Tháng 7/1959, nhận lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang nghỉ hè ở đất nước của Lênin. Trong chuyến thăm ý nghĩa này, ngoài Liên Xô, Bác cũng dành thời gian đi thăm nhiều nước Xô Viết anh em, như Gruzia, Turmenia, Uzbekistan và Armenia.
Trong dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), chia sẻ với VTC News, Đại sứ Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan kể về chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới đất nước Armenia năm 1959.
Theo Đại sứ Kazhoyan, chuyến thăm này có ý nghĩa to lớn giúp Nhân dân hai nước hiểu nhau và gắn bó nhiều hơn, đặt nền tảng vững chắc cho quan hệ hữu nghị ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Armenia.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Trạm điện Gyumush Hydro ở Armenia ngày 21/07/1959. (Ảnh: Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam)
- Quan hệ hữu nghị Việt Nam – Armenia được lãnh đạo hai nước vun đắp từ trong khó khăn, thưa Đại sứ?
Có thể nói Việt Nam và Armenia bắt đầu có mối quan hệ hữu nghị trong thời gian kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Trong thời gian này có nhiều chuyên gia Armenia được cử đến Việt Nam để giúp đỡ các bạn trong nhiều lĩnh vực quân sự và dân sự. Ngoài ra, Armenia cũng giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn cán bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Như tôi được biết, nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở Armenia sau nay đã trở thành những cán bộ khoa học, những nhà quản lý cấp cao, nắm giữ những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị Việt Nam và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tôi cho rằng, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam - Armenia được xây dựng trên nền tảng lịch sử vững chắc, truyền thống lâu đời và sự đồng cảm của nhân dân hai nước.
Và đặc biệt mối quan hệ hữu nghị này được biểu hiện rõ trong chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Armenia năm 1959. Chính Hồ Chí Minh là người đặt nền móng vững chắc cho tình hữu nghị Việt Nam – Armenia.
- Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Armenia là sự kiện quan trọng, song đến nay chưa nhiều người biết ?
Đúng vậy. Trong quá trình sưu tầm tư liệu về Việt Nam trước khi qua nhận công tác, tôi tìm thấy một số nguồn tư liệu ảnh về chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thủ đô Yerevan, Armenia vào tháng 7/1959.
Những thông tin và hình ảnh về chuyến thăm đặc biệt này không có nhiều trên báo chí truyền thông hiện nay. Có lẽ bởi vì bối cảnh lịch sử và khoa học kĩ thuật thời đó chưa phát triển như bây giờ, nên hình ảnh chuyến thăm không được chú ý.
Rất may là khi tôi đến trung tâm dữ liệu ở Armenia thì tìm thấy nguồn tư liệu về chuyến thăm này. Có những bức ảnh ý nghĩa về chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và tôi đã xin phép sao chép lại và dành tặng cho lãnh đạo Việt Nam khi qua nhận nhiệm vụ năm 2019.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt các nhà văn Armenia tại khu nghỉ mát mùa hè Hội Nhà văn Armenia, gần hồ Sevan ngày 22/07/1959. (Ảnh: Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam)
- Những ấn tượng đặc biệt trong chuyến thăm của Bác Hồ đến thăm Armenia là gì, thưa Đại sứ?
Theo các tài liệu ghi lại thì chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Armenia diễn ra vào khoảng ngày 20-22/7/1959. Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Armenia Suren Tovmasyan đón tiếp trọng thị Hồ Chủ tịch.
Trong chuyến thăm này Hồ Chủ tịch đã có buổi hội đàm chính thức với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Armenia Suren Tovmasyan, và sau đó gặp mặt với các cơ quan Trung ương của Armenia.
Vahram Kazhoyan (1).jpg
Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thủ đô Yerevan được người dân Armenia nhiệt liệt đón chào và bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Đại sứ Vahram Kazhoyan
Đây có thể là cuộc gặp chính thức đầu tiên các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước, tạo nền móng lịch sử cho mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Nhân dân Việt Nam và Armenia sau này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau đó tới thăm Bảo tàng Bản thảo cổ đại Matenadaran, ở thủ đô Yerevan. Đó là một trong những kho lưu trữ bản thảo lớn nhất trên thế giới, trong đó có kho lưu trữ lớn nhất về các bản thảo Armenia cổ đại.
