Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia: Cạnh tranh khốc liệt, Văn Lâm khó có suất bắt chính ở Nhật Bản

(VTC News) -

BLV Quang Tùng cho rằng Văn Lâm phải cực kỳ nỗ lực, chờ đợi thời cơ và có thể cần tới cả may mắn để được bắt chính cho Cerezo Osaka.

Đặng Văn Lâm sẽ chuyển sang chơi cho CLB Cerezo Osaka (J-League 1) từ mùa giải 2021, sau khi đội bóng Nhật Bản đồng ý mua lại hợp đồng của Văn Lâm với Muangthong United. Lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam có một cầu thủ gia nhập một đội bóng ở hạng cao nhất của bóng đá Nhật Bản.

Trả lời VTC News, BLV Ngô Quang Tùng cho rằng là cơ hội để Văn Lâm thăng tiến trong sự nghiệp, dù vậy, thách thức cho thủ môn Việt kiều là rất lớn khi chuyển sang chơi bóng ở môi trường đẳng cấp, chuyên nghiệp hơn hẳn so với Thai League hay V-League.

Văn Lâm đứng trước cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. 

- Sang Cerezo Osaka có phải bước tiến trong sự nghiệp Văn Lâm?

Hoàn toàn có thể. Cerezo Osaka đứng hạng tư ở J-League 1 - giải đấu hàng đầu ở khu vực châu Á, nếu không muốn nói là cao nhất. Văn Lâm tới Cerezo Osaka khi đã ở độ chín, có thể hiểu rằng anh sẽ có điều kiện tập luyện, phát triển tốt nhất từ trước tới nay mà một cầu thủ trưởng thành ở Việt Nam được hưởng.

Trước đây, Đoàn Văn Hậu đến SC Heerenveen, nhưng cậu ấy đi với tâm thế của một cầu thủ trẻ nhiều hơn. Với Văn Lâm, thủ môn này sẽ có cơ hội tiếp cận với những điều kiện tốt nhất để trưởng thành và phát triển. 

- Thủ môn số 1 của Cerezo Osaka đã thi đấu tại đây 12 năm, bắt chính đủ 34 trận ở J-League 1 mùa trước và có tỷ lệ cứu thua cao thứ ba giải đấu. Rất khó để Văn Lâm cạnh tranh suất bắt chính?

Văn Lâm thuận lợi khi bắt cho một đội bóng mạnh, ở vị trí hàng đầu của bóng đá Nhật Bản - một nền bóng đá tiên tiến, giúp cầu thủ tiếp cận những tiêu chuẩn của bóng đá đỉnh cao.

Dù vậy, Văn Lâm cũng gặp thách thức lớn. J-League cạnh tranh rất khốc liệt, đặt ra tiêu chuẩn cao hơn. Các cầu thủ góp mặt ở đấy, không có nghĩa họ đã đáp ứng được tiêu chuẩn của J-League, mà họ phải chứng minh mình xứng đáng có mặt tại giải đấu này. Văn Lâm phải hòa nhập được với môi trường mới.

Cerezo Osaka ở đẳng cấp cao hơn so với Muangthong của Văn Lâm. 

Một vấn đề nữa là đặc thù của vị trí thủ môn. Đây là vị trí rất khó khăn để cạnh tranh. Trên thế giới hay ở đâu cũng thế, HLV có thể thay mọi vị trí nào khác trên sân, chứ không có chuyện thay thủ môn. Sai số thay thủ môn là rất thấp. Rất ít CLB sử dụng song song hai hoặc ba thủ môn, trong khi các vị trí khác thì hoàn toàn có thể.

Do đó, Văn Lâm không thể mặc định được thi đấu ở J-League, dù anh chuyển đến Cerezo Osaka đi nữa. Cậu ấy phải tập trung rèn luyện, tận dụng thời cơ và cần may mắn nữa để được ra sân.

