“Việc triển khai một loại vaccine với hiệu quả thấp có thể làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19. Bởi vì các nhà chức trách cho rằng nó làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm, hay những người được tiêm chủng có niềm tin sai lầm rằng họ đã được miễn dịch, từ đó giảm việc tuân thủ các các biện pháp chống dịch”, nhóm chuyên gia thử nghiệm vaccine của WHO cảnh báo.
Các chuyên gia này kêu gọi tất cả các cơ quan quản lý tuân thủ hướng dẫn của WHO, trong đó nói rằng những loại vaccine có hiệu quả dưới 30% không nên được phê duyệt.
Nhiều quốc gia và các công ty thương mại đang cạnh tranh để bào chế thành công vaccine chống COVID-19, nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ tốt hơn nếu chờ đợi cho tới khi kết quả toàn diện cho thấy ít nhất 30-50% hiệu quả.
Nhà khoa học làm việc tại một phòng thí nghiệm nghiên cứu Vaccine của Oxford. (Ảnh: Reuters)
Hôm 28/8, Bộ Y tế Anh cho biết họ đang tính tới việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo quốc gia này có thể cấp phép cho loại vaccine trong năm nay nếu có đủ bằng chứng về tính an toàn và hiệu quả.
Trong khi đó Tổng thống Mỹ Donald Trump không giấu diếm hy vọng nước này sẽ có vaccine trước cuộc bầu cử vào ngày 3/11.
Trung Quốc mới đây cũng tuyên bố cho phép sử dụng các vaccine COVID-19 chưa được phê duyệt, do một số công ty trong nước này phát triển sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Vaccine có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn đại dịch. Nhưng theo giáo sư Richard Peto của Đại học Oxford và là cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới, loại vaccine đầu tiên sẽ được mua và sử dụng trên toàn thế giới dù nó có hiệu quả thấp.
Ông Peto là thành viên của Nhóm chuyên gia thử nghiệm vaccine đoàn kết của WHO. Nhóm này mới đây cảnh báo trên Tạp chí Y khoa Lancet rằng, một loại vaccine kém chất lượng sẽ tệ hơn việc không có vaccine. Một phần là bởi những người mắc bệnh sẽ cho rằng họ không còn nguy cơ và ngừng giãn cách xã hội.
Ngay khi chỉ bảo vệ được một phần tối thiểu dân số, nó sẽ được coi là tiêu chuẩn để đo lường các loại vaccine sau này. Điều này thậm chí có thể dẫn tới việc các vaccine kém chất lượng được chấp thuận.
“Tôi nghĩ có sự vội vàng ở đây, sự vội vàng mang tính dân tộc và cũng có phần tư bản trong nỗ lực trở thành người đầu tiên đăng ký vaccine. Điều này sẽ khiến việc đánh giá các loại vaccine khác trở nên khó khăn hơn”, ông Peto cho hay.
“Chúng ta cần một loại vaccine hiệu quả và cần có sớm, nhưng chúng ta cần bằng chứng mạnh mẽ về độ hiệu quả”, chuyên gia này nói thêm.
Trên thế giới, các thử nghiệm vẫn đang diễn ra ở một số quốc gia, trong đó có Nam Phi và Brazil. Ở những quốc gia này, mức độ hiệu quả của vaccine sẽ dễ dàng đánh giá hơn.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ trước đó khẳng định họ sẽ tuân theo hướng dẫn 30%. Song một số nhà quan sát cho rằng sẽ có những áp lực chính trị khiến Mỹ đi đến tới việc cấp phép cho một loại vaccine dưới ngưỡng này.
Theo Nhóm chuyên gia thử nghiệm vaccine đoàn kết, so với các thử nghiệm riêng lẻ cho từng loại vaccine, một thử nghiệm đa vaccine trên toàn cầu có thể mang lại kết quả nhanh chóng và đánh tin cậy hơn.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia của WHO cảnh báo kết quả khả quan về tính an toàn và hiệu quả của một loại vaccine không đảm bảo rằng nó sẽ không có vấn đề về lâu dài. Một trong số các nguyên nhân có thể là do khả năng bảo vệ của vaccine bị suy yếu.
“Chi phí thử nghiệm sẽ chỉ bằng một phần nhỏ chi phí xã hội liên quan tới COVID-19. Do đó sự hợp tác toàn cầu sẽ loại bỏ chủ nghĩa dân tộc về vaccine”, nhóm này cho hay.