Người tới thăm nhà hát opera và tới các nhà máy sản xuất ở Yerevan và dành thời gian nói chuyện với Nhân dân lao động trong các xí nghiệp, những người lao công làm việc trên đường phố Yerevan.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và dành nhiều tình cảm tốt đẹp đối với mọi tầng lớp Nhân dân.
Và sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm thủ đô Yerevan cũng được đông đảo người dân Armenia nhiệt liệt đón chào và bày tỏ lòng ngưỡng mộ tới lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tham quan hồ trên núi Sevan. Trên đường đi, Người ghé thăm một trạm thủy điện và trại nhi đồng ở Ankavan. Tại khu nghỉ dưỡng cạnh Hồ Sevan, Người gặp gỡ, trò chuyện và vui liên hoan với anh chị em văn nghệ sĩ, công nhân đang an dưỡng ở đây.
Trong ngày cuối của chuyến thăm, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự bữa cơm thân mật với các vị lãnh đạo Armenia.
Có một điều đáng tiếc là khi tôi tìm lại danh sách những người từng được đón tiếp Bác Hồ trong chuyến thăm năm 1959, có rất ít người còn sống. Do đó thông tin chi tiết về chuyến thăm này là rất ít ỏi.
- Sau chuyến thăm của Bác Hồ, mối quan hệ giữa Việt Nam và Armenia ngày càng bền chặt và phát triển?
Đúng vậy. Chuyến thăm của Bác Hồ tới Armenia đã giúp nhân dân hai nước hiểu nhau và gắn bó nhiều hơn. Rất nhiều chuyên gia Armenia sau đó đã tình nguyện lên đường đến Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ cứu nước, để hỗ trợ nhân dân Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong số đó có những chuyên gia quân sự, kĩ sư xây dựng và kĩ thuật, đã phục vụ hiệu quả và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta.
Nhân dân hai nước từ đó có sự hiểu biết sâu sắc về tình hình của nhau. Armenia luôn dành sự ủng hộ cho Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến giành độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như đào tạo cho Việt Nam thêm nhiều cán bộ khoa học – kỹ thuật, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Và chính điều này đã góp phần hình thành nền tảng quan trọng của tình hữu nghị giữa hai đất nước.
Ngoài ra, tôi nhớ rằng, sau 2 năm kề từ chuyến thăm của Bác Hồ, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Armenia Suren Tovmasyan được bổ nhiệm làm Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam (từ năm 1961-1964) và có nhiều đóng góp thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Armenia SurenTovmasian ngày 22/07/1959. (Ảnh: Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam)
- Quan hệ giữa Việt Nam và Armenia hiện nay phát triển ra sao thưa ông?
Tôi cho rằng có mặt mạnh và có mặt yếu. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước rất tốt và ngày càng phát triển. Hai nước thường xuyên ủng hộ nhau trên trường quốc tế và các khu vực cùng quan tâm. Song hợp tác kinh tế - thương mại song phương hiện rất nhỏ, chưa xứng với tiềm năng giữa hai nước.
Việt Nam mới đây kí hiệp định thương mại tự do với Liên minh Thuế quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan và Armenia) mở ra nhiều triển vọng cho doanh nghiệp hai bên.
Do đó với tư cách là Đại sứ Armenia tại Việt Nam, tôi luôn cố gắng thúc đẩy nhiều hơn nữa để quan hệ kinh tế hai bên phát triển mạnh mẽ và liên tục.
Tôi cho rằng, tiềm năng hợp tác là rất lớn. hiện có nhiều mặt hàng mà Armenia có thể nhập khẩu từ Việt Nam như gạo, cà phê, hàng dệt may, hải sản,…Trong khi Armenia có thể xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như rượu conhac, vang nho, máy công nghiệp, thiết bị kĩ thuật, …
- Những khó khăn thách thức hiện nay ra sao và chúng ta phải làm gì để tăng cường hợp tác Việt Nam – Armenia, thưa Đại sứ?
