Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện ít biết về đơn vị 'bộ đội Việt - Mỹ'

Bác Hồ đã chỉ thị chọn người trong các đơn vị Giải phóng quân để tổ chức một đại đội gọi là “Bộ đội Việt - Mỹ”.

Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ giữa Việt Minh và lực lượng Đồng minh (bắt đầu từ sự kiện giải cứu trung úy Shaw - phi công Mỹ) đã được thiết lập, dẫn đến việc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) tại Côn Minh (Trung Quốc) quyết định cử toán “Con nai” đến hoạt động ở miền bắc Việt Nam tại chiến khu Tân Trào của Việt Minh.

Nhiệm vụ của toán “Con nai” là nhảy dù xuống Tuyên Quang, chuẩn bị cơ sở cho Việt Minh tiếp nhận vũ khí và cố vấn huấn luyện quân sự.

Các cựu thành viên toán “Con nai” trong chuyến thăm lại Tân Trào tháng 10/1995. (Ảnh: Đào Ngọc Ninh)

Tháng 5-1945, trung úy Dan Phelan nhảy dù xuống căn cứ địa Tân Trào, cùng lực lượng Việt Minh chuẩn bị các mặt, trong đó có việc xây dựng một đường băng dã chiến nhỏ để tiếp nhận máy bay Đồng minh.

Sau đó, ngày 16-7-1945, toán “Con nai” tổ chức đợt nhảy dù thứ nhất xuống làng Kim Lung, thuộc chiến khu Tân Trào (Tuyên Quang), trong đó có thiếu tá Allison Thomas, Trưởng toán; trung sĩ William Zielski, trung sĩ Henry Prunier... Ngày 30-7-1945, đợt nhảy dù thứ hai bổ sung đầy đủ toán “Con nai”, gồm trung úy Rene Defourneux, trung sĩ Lawrence Vogt, trung sĩ Aaron Squires, binh nhất Paul Hoagland phụ trách quân y.

Bác Hồ đã chỉ thị chọn người trong các đơn vị Giải phóng quân để tổ chức một đại đội gọi là “Bộ đội Việt - Mỹ”. Đơn vị này do ông Đàm Quang Trung làm Đại đội trưởng, quân số khoảng 200 người. Thiếu tá Thomas được xem là Tham mưu trưởng đại đội.

Trong thời gian ở tại chiến khu Tân Trào, các thành viên toán “Con nai” tập trung huấn luyện cho đại đội Việt - Mỹ sử dụng vũ khí và chiến thuật du kích. Cũng trong thời gian đó, ba chuyến máy bay vận tải Dakota C47 đã thả dù một số vũ khí.

Cho đến nay, cũng chưa thống kê được chính xác số lượng, chủng loại vũ khí, trang bị Mỹ đã cung cấp cho đại đội Việt - Mỹ và lực lượng kháng chiến Việt Minh.

Tuy nhiên, căn cứ số vũ khí của đại đội Việt - Mỹ sử dụng trong trận đánh giải phóng Thái Nguyên ngày 20-8-1945, gồm một khẩu đại liên, hai súng cối 60 mm, bốn súng chống tăng Bazooka, tám trung liên Breno, 20 tiểu liên Thompson, 60 súng carbin, 20 súng ngắn Colt, một số ống nhòm cùng một số vũ khí đưa vào bằng đường bộ cùng Frankie Tan và Mac Shin (hai điệp viên Đồng minh đầu tiên đi cùng Bác Hồ về chiến khu Tân Trào, trong đó ông Mac Shin có cung cấp con số vũ khí gồm 45 tiểu liên Thomson, 30 súng carbin, 45 súng lục tự động) để phỏng đoán thì vũ khí Mỹ đã tiếp tế cho Việt Minh có lẽ khoảng như vậy, hoặc nhiều hơn một chút.

Ông Mac Shin tại lán điện đài, Kim Lung, Tân Trào khi ông thăm lại An toàn khu năm 1995. (Ảnh: Đào Ngọc Ninh)

Ngày 14-8-1945, phát-xít Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện lực lượng Đồng minh. Một ngày sau, Ủy ban khởi nghĩa ra lệnh cho các đơn vị Quân giải phóng tiến công các căn cứ của địch. Ngày 16-8-1945, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.

14 giờ ngày 16-8-1945, Quân giải phóng xuất phát từ Tân Trào tiến đánh quân Nhật tại thị xã Thái Nguyên. Đại đội Việt - Mỹ và toán “Con nai” cũng tham gia trận đánh này. Đại đội Việt - Mỹ có nhiệm vụ bao vây tiêu diệt mục tiêu khó khăn nhất là trại lính Nhật tại thị xã. Ngày 20-8-1945, quân Nhật trong đồn vẫn kháng cự, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng gửi một tối hậu thư cho viên thiếu tá chỉ huy quân Nhật kêu gọi đầu hàng.

Để tăng thêm thanh thế của quân giải phóng Việt Nam cùng Đồng minh hiệp đồng chiến đấu, đã có một tối hậu thư bằng tiếng Anh do thiếu tá Thomas ký, gửi quân Nhật yêu cầu đầu hàng.

