Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện ít biết về 'Hùm xám đường số 4'

(VTC News) -

Gần trăm tuổi, vị chiến tướng không sao ấy vẫn thấy như mới ngoài 60, vẫn viết sách, làm thơ và vẫn… yêu.

Video: Chuyện ít biết về “Hùm xám đường số 4”

“Con hùm xám”, như lời xưng tụng của chính kẻ thù, hay nói cách khác là tướng lĩnh Pháp bên kia chiến tuyến, dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của cuộc đời, dù còn nhiều điều chưa toại nguyện, vẫn luôn yêu đời, ham sống, và năng lượng sống vẫn còn tràn trề ngay cả khi tuổi đời đã lên đến cả thế kỷ.

Người hạ cờ "quẻ ly", kéo cờ đỏ sao vàng ở Ngọ Môn, Huế ngày 23/8/1945. Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn 174, một trong 3 trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Từng được người Pháp mệnh danh là "Hùm xám đường số 4" vì đánh cho quân Pháp thua liểng xiểng trong Chiến dịch Biên giới thu đông 1950.

Đó là những gì nhiều người biết về trung tá Đặng Văn Việt, một lão tướng không sao hay một anh hùng chưa từng được phong tặng, theo mô tả của một số người. Lão tướng ấy đã qua đời lúc 0h55 ngày 25/9 tại Bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, hưởng thọ 102 tuổi.

Biến cố cuộc đời

Đầu năm 1954, gia đình ông Đặng Văn Việt bị đấu tố tại quê nhà. Cha ông là cụ Đặng Văn Hướng bị đội giảm tô xếp vào thành phần phong kiến áp bức vì từng làm quan lớn trong triều Nguyễn, mặc dù khi ấy cụ đang đương chức bộ trưởng không bộ, đặc trách công tác ở 3 tỉnh Thanh- Nghệ - Tĩnh trong chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì việc này mà gia đình phải ly tán.

Bản thân ông Việt, khi đang là một chỉ huy quân sự lừng danh, phải rời khỏi chức vụ trung đoàn trưởng. Theo phân công, ông sang Trung Quốc làm công tác huấn luyện của Trường Lục quân Việt Nam, không còn được nắm vị trí chỉ huy các đơn vị chiến đấu.

Cụ Đặng Văn Việt thời trẻ và khi về già (Ảnh: Báo QĐND)

Năm 1954, ông trở về Việt Nam, tiếp tục làm Trưởng phòng Huấn luyện ở Trường Lục quân. Năm 1958, ông được phong quân hàm trung tá. Năm 1960, ông xuất ngũ và được điều sang làm Cục phó Cục Vật liệu xây dựng, rồi Cục phó Cục Xây dựng cơ bản thuộc ngành Thủy sản đến khi nghỉ hưu.

Ông Đặng Việt Hùng, con trai “Hùm xám” kể: ở tuổi 100, ông vẫn đi xe điện ba bánh rong chơi phố phường Hà Nội, thăm bạn bè, người thân. Vợ mất đã lâu, ông Việt ở cùng gia đình con trai Đặng Việt Hùng.

Nếu mô tả ngắn gọn về bố tôi, thì đó là người lương thiện, ham sống, lạc quan, luôn suy nghĩ tích cực dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tiền có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, hết thì thôi

Bà Đỗ Thu Hồng, con dâu cụ Đặng Văn Việt

Người ta nói “Hùm xám Đặng Văn Việt” có một niềm yêu sống kỳ lạ. Mặc dù bản thân và gia đình gặp không ít khó khăn vướng mắc trong rất nhiều năm nhưng ông luôn tin tưởng vào những giá trị chân thực của đời người và hầu như không bao giờ trách cứ ai.

Một phóng viên viết rằng: Ông Việt khi đã gần trăm tuổi có lần khoe cái nhẫn vàng rất to đeo trên tay rồi cười nói, bạn gái vừa tặng đấy. “…Ngay cả lúc này đã 96 tuổi nhưng tuổi tinh thần của mình mới chỉ mới 60 thôi. Vì mình luôn nghĩ như thế mà đến tận hôm nay vẫn chạy xe máy, đi khiêu vũ, hẹn hò bạn bè, viết sách, làm thơ và… có bạn gái”, “Hùm xám” được dẫn lời nói trong bài báo.

Năm ngoái ông ở tuổi 101 và mới hồi phục từ viện về nhưng khi phóng viên đến nhà thăm, chị con dâu bảo phải ngồi “đợi ông đi chơi về đã chứ không ai giữ ông ở nhà được”.

Bà Đỗ Thu Hồng, con dâu cụ Việt bảo: Trước đây ông chơi tennis, bơi lội ở CLB Ba Đình, về sau tham gia câu lạc bộ khiêu vũ. “Hôm nay quần vàng, mai quần đỏ, quần xanh, các loại. Cụ yêu đời lắm”, bà Hồng bảo.

