Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Tôi đi nhiều nước nhưng nghĩa trang ở ta là lộn xộn nhất

Nguyên GĐ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ nhận định rằng nghĩa trang ở Việt Nam rất lộn xộn, quy mô to nhỏ khác nhau và quay các hướng khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS). Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu luật, thiếu ý thức

Ông bức xúc: Trước khi tiến hành đại hội Hội Khoa học đất Việt Nam lần thứ VII (ngày 15/12/2022), tôi có đề nghị ông Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội nên tổ chức hội thảo về đất nghĩa trang như một sự kiện bên lề bởi là vấn đề rất quan trọng. Do đặc điểm về tự nhiên, tập quán mà phải nhìn vấn đề nghĩa trang ở ba vùng miền của ta với những đặc thù khác nhau. Ngoài Bắc, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng, nghĩa trang theo xã, thôn, thậm chí trong thôn có các gia tộc, dòng họ. Miền Trung, mà đặc biệt là Thừa Thiên - Huế nghĩa trang giống như các thành phố. Còn trong Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long thì an táng ngay vườn nhà.

Thứ nhất là lộn xộn do cách quản lý. Văn bản có, Nghị định 23 năm 2016 đã quy định khá rõ Bộ Xây dựng phải ra quy định về kiểu mộ, khoảng cách các mộ… nhưng tôi chưa thấy. Cấp Trung ương đã thế, xuống cấp tỉnh, huyện, xã gần như không có quy hoạch mà chỉ thể hiện trên bản đồ hiện trạng những nghĩa trang đang có. Có xã mỗi thôn một nghĩa trang. Có thôn lại có hai nghĩa trang. Một số nơi có quản trang nhưng nhiều nơi không.

Thứ hai là ý thức của dân. Cán bộ phải gương mẫu làm trước. Nói một cách đơn giản như nghĩa trang Văn Điển của Hà Nội hay các nghĩa trang liệt sĩ của các địa phương làm được theo hàng lối thì tại sao những nghĩa trang khác không làm được? Tại sao cũng là người Việt nhưng người theo Thiên chúa giáo chỉ đặt mộ theo một hướng? Tại sao không quy hoạch nghĩa trang kiểu phân lô, trong đó các hàng, các ngôi đồng nhất về kích thước, kiểu dáng, khoảng cách?

Những ngôi mộ bao chiếm lớn ở một xã tại Hải Phòng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tiến lên một bước của chương trình nông thôn mới, ta nên học các nước phát triển. Họ không xây mộ nổi trên mặt đất mà nằm bằng mặt đất, chỉ có tấm bia đá, trên mộ trồng hoa và cỏ, biến nghĩa trang thành công viên. Đằng này vào nghĩa trang của ta cứ thấy gợn gợn, mất mỹ quan, “ông” nằm ngoài quây hết “ông” nằm trong nên khó mà vào thăm được. Tôi giờ đây không chắc có “về” quê hay không mà nếu có cũng không biết sẽ “ở” đâu bởi không thể đi chiếm đất, đi quây như người ta và cũng không có để quây nữa.

Vấn đề nghĩa trang bây giờ càng xử lý sớm càng tốt, dù rằng đã muộn rồi. Theo tôi, dứt khoát nghĩa trang phải được tập trung lại, đầu tiên có thể khó nhưng phải làm chặt, trước hết về luật. Tôi đọc dự thảo sửa đổi Luật Đất đai 2013 không thấy nói rõ vấn đề này. Phải có một điều về đất nghĩa trang, từ đó giao cho các bộ và địa phương chịu trách nhiệm.