Tại Sở Hiến binh Nhật (đóng ở nhà Gauchie), quân Nhật dựa vào tường rào vững chắc, ngoan cố chống cự. Quân ta điều một tổ súng Bazooka do Tiểu đội trưởng Sùng Hải phụ trách đến bắn vỡ toang một mảng tường nhà. Quân ta xung phong vào, dùng súng ngắn, lựu đạn tiêu diệt địch, đánh chiếm mục tiêu.

Các chỉ huy Quân giải phóng gồm Võ Nguyên Giáp, Đàm Quang Trung, có thiếu tá Thomas cùng đi, trực tiếp đến xem xét tại chỗ sự bố phòng trong ngôi nhà của quân Nhật.

Sau đó, toán “Con nai” cùng Chi đội 4 Quân giải phóng mới được thành lập hành quân về Hà Nội. Ngày 9-9-1945, thiếu tá Thomas và các thành viên toán “Con nai” chấm dứt nhiệm vụ ở Hà Nội, được lệnh rút về nước.

Sự hiện diện của toán “Con nai” tại Việt Nam khá ngắn ngủi, khoảng 80 ngày. Tháng 10-1995 sau nửa thập kỷ, họ mới có dịp trở lại Việt Nam theo lời mời và thu xếp của Hội Việt - Mỹ, vào thời điểm hai nước Việt Nam và Mỹ vừa chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Với các thành viên của toán “Con nai”, các nhân viên tình báo như Frankie Tan, Mac Shin,… đó là chuyến trở lại thăm Việt Nam một lần duy nhất, vì sau đó, không một ai trong số họ có điều kiện quay lại nữa.

Thời gian ở thăm Việt Nam là những ngày tràn đầy ký ức về “một thời đã xa”. Các thành viên toán “Con nai” cho các bạn Việt Nam xem những kỷ vật cũ họ vẫn trân trọng cất giữ để nhớ về những ngày hoạt động tại chiến khu Tân Trào.

Ông Henry Prunier mặc lại chiếc áo comple đũi ông may ở Hà Nội trước khi được lệnh về nước mà ông vẫn giữ cẩn thận suốt bao năm. Trong bữa tiệc tổ chức tại Hà Nội để chào đón đoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến dự. Khi nhìn thấy và nhận ra ông Henry Prunier, Đại tướng đã cầm lấy một quả cam ở trên đĩa và làm động tác xoay người vung tay như là ném trái lựu đạn để ông Henry Prunier thấy Đại tướng không quên người cố vấn quân sự của mình năm xưa.

Trong chuyến thăm lại chiến khu Tân Trào, các thành viên toán “Con nai” đã trở lại nơi họ đã ở. Khi tới cây đa Tân Trào, thiếu tá Thomas kể lại dự định ban đầu là toán sẽ đi bằng đường bộ nhưng do quân Nhật lùng sục rất gắt gao nên toán phải sử dụng đường hàng không.

Do thời tiết xấu, viên phi công không nhận ra được dấu hiệu của bãi nhảy dù ở mặt đất nên toán phải nhắm mắt nhảy xuống và dù của thiếu tá Thomas mắc đúng vào cây đa Tân Trào. Sau đó, toán “Con nai” được chiêu đãi một bữa thịt bò, và khi nhớ lại, thiếu tá Thomas cười và khen “thịt bò hôm đó ngon”.

Khi tới thăm thị xã Thái Nguyên (nay là TP Thái Nguyên) để nhớ lại trận đánh giải phóng thị xã cùng đại đội Việt - Mỹ, thiếu tá Thomas cho tác giả (khi đó là Thư ký Hội Việt - Mỹ) xem bức ảnh một ngôi nhà. Ông cho biết, ngôi nhà này là nơi đặt sở chỉ huy của quân giải phóng trong trận đánh và nói ông muốn tìm thăm lại ngôi nhà này.

Một cuộc tìm kiếm nhanh chóng được tổ chức, cuối cùng đã tìm được một thầy giáo rất già người địa phương. Ông giáo nhận ra cái cổng của ngôi nhà trong ảnh và dẫn mọi người đến tận nơi. Đó là cơ quan của Điện lực Thái Nguyên bây giờ nhưng may sao, cái cổng từ thời Pháp vẫn còn.

Thiếu tá Thomas cho biết, lúc đó, dù nhận được lệnh qua radio là không tham gia các trận chiến đấu với quân Nhật cùng lực lượng Việt Minh, nhưng ông vẫn quyết định không thực hiện mệnh lệnh này.

Nhìn lại thành viên của toán “Con nai”, những cố vấn quân sự ban đầu của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam trong những ngày tiền khởi nghĩa và chuyến thăm trở lại Việt Nam của họ sau 50 năm, để có thể thấy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, trong đó có nhân dân Mỹ rất cần được thúc đẩy, nâng niu để hai dân tộc cùng hướng tới một nền hòa bình và thịnh vượng chung trên thế giới.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Tin mới