“Hùm xám” không thích nhắc chuyện cũ

Ông Đặng Việt Hùng, con trai cụ Việt kể rằng, từ những năm 1980, cụ chuyên tâm viết sách. Ở nhà, cụ chẳng mấy khi nhắc về chuyện nhiều người nói mình xứng đáng được phong anh hùng. “Thời cải cách ruộng đất, phức tạp lắm”, ông Hùng nói. Khi cụ Hướng bị đấu tố, cụ bà mất. “Các con các cháu khổ sở quá. Bà Dung, là cô út, khi ấy phải dẫn một đàn con cháu đi bộ từ Nghệ An ra Hà Nội lánh nạn”.

Ông Việt khi đó ở Trung Quốc, vợ vẫn công tác trong quân đội với vai trò dược sỹ. Lúc đó ông bà đã có người con trai đầu. “Bà nội mình là người phố cổ”, ông Hùng kể, giải thích vì sao cả nhà lúc đó lại ra Hà Nội.

Nhưng theo lời con trai, không bao giờ ông Việt nói về những chuyện thời cải cách ruộng đất với con cái. Nhà nước phân công gì thì làm vậy. Năm 1958, sau khi ra quân, ông đi học đại học Bách Khoa khóa 1. Tức là 40 tuổi vẫn tiếp tục học đại học.

Con dâu Đỗ Thu Hồng bảo: “Cụ có những thăng trầm trong cuộc đời, nhưng ít khi thổ lộ ra ngoài”.

Con trai Đặng Việt Hùng: “Làm ở Bộ Xây dựng, Bộ Thủy sản, lên đến cục phó, chưa bao giờ ông nói với ai trong cơ quan mình là “hùm xám đường số 4”. Ông giấu biến”.

Có một số bài báo viết rằng sau khi về hưu thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, “Hùm xám” Đặng Văn Việt do hoàn cảnh khó khăn phải đi bỏ mối bánh ngọt, bánh xu xê. Về chuyện này, bà Hồng giải thích: Những năm đó, cả xã hội khó khăn chứ đâu chỉ riêng gia đình tôi. Ngoài chuyện kiếm tiền, bố tôi còn muốn cho mọi người thấy, mình tuy hưu trí nhưng không chịu ngồi không, phải lao động để kiếm ra tiền. Cụ vẫn có lương hưu, tiền thương binh cơ mà. Lao động, đó là tính cách của cụ.

Theo con cái, tâm nguyện của “Hùm xám” là các thế hệ sau biết đến những gì từng xảy ra trong chiến tranh, biết đến lịch sử hào hùng của cha ông qua những cuốn sách của mình.

Chúng tôi may mắn gặp được cụ Phạm Trí, 87 tuổi, cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh đồi A1, đồng đội của “Hùm xám” Đặng Văn Việt. Nhà ông Trí ở phố Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

“Ông ấy xuề xòa lắm”, cụ Trí kể. “Mỗi lần qua nhà tôi, bảo, có làm cơm thì làm nhanh lên. Tớ đói rồi. Tôi gọi ông ấy là thủ trưởng, ông ấy cũng gọi tôi là thủ trưởng. Bia vẫn uống được mấy lon. Mà mới tháng hai tháng ba gần đây chứ đâu xa. Ăn xong ngủ ngáy pho pho”.

Bà con dâu bảo: Người già có hai thứ quan trọng là ăn uống và ngủ. Cả hai thứ đó ở ông Việt đều tốt cả. “Cụ ngủ một mạch, buồn ngủ lúc nào thì ngủ lúc đấy”.

Ông con trai bảo: “Bố tôi luôn có khát vọng sống. Chẳng khi nào cụ muốn chết cả”.

“Hùm xám” rất dễ ăn. Cái gì cũng ăn được. Bà Hồng kể: Cụ đi ăn cỗ, người ta đưa về, nói với gia đình rằng “ông cụ ăn tốt lắm”.

Ông Trí bảo: 100 tuổi, mà một đĩa xào cụ cũng có thể xơi hết, còn uống 2 lon bia, hoặc mấy chén rượu.

Một trong những cuốn sách do cụ Đặng Văn Việt chủ biên, xuất bản sau ngày mất của cụ.

Chuyện căn hộ chung cư

Cả gia đình cụ Việt bao năm qua sống trong một căn hộ tập thể cũ trên tầng 4 ở ngõ Hòa Bình 7, Minh Khai, Hà Nội. Nhà kiểu cũ. Cầu thang bộ. Cả căn phòng chỉ có 16m2.