Nhiều CLB trên thế giới, nhất là các đội mạnh, chỉ tập trung sử dụng một thủ môn duy nhất. Trừ khi thủ môn này chấn thương, hoặc sa sút phong độ, thì mới đến lượt thủ môn số hai được sử dụng. Nhưng sau một vài trận, suất bắt chính sẽ lại trở về với thủ môn số một. 

Thủ môn số hai phải cực kỳ xuất sắc, đặc biệt mới nhăm nhe lấy được suất bắt chính, bởi cuộc cạnh tranh giữa các thủ môn là vô cùng khốc liệt.

Nhiều năm qua, nếu nói hai thủ môn cạnh tranh ngang ngửa nhau thì có lẽ chỉ rơi vào trường hợp của Oliver Kahn và Jens Lehmann ở tuyển Đức giai đoạn 2005-2006 thôi. Còn nói chung, khi thủ môn số một còn ngồi ở đấy, các thủ môn khác không có cơ hội.

Kim Jin Hyeon là "bức tường" khổng lồ mà Văn Lâm phải vượt qua ở Cerezo Osaka. 

Tuyển Đức hiện nay cũng là một ví dụ. Khi Manuel Neuer còn bắt chính, thì Andre Ter Stegen, Bernd Leno rất khó được ra sân, dù họ đều đang chơi cho những CLB hàng đầu.

Câu chuyện của Văn Lâm ở Cerezo Osaka sẽ không có gì mới mẻ. Cậu ấy phải lường trước những thử thách khốc liệt.

- Những tháng cuối ở Muangthong, Văn Lâm không giữ được suất bắt chính, nên lo ngại việc cạnh tranh ở Cerezo Osaka càng có cơ sở?

Ở Thái Lan, Văn Lâm còn gặp khó khăn, thì không có gì lạ nếu Lâm sẽ gặp những vấn đề tương tự ở Nhật Bản - nền bóng đá ở đẳng cấp cao hơn hẳn. 

Tất nhiên, dù chuyện của Văn Lâm ngồi dự bị ở Muangthong có thể liên quan đến những quyết định chưa thực sự công bằng, thì chúng ta phải nhìn nhận là việc cạnh tranh ở khung gỗ luôn khốc liệt. 

Nếu không tính Neil Etheridge, thủ môn có rất ít "gốc gác" Đông Nam Á, Kawin Thamsatchanan là thủ môn được xem là số một lại khu vực. Mà khi sang Bỉ thi đấu, Kawin bắt được một thời gian rồi cũng không được giữ lại. Cậu ấy không cạnh tranh nổi. Vị trí này không đơn giản để chiếm lấy suất bắt chính.

Muốn chứng minh được, các thủ môn phải lao động chăm chỉ, khắc phục điểm yếu của bản thân, hoàn thiện mình hơn và có đủ may mắn để tận dụng thời cơ. 

Kawin là thủ môn số một Thái Lan, nhưng không thể trụ lại châu Âu thi đấu. 

- Đặc thù của thủ môn là nếu dự bị thì hầu như không có cơ hội vào sân. Nếu Văn Lâm không có cơ hội thi đấu thường xuyên, điều này sẽ ảnh hưởng đến phong độ của anh ở tuyển Việt Nam?

Điều đó là chắc chắn. Bóng đá là môn thể thao đối kháng, nên cầu thủ phải được thi đấu. Tập luyện chỉ để duy trì, củng cố cho mình thôi, còn thước đo chính xác để đánh giá chất lượng và phong độ phải là thi đấu. Cầu thủ ở vị trí thủ môn, hay bất cứ vị trí nào khác, phải va chạm thực tế thì mới đánh giá được.

Nếu anh chỉ tập luyện, bảo là không cần thi đấu mà khi về đội tuyển quốc gia vẫn có thể bắt tốt, chuyện đó vẫn có thể xảy ra, nhưng chỉ là may mắn thôi. Nguy cơ rủi ro rất cao.

Khi HLV lựa chọn cầu thủ, nếu ông ta chọn một cầu thủ ít khi được thi đấu ở CLB đá chính cho đội tuyển, thì đấy chỉ là quyết định "cực chẳng đã", hoặc HLV ấy có mối thân tình, ưu ái với cầu thủ.

Nếu có lựa chọn khác, HLV sẽ không chọn thủ môn không được thi đấu ở CLB để bắt chính. Có thể vẫn triệu tập, nhưng cho ra sân hay không lại là câu chuyện khác. 

Văn Lâm khó giữ phong độ nếu không được bắt chính. 

HLV ở đội tuyển quốc gia luôn có 2, 3 lựa chọn cho vị trí thủ môn, nhưng chỉ một người được ra sân và không bao giờ HLV muốn thay thủ môn cả. Vị trí ấy không ảnh hưởng gì đến chiến thuật, trừ trường hợp thay thủ môn để bắt phạt đền hoặc thủ môn chính chấn thương. 

Tập luyện tốt đến mấy mà không được thi đấu, đấy cũng là vấn đề nguy hiểm với các cầu thủ, kể cả ở Việt Nam hay Nhật Bản. 

- Sang Thái Lan, một nền bóng đá vừa sức, rồi từ từ đến với các đội ở đẳng cấp cao hơn. Hành trình của Văn Lâm rất bài bản, không giống Công Phượng, Văn Hậu, những cầu thủ bước thẳng tới những giải lớn như K-League, J-League hay châu Âu mà không có bước đệm. Đây là nước đi cầu thủ Việt Nam nên học hỏi?

Nhìn các CLB Văn Lâm khoác áo trong thời gian qua, có thể thấy chất lượng giải đấu dần được nâng lên (V-League, Thai League, J-League).

Thai League có nhiều điểm tương đồng với V-League, nhỉnh hơn chúng ta đôi chút về công tác tổ chức, truyền thông hay lương bổng trả cho cầu thủ. Nhìn về quy chuẩn chất lượng, bóng đá Thái Lan nhỉnh hơn bóng đá Việt Nam ở chất lượng ngoại binh thi đấu ở giải vô địch quốc gia.

Văn Lâm đã có sự tịnh tiến đúng đắn khi đi từ V-League sang Thai League, và giờ là J-League. Ở giải đấu cao nhất của Nhật Bản, các CLB hướng đến AFC Champions League. Đó là sân chơi đẳng cấp cao của khu vực. Văn Lâm đã có biểu đồ phát triển sự nghiệp theo hướng đi lên, có chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, mỗi biểu đồ sự nghiệp phải phụ thuộc vào khả năng của từng cầu thủ. Có những cầu thủ đẳng cấp và gặp may mắn trong sự nghiệp, họ có thể tiến đến thẳng J-League luôn. Sau hai, ba năm thi đấu ở đó, họ không chơi ở đó nữa mà về lại Thai League thì cũng không có gì sai. 

Chanathip thi đấu thành công ở J-League. 

Tất nhiên, cầu thủ nào cũng muốn sự nghiệp của mình theo chiều hướng đi lên, nhưng nếu tôi đá ở J-League, nhận ra trình độ mình chỉ đến thế thôi, tôi về lại Thai League và đá tốt thì vẫn rất ổn, không vấn đề gì cả. 

Biểu đồ sự nghiệp của Văn Lâm rất hợp lý, có những bước đệm rõ ràng để thực hiện mục tiêu. Cũng giống nhiều cầu thủ Brazil trước khi sang Anh, Tây Ban Nha, Italy thi đấu, họ sẽ sang Hà Lan đá để tạo bước đệm. Tuy nhiên, có những cầu thủ sang thẳng Anh thi đấu rồi sau đó về lại Hà Lan, như thế cũng không sai vì trình độ họ chỉ như vậy. 

Mình nên hiểu rằng lựa chọn theo cách của Văn Lâm cũng là cách hay để tích lũy, nhưng có đúng không thì chỉ thực tế mới có thể trả lời.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hồng Nam

Tin mới