nhạc sỹ tài hoa nằm đó, trên môi còn đọng lại nụ cười phảng phất cho cuộc đời viên mãn, sau khi đã trải qua bao khổ nhọc, khốn khó, nhưng đầy vinh quang.
An Yên