Những năm cuối đời, do sức khỏe giảm sút, ông không thể đi bộ lên tầng 4 nữa nên các con ông Việt thuê một căn chung cư trên tầng 12 có thang máy ở cạnh khu nhà cũ để ở. Thời gian này ông ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, vậy mà cứ lại sức một chút là ông lại phóng xe máy đi khắp nơi.

Ông Đặng Việt Hùng nói: “Trước đây, một chủ tịch UBND TP Hà Nội có hứa cấp cho gia đình một căn hộ, để ghi nhớ công lao và những chiến tích của cha tôi”. Và ông chủ tịch đã giữ lời.

“Nhưng khi hai bố con đến thăm nơi dự kiến sẽ chuyển đến, chúng tôi thấy nhà cửa xập xệ quá, nơi đó lại là khu vực tái định cư, tình hình an ninh phức tạp, nghiện hút nhiều. Bố tôi bảo thôi, không nhận nữa”, ông Hùng kể.

Tướng không sao

Cụ Đặng Văn Việt (đứng giữa, mặc thường phục) trong ngày gặp mặt truyền thống Trung đoàn 174, bên phải cụ là Anh hùng La Văn Cầu.  (Ảnh: Báo QĐND)

Trong cuốn sách Việt Nam bản hùng ca giữ nước do NXB Thông tin và truyền thông ấn hành, có một trang NXB giới thiệu về vị chủ biên: “Đó là ông Đặng Văn Việt, một lão thành cách mạng, một lão tướng không sao, một anh hùng không sắc phong”. Những danh xưng ấy dành cho ông Việt đã xuất hiện nhiều trên sách báo trong và ngoài nước.

Bố tôi bảo: Một số người nói bố là ông thất bại. Chẳng biết có thất bại không, nhưng mà họ chết cả rồi, còn mình nay vẫn còn sống nhăn

Anh Đặng Việt Hùng, con cụ Đặng Văn Việt

Một số người nói ông Việt chưa được phong anh hùng là vì vấn đề lý lịch. Nhưng ngay từ năm 2012, Bộ Nội vụ đã xác minh lại vấn đề này qua công văn “Xác nhận vấn đề chính trị đối với cụ Đặng Văn Hướng của Bộ Nội vụ” gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An, huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu.

Nội dung công văn có đoạn: “Bộ Nội vụ xác nhận: Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng, Chính phủ mời một số trí thức, nhân sĩ ra giữ trọng trách một số bộ trong Chính phủ, trong đó có cụ Đặng Văn Hướng giữ chức bộ trưởng không bộ (nội dung như đã thể hiện trong Lịch sử của Chính phủ Việt Nam (1945-1954), trang 164, tập 1, NXB Chính Trị Quốc Gia - năm 2006). Xin thông báo để quý cơ quan được biết”.

Như vậy là đã rõ. Cụ Hướng trước làm quan triều Nguyễn, sau tham gia chính phủ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

“Gia đình cũng đã nhận được văn bản này”, ông Hùng nói. “Nhưng từ bấy đến nay, cũng không thấy có thông tin gì thêm và cũng không thấy ai đả động gì đến chuyện lý lịch của bố tôi nữa”.

Ông Phạm Trí bảo ông và “Hùm xám” nhiều lần đi thăm lại chiến trường Cao- Bắc- Lạng, nơi có đường số 4 làm nên tên tuổi Đặng Văn Việt. “Cũng nhiều lần chúng tôi được mời dự kỷ niệm ngày thành lập đơn vị cũ”, cụ Trí nói.

Tôi để ý, trong nhiều bức ảnh, mỗi lần trở về đơn vị cũ hay tham gia các sự kiện của quân đội, “Hùm xám” Đặng Văn Việt luôn mặc thường phục, bên cạnh các cựu đồng đội trong quân phục chỉnh tề.  Nhưng ông Việt thường được xếp ở vị trí trung tâm.

Bình luận của một số anh hùng, tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam về trung tá Đặng Văn Việt:

“Việc xem xét khen thưởng cho một vị chỉ huy tài ba, lừng danh là một việc bình thường, hợp với lòng dân. Nếu tôi được phong anh hùng một lần thì thủ trưởng Việt phải được phong từ 5-10 lần”. (Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá La Văn Cầu)

"Việt là một nhà chỉ huy đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu". (Đại tướng Chu Huy Mân)

"Dù khó mấy cũng đánh". (Đại tướng Hoàng Văn Thái)

"Thắng lớn nhưng ít thương vong"... (Thượng tướng Hoàng Minh Thảo)

"Sáng tạo về quân sự. Vững vàng về chính trị. Đã đánh là thắng". (Đại tướng Võ Nguyên Giáp)

Anh Minh (Video: Thanh Tùng)

Tin mới