Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: 'Việt Nam đang đi đầu trong lĩnh vực ngoại giao y tế'

(VTC News) -

Những lời cảm ơn từ các nước trong mùa dịch COVID-19 cho thấy Việt Nam là người bạn hào phóng, đáng tin cậy với các quốc gia trên thế giới.

Khi khó khăn mới biết ai là bạn”, Đại sứ Thụy Điển viết những dòng tâm sự với tiêu đề như vậy trên trang Facebook cá nhân. Bà xúc động kể lại chuyện đại diện cho đất nước nhận 100.000 khẩu trang do Việt Nam trao tặng. 

Người Trung Quốc cũng nói sẽ không bao giờ quên, trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch, họ nhận được vật tư y tế trị giá hơn 500.000 USD từ nước ta.

Những lời cảm ơn tương tự từ Mỹ, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản..., góp phần tô đậm thêm hình ảnh một Việt Nam đáng tin cậy, sẵn sàng giúp đỡ các quốc gia trên khắp thế giới.

Đó chính là kết quả từ thành công của lĩnh vực ngoại giao y tế mà Việt Nam là quốc gia đang đi đầu.

Dòng tweet cảm ơn của Tổng thống Trump. 

Hoạn nạn mới biết chân tình

Việc Việt Nam hỗ trợ khẩu trang cho các cường quốc và các nước khó khăn như Lào, Campuchia là chính sách ngoại giao, thể hiện tính nhân văn của Việt Nam, đặt lợi ích, an toàn con người lên trên hết. Đồng thời, việc này thể hiện Việt Nam có trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với cộng đồng quốc tế”, PGS.TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an nhận định.

Thật vậy, ngay trong giai đoạn căng mình chống dịch, Việt Nam vẫn gửi 550.000 chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn tặng 5 nước châu Âu; Thành phố Hà Nội giúp Matxcơva đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế; Các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc cũng gửi vật tư y tế hỗ trợ nhiều tỉnh nước bạn…

Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm hành động đúng cam kết “trong khả năng sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước bạn bè và đối tác đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh”. 

Thế giới càng vị nể Việt Nam hơn khi thấy đất nước 100 triệu dân, có đường biên giới trên biển, trên bộ dài, tiếp giáp với Trung Quốc – nơi bùng phát dịch COVID-19, đã kiểm soát thành công dịch bệnh, chỉ có khoảng 320 ca nhiễm, 0 người thiệt mạng.

Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở châu Á bước sang trạng thái “bình thường mới”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trao trao vật tư y tế của Chính phủ Việt Nam tặng Chính phủ và nhân dân Thụy Điển. (Ảnh: TTXVN)

Ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích quốc phòng cao cấp tại RAND Corporation tin rằng, thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch cũng như những nghĩa cử cao đẹp trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay là cơ hội để Việt Nam chứng minh giá trị ngày càng tăng với thế giới. Nó giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh mềm, truyền bá tình đoàn kết lẫn sự hào phóng ra toàn thế giới.

Thách thức và cơ hội

Trong bài viết với tiêu đề "Việt Nam sẽ là quốc gia thắng lợi lớn thời kỳ hậu COVID-19", tờ Asia Times cho rằng, COVID-19 tạo ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam nhưng cũng mang tới cho dải đất hình chữ S nhiều cơ hội mới. 

Lúc này, khi nhiều cường quốc như Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia châu Âu đang tính tới chuyện tách rời khỏi chuỗi cung ứng với các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu như vật tư y tế, Việt Nam nổi lên như một nguồn cung ứng đáng tin cậy. 

Việt Nam sẽ là bên thụ hưởng lớn từ sự đa dạng hóa này vì Việt Nam cho thấy sự thân thiện trong khi vẫn đảm bảo mang lại hiệu quả về kinh tế đối với các công ty của phương Tây. Trong nhiều trường hợp, Việt Nam sẽ là sự lựa chọn đầu tiên khi họ tìm kiếm một đối tác đáng tin cậy. Và đây là thời cơ không thể tốt hơn cho Việt Nam”, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương) đánh giá.

Báo Mỹ khẳng định trường hợp bệnh nhân 91-phi công người Anh là biểu tượng chống COVID-19 thành công của Việt Nam. (Ảnh: NBC News)

Ông Ralph Cossa, Chủ tịch danh dự Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) khẳng định, nhiều nước đang rất muốn đa dạng hóa nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, do đó đang khẩn trương tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy. 

Với những gì thể hiện thời gian qua, ông Cossa tin rằng Việt Nam dường như đang trở thành ứng viên hàng đầu trong danh sách này – một điểm sản xuất hàng hóa mới, mắt xích mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

"Những gì Việt Nam đã và đang làm là rất ấn tượng. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang được nhìn nhận như một thị trường tiềm năng tốt để đầu tư, và COVID-19 đang ngày càng chứng minh, thúc đẩy xu hướng này. Mọi người đang có niềm tin vào khẩu trang đến từ Việt Nam hơn khẩu trang đến từ Trung Quốc", ông phân tích. 

Vị chuyên gia này còn khẳng định: "Khi nói đến nơi đầu tư, Nhật Bản là quá khứ, Trung Quốc là hiện tại, nhưng Việt Nam mới là tương lai". 

Xâu chuỗi lại những sự kiện trong quá khứ, hành động viện trợ của Việt Nam nằm trong chuỗi hoạt động tương trợ truyền thống từ xưa tới nay.

Không phải đến hoạt động hỗ trợ các nước chống dịch bệnh, mà trong những năm vừa qua, Việt Nam đã gửi quân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc cũng như giúp các quốc gia có mức độ phát triển kinh tế thấp hơn.

Ông Đỗ Tá Khánh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU - Viện Nghiên cứu Châu Âu cho rằng các hành động viện trợ của Việt Nam trong mùa dịch thực tế chỉ là sự tiếp nối của một quá trình Việt Nam thể hiện vai trò trên trường quốc tế và là biểu hiện của chính sách đối ngoại rộng mở và có trách nhiệm.

Chúng ta chỉ đơn giản thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở và có trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế khi có điều kiện. Đây là tinh thần quốc tế trong sáng, noi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, ông Khánh nói.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU - Viện Nghiên cứu Châu Âu, chính sách ngoại giao linh hoạt mà Việt Nam đang áp dụng giúp Việt Nam chứng minh giá trị của mình với thế giới. Nhưng đây là kết quả của cả một quá trình, từ hoạch định đến thực thi chính sách, trong một thời gian dài chứ không phải chỉ thông qua đợt dịch này.

Chính sách ngoại giao linh hoạt giúp Việt Nam chứng minh giá trị của mình với thế giới. Đây là kết quả của cả một quá trình, từ hoạch định đến thực thi chính sách trong thời gian dài chứ không phải chỉ ở đợt dịch này.

Chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia thắng lợi lớn thời kỳ hậu COVID-19. (Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu)

Bên cạnh đó, COVID-19 diễn ra vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam vừa chính thức đảm nhận vị trí vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. 

Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, Việt Nam đang thể hiện tốt tính tích cực, trách nhiệm trong các vấn đề quốc tế, chứng minh và phát huy năng lực của mình trong cả 2 vai trò trên. Điển hình là việc linh hoạt tổ chức Hội nghị cấp cao trực tuyến ASEAN, ASEAN+3 và thúc đẩy đề xuất thành lập quỹ hợp tác chung của ASEAN ứng phó COVID-19. 

Trong thời khắc nghiệt ngã này, sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN tỏa sáng như ngọn hải đăng trong bóng tối”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch bệnh COVID-19 theo hình thức trực tuyến hồi giữa tháng 4. 

Rõ ràng, COVID-19 là phép thử liều cao đối với toàn thế giới trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại..., nhất là kinh tế, đồng thời làm lộ rõ những mặt bất cập từ tiến trình toàn cầu hóa, phản ánh sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.

COVID-19 cũng phơi bày thái độ của các quốc gia, trách nhiệm của các quốc gia đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có thái độ, trách nhiệm của các nước đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh này, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh chính sách ngoại giao trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Kông Anh-Diệu Hoa

Tin mới