Theo thống kê, đất nghĩa trang của ta năm 2015 có diện tích 103.578ha nhưng thực tế phải cao gấp nhiều lần. Vấn đề là phải quy hoạch nghĩa trang ở những vùng xa khu dân cư, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, nhất là đồi núi. Quy hoạch nghĩa trang ít nhất phải theo huyện, có thể mỗi huyện một, hai cái ở các đầu, góc để dễ thăm viếng. Quy hoạch nghĩa trang theo huyện mới đỡ được vấn đề ảnh hưởng của gia tộc, dòng họ như dưới xã bởi cán bộ xã hay quản trang sống ở thôn, tiếp xúc với dân hàng ngày, nhiều khi cũng khó nói. Vả lại, quy mô xã ở đồng bằng sông Hồng thường nhỏ. Ở đồng bằng sông Cửu Long nên khuyến cáo dịch chuyển mộ ra khỏi vườn, khỏi nhà bởi không chỉ mất mỹ quan mà còn mất vệ sinh.

Chắc chắn chôn mồ mả có ảnh hướng tới đất, đặc biệt là hung táng. Thứ nhất là không sản xuất lớn được vì phân cắt không sao quy hoạch vùng, dồn điền đổi thửa, cơ giới hóa. Thứ hai là các doanh nghiệp về đầu tư thấy mồ mả cũng không dám vì khi trồng phải có mã số vùng trồng, mà kiểm tra thấy mồ mả thì khách hàng sẽ không mua. Thứ ba nếu có làm thì phải có đánh giá tác động môi trường. Không lấy gì đảm bảo rằng việc phân hủy xác chết trong môi trường yếm khí sẽ không ảnh hưởng đến nước ngầm rồi đến chất lượng nông sản.

Mồ mả đang tiến sát làng của người sống. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ai không chấp hành là vi phạm pháp luật

Tôi đi với nhiều chuyên gia quốc tế, họ ngạc nhiên khi thấy nghĩa trang của ta rất lộn xộn, cứ hỏi tại sao ông này lại mộ to, lại có hình này, lại quay mỗi mộ một hướng? Họ đi đồng bằng sông Cửu Long thấy những ngôi mộ cạnh nhà thì bảo chúng không tốt cho sức khỏe người sống gần. Những ngôi mộ này có lịch sử hình thành, bởi vào mùa nước nổi, ở vùng ngập không đưa người chết đi đâu chôn được, trong khi lại rất ít nghĩa trang.

Nhưng bây giờ có đê sông, đê biển, quản lý nước tốt rồi, không còn ngập nữa thì vấn đề xây dựng các nghĩa trang ở đồng bằng sông Cửu Long có thể làm được. Làm nông thôn mới, nông nghiệp xanh gắn với du lịch thì vấn đề nghĩa trang cần phải xử lý. Trong loạt bài viết “Đất của người chết bao vây đất của người sống” trên Báo Nông nghiệp Việt Nam đã chỉ rõ là những người xây mộ lớn thường không phải dân ở đó hoặc ở đó nhưng đã đi làm ăn xa và giàu có. Theo tôi những người ấy phần lớn có thể đang là cán bộ, đảng viên thì giờ phải gương mẫu trước.

Những khu nghĩa trang gia đình như thế này chiếm rất nhiều đất. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quê tôi ở một xã giáp thành phố Nam Định và theo quy hoạch sẽ trực thuộc thành phố, vậy mà hiện nay có đi vào mộ thăm các cụ cũng cực kỳ khó khăn, phải trèo qua “đầu” cụ nọ, cụ kia (mộ khác) và cứ cụ sau phải to hơn, cao hơn cụ trước. Mà bây giờ mộ bê tông hóa hết rồi cho nên rất khó khăn trong việc điều chỉnh. Thứ nữa là việc lấn chiếm, mua bán trao tay những phần đất còn lại rồi xây quây, không ai quản lý cả cũng không thấy quản trang đâu. Ở quê hễ là con trai, dù đang còn nhỏ nhưng nhiều nhà đã chuẩn bị cho nó một suất đất ngoài nghĩa trang rồi.

Chuyện mai táng tôi thấy nhiều thứ nhạy cảm. Thứ nhất là tôi chưa thấy nhiều cán bộ khi chết được người nhà hỏa táng để nêu gương. Thứ hai là vấn đề làng xã, gia tộc ai sẽ xử lý khi có thể nó rơi ngay vào gia tộc, dòng họ của lãnh đạo địa phương, liệu xử lý xong họ có sống được ở đó nữa không? Thứ ba là nó gây mất tình làng, nghĩa xóm khi nhà này xây mộ to, phô trương thì nhà kia không có điều kiện làm theo sẽ đố kị.

Tôi đã đi nhiều nước thì thấy tình trạng mồ mả ở Việt Nam là lộn xộn nhất. Ta chắc không làm được như Trung Quốc vì quá nghiêm khắc khi bắt buộc phải hỏa táng nhưng dân họ quá đông nếu không làm như thế chắc cũng không có đất cho người sống. Mặc dù đất tính theo trung bình mỗi đầu người thì Trung Quốc còn rộng hơn 2 lần ta khi họ 9.597.000km2 mà dân số 1,4 tỉ, còn Việt Nam 331.690km2 mà dân số 100 triệu.

Chúng ta phải hướng đến một cách làm tốt hơn thế. Thứ nhất là phải quy hoạch, xây dựng các nghĩa trang mới. Thứ hai là đóng cửa ngay lập tức tất cả các nghĩa trang không theo quy hoạch và lộn xộn, không cho chôn mới; sau đó lập kế hoạch di dời mộ, xử lý những trường hợp trong thôn, xã trước, người ngoài sau. Mọi thứ phải đi từng bước, không được quá tả, để cho dân quen dần, đến nghĩa trang mới thấy tốt hơn, có hàng có lối, gọn, đẹp hơn, các hố xây trước cùng một khuôn thước. Muốn vào đó phải chấp nhận những quy định.

Phải tuyên truyền cho dân, nếu ai không chấp hành là vi phạm pháp luật. Những đảng viên, cán bộ không chấp hành phải xử lý nghiêm trước, truy cứu lại. Theo Nghị định 23 năm 2016, diện tích hung táng, chôn một lần tối đa 5m2, cát táng tối đa 3m2. Nếu vượt thì vi phạm pháp luật chứ còn gì nữa?

TS Bùi Huy Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam. Ảnh: Dương Đình Tường.

 

Chỉnh sửa Luật đất đai nên bàn sâu về nghĩa trang

Diện tích đất không mở rộng được trong khi đó dân số tiếp tục tăng, cần phải tính toán giữa tỷ lệ sinh và mất để quy hoạch lại nghĩa trang, gắn với yếu tố tự nhiên, tôn giáo. Quy hoạch này phải phục vụ cho người sống, còn người mất thì có thể hỏa táng hay chôn nhưng phải tiết kiệm đất.

Hiện chúng ta đang bàn chỉnh sửa Luật Đất đai năm 2013, nên bàn sâu về đất nghĩa trang. Hội Khoa học đất Việt Nam sẽ có ý kiến phản biện vấn đề này. Xây mộ to nhiều khi không chỉ là báo hiếu cho người đã chết mà còn là vì sĩ diện của người sống. Chuyện tâm linh không ai cấm nhưng phải có chừng mực, biết phanh lại. Theo tôi nên học Trung Quốc trong việc quy hoạch nghĩa trang, hỏa táng và mai táng bởi chúng ta đất chật, người đông. Về sau cứ như thế này thì người sống sẽ không có đất nông nghiệp nữa chứ nói gì đến đất ở.

Cán bộ, đảng viên phải làm gương cho dân, vì lợi ích chung chứ không phải vì cá nhân, dòng họ. Đã chết là hết, dưới mộ chỉ là cái xác khô hay nắm tro mà thôi. Chuyện tâm linh là trong đầu người sống chứ không phải là hàng ngày ra mộ rồi khoe nhà tôi có mộ xây to, xây cao thế này, thế nọ. Quan trọng nhất là người mất có để lại di sản gì không, có là tấm gương sáng không.

TS Bùi Huy Hiền - Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam

Nguồn: Báo Nông Nghiệp

Tin mới