Tôi cho rằng, quan hệ song phương đang giữa hai nước ở cấp cao, mà chưa lan tỏa đến người dân hai nước. Hiện nay nhân dân Việt Nam và Armenia chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu và giao lưu văn hóa, hợp tác kinh tế với nhau.
Do đó hai nước cần có các kênh trao đổi văn hóa, trao đổi thông tin, để việc kết nối nhân dân thuận lợi hơn. Nhiều người nói với tôi rằng, giới trẻ Việt Nam biết rất ít về đất nước Armenia và ngược lại người dân Armenia không biết nhiều về nước Việt Nam hiện đại.
Ngoài ra, du lịch cũng là lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cần đẩy mạnh hợp tác. Hiện nay có rất nhiều khách du lịch Armenia tới thăm Việt Nam, chủ yếu tập trung tại các thành phố biển như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng. Và ngược lại, nhiều du khách Việt nam cũng mong muốn sang thăm Armenia, đặc biệt là những thế hệ người Việt từng học ở Armenia.
Năm 2019, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam, theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong chuyến thăm này hai nước đã kí kết nhiều thỏa thuận quan trọng, và đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Tôi tin tưởng rằng, những tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước trong quá khứ, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Armenia vun đắp, cùng với những tiềm năng hợp tác to lớn hiện nay, mối quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng sâu sắc và phát triển không ngừng vì hòa bình, thịnh vượng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chợ trung tâm ở Yerevan và gặp gỡ, nói chuyện với người dân Armenia ngày 21/07/1959. (Ảnh: Đại sứ quán Armenia tại Việt Nam)
- Năm 1992, ông từng có dịp sang Việt Nam và sau 27 năm quay trở lại với tư cách là Đại sứ Armenia, ấn tượng của ông đối với Việt Nam ra sao?
Sau khi Liên Xô tan rã, năm 1991, Armenia chính thức tuyên bố độc lập. Năm 1992, hai nước chúng ta chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Cuối năm 1992, phái đoàn lãnh đạo Armenia sang thăm chính thức Hà Nội. Mục đích chính của chuyến thăm là kí các thỏa thuận về hợp tác tương trợ giữa 2 nước và thúc đẩy quan hệ song phương phát triển tốt đẹp hơn.
Lúc đó với tư cách là phiên dịch viên của phái đoàn Armenia, lần đầu tiên tôi được tới thăm Việt Nam, thăm Hà Nội. Ấn tượng của tôi lúc đó là Hà Nội có ít nhà cao tầng, xe ô tô chạy trên đường phố cũng rất ít gặp. Phương tiện chủ yếu lúc đó là xe đạp và một số xe máy. Chuyến đi tuy ngắn, nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Và năm 2019, tôi có dịp trở lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ Armenia. Ngay khi nhận được thông báo từ Bộ Ngoại giao Armenia về việc được cử sang Việt Nam công tác, tôi rất xúc động, vì Việt Nam với tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Sau 27 năm trở lại, tôi ngỡ rằng mình đã lạc vào một đất nước khác. Khi mở cửa sân bay bước ra ngoài, hình ảnh Việt Nam ngày xưa trong tâm trí tôi không còn nữa, tôi nhận ra rằng, Việt Nam đã đổi mới rất nhiều: hiện đại và phát triển mạnh mẽ.
Tôi ngỡ ngàng trước một nước Việt Nam hoàn toàn mới: có nhiều nhà cao tầng, phố xá đông đúc, cuộc sống nhộn nhịp. Quả thật, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc phát triển đất nước sau thời kỳ Đổi mới.
Song có một điều mà tôi thấy không thay đổi: Đó là người dân Việt Nam rất tốt bụng, chăm chỉ làm việc. Đó là tình cảm hữu nghị giữa hai đất nước chúng ta vẫn không thay đổi, dù trải qua bao nhiêu khó khăn, thử thách của lịch sử.
- Xin cảm ơn Đại sứ!