Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia Trung Quốc: Vaccine COVID-19 chưa thể tiêm chủng đại trà

(VTC News) -

Theo Chủ nhiệm Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, hiện chưa thể tiêm chủng trên diện rộng, mà cần phân cấp, chia nhóm đối tượng tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Phát biểu tại Hội thảo về vaccine ngừa COVID-19 mới được tổ chức tại Thâm Quyến, Trung Quốc, Chủ nhiệm trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, ông Cao Phúc cho biết, hiện tại công tác nghiên cứu phát triển vaccine ngừa COVID-19 đang được tiến hành khẩn trương trên phạm vi toàn thế giới, một số loại vaccine do Trung Quốc nghiên cứu cũng đạt được nhiều tiến triển tích cực.

Tuy nhiên, ông Cao Phúc khẳng định, hiện vẫn chưa đến giai đoạn tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. 

Ông Cao Phúc, chủ nhiệm trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc. (Ảnh: Chinanews)

Lý giải về nhận định này, ông Cao Phúc cho biết, đây là vấn đề so sánh giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu xảy ra một Vũ Hán tương tự như trước, thì cần phải tiến hành tiêm vắc xin trên diện rộng đối với người dân khu vực đó.

Tuy nhiên, hiện tại tình hình dịch tại Trung Quốc đang được khống chế tương đối tốt vì vậy không nhất thiết phải tiến hành tiêm chủng vaccine trên diện rộng đối với người dân, do vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro chưa thể xác định. Theo ông Cao Phúc, hiện tại vẫn cần phải phân cấp và chia nhóm đối tượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Về “hiệu ứng ADE” (tăng cường kháng thể phụ thuộc/antibody-dependent enhancement) - tức kháng thể chưa thể đề kháng cùng chủng virus đột biến gen, khiến cho virus mới có thể tấn công vào tế bào mà virus cũ không thể xâm nhập được, từ đó làm cho bệnh tình của người bệnh thêm trầm trọng, thậm chí phát triển thành triệu chứng nặng sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, ông Cao Phúc nhận định, hiện tại vẫn cần phải đánh giá một cách thận trọng về khả năng này.

Bởi vì vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy virus SARS-CoV-2 có khả năng gây ra hiệu ứng ADE. Trước đó, hôm 10/9 vừa qua, chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine do Đại học Oxford, Anh phát triển vừa phải tạm dừng, sau khi một người tham dự ở Anh bị nghi là có phản ứng tiêu cực với vaccine.

Trong khi đó, Tập đoàn Sinopharm của Trung Quốc, đơn vị sở hữu  2 loại vaccine dạng bất hoạt đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 khẳng định, hiện đã có hàng trăm nghìn người Trung Quốc được tiêm vắc xin khẩn cấp và đến nay chưa có một trường hợp nào xuất hiện phản ứng phụ rõ rệt, cũng như mắc COVID-19.

Lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết, mặc dù phải đến nửa đầu tháng 11 kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III mới có thể được công bố, nhưng hiện đã có gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đề xuất được sử dụng khẩn cấp hoặc có ý định đặt mua vắc xin của Sinopharm, với số lượng 500 triệu liều.

Trung Quốc hiện đang là một trong số các quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới, với tham vọng tung sản phẩm ra thị trường vào cuối năm nay.

Nước này hiện có 9 sản phẩm vaccine đang trong quá trình thử nghiệm, bao gồm 5 loại đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 – bước cuối cùng của quá trình chế tạo vắc xin trước khi được cấp phép sử dụng đại trà.

Đinh Tuấn/VOV-Bắc Kinh

Tin mới