Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia Trung Quốc: Italy đang mắc sai lầm như Vũ Hán giai đoạn đầu

(VTC News) -

Nhóm chuyên gia Trung Quốc tới Italy hỗ trợ chống dịch Covid-19 kêu gọi Italy cách ly hàng loạt các bệnh nhân với triệu chứng nhẹ thay vì để họ cách ly tại nhà.

"Các bác sỹ ở Vũ Hán cũng mắc lỗi tương tự ngay từ đầu khi dịch bệnh bùng phát", Liang Zong'An, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Tây Trung Quốc thuộc ĐH Tứ Xuyên, thành viên nhóm chuyên gia Trung Quốc cho biết. 

Theo ông Liang, vào thời gian đầu tại Vũ Hán, các bác sỹ chỉ chuyển các bệnh nhân với triệu chứng nặng vào bệnh viện và khuyên những người có triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà để giảm áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải tại Vũ Hán khi đó.  

Một xe dân sự Italy đi tuyên truyền kêu gọi người dân ở nhà trong mùa dịch. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên vào thời điểm đó, mọi người chưa hiểu rõ virus sẽ lây lan như thế nào ngay cả ở những người chưa trở bệnh nặng. Các nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng những người có triệu chứng nhẹ nếu cách ly tại nhà có thể truyền virus cho các thành viên viên gia đình cũng như những người khác bên ngoài nhà của họ khi một số người vẫn được di chuyển tự do. 

Một nghiên cứu tại một tỉnh của Trung Quốc cho thấy 80% ca mắc Covid-19 có nguồn gốc từ những người được kêu gọi cách ly tại nhà. 

Vũ Hán bắt đầu cách ly tất các ca bệnh nhẹ trong các bệnh viện tạm thời được cải hoán từ sân vận động, trung tâm hội nghị từ đầu tháng 2. Đây được xem là động thái làm chậm lại đáng kể sự lây lan của virus. 

Liên tiếp nhiều ngày vừa qua, số ca mắc Covid-19 mới ở Vũ Hán luôn dừng ở mức 1 chữ số, có ngày không có ca nhiễm mới nào. 

Liang cho biết nhóm của ông đang kêu gọi Italy làm theo cách mà Vũ Hán từng làm là cách ly bệnh nhân có triệu chứng nhẹ với gia đình của họ. 

Theo ông Liang, các gia đình Italy thường sống trong các căn hộ rộng rãi hơn so với người Vũ Hán. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nhiều gia đình bị lây nhiễm từ một người nhiễm bệnh dù họ đã cố gắng cách ly thành viên mắc bệnh trong phòng riêng biệt. 

Theo Bloomberg, thành phố Milan đang bắt đầu trưng dụng các khách sạn để cách ly các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ. Cơ sở đầu tiên với 306 phòng sẽ tiếp nhận các bệnh nhân trong tuần này. 

Italy hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 100.000 ca mắc Covid-19, hơn 11.000 người chết. Tỷ lệ thiệt mạng vì virus SAR-CoV-2 của nước này đang ở mức cao nhất thế giới, gấp đôi Trung Quốc. 

Ông Liang cho rằng tỷ lệ này cao một phần do dân số già ở Italy. Nhiều người cũng không tìm kiếm chăm sóc y tế sau khi được xác nhận mắc bệnh. 

Trong khi đó, ông Xiao khẳng định các bệnh viện ở Italy đang chăm sóc rất tốt cho các bệnh nhân nhưng lại thiếu các thiết bị bảo hộ. 

"Trong khi các nỗ lực trước đó nhằm phong tỏa đất nước và buộc mọi người phải ở nhà quá lỏng lẻo, việc Italy điều động quân đội, cảnh sát ra xuống các con phố từ 22/3 có thể là một bước ngoặt", ông Xiao cho hay. 

"Nếu các biện pháp này được tiếp tục, các ca nhiễm mới sẽ giảm mạnh. Mọi người cần cách ly vật lý với nhau. Điều đó có nghĩa không được phép tụ tập", vị chuyên gia Trung Quốc cho hay. 

Video: Hà Nội bắt đầu xét nghiệm nhanh Covid-19

Phó chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Trung Quốc Sun Shuopeng, người đứng đầu nhóm chuyên gia Trung Quốc được cử tới Italy từng rất bất ngờ khi Italy dù đang gồng mình đối phó dịch nhưng các biện pháp chống dịch ở quốc gia châu Âu này khá lỏng lẻo. Giao thông công cộng vẫn hoạt động và người dân tới khách sạn mà không đeo khẩu trang.

“Tôi không hiểu mọi người ở đây tư duy thế nào. Chúng ta thực sự phải ngừng lại các hoạt động kinh tế, tương tác xã hội thông thường. Chúng ta phải ở nhà và cố hết sức để cứu người", ông Shuopeng nói.

Song Hy

